Người bị mất ngủ kéo dài dễ dẫn đến suy nhược thần kinh, trầm cảm, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Xin giới thiệu một số bài thuốc trị mất ngủ theo kinh nghiệm.
Bài 1: đảng sâm 12g; hoàng kỳ 15g; bạch truật, phục thần, toan táo nhân, đương quy, mỗi vị 10g; nhục quế 12g; mộc hương 8g; cam thảo, viễn chí, mỗi vị 6g; sinh khương 3 lát; đại táo 5 quả. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Tác dụng bổ tâm tỳ, dưỡng huyết an thần, trị mất ngủ do tâm tỳ hư.
Viễn chí (rễ khô của cây viễn chí) là vị thuốc trị mất ngủ do tâm tỳ hư.
Bài 2: hoàng liên 10g, sinh bạch thược 20g, lòng đỏ trứng 2 cái, a giao 50g. Rửa sạch hoàng liên, sinh bạch thược, đun cô đặc còn 150ml nước, bỏ bã. A giao đun cách thủy cho tan ra, hòa với dung dịch hoàng liên, bạch thược, đun sôi, đánh tan 2 lòng đỏ trứng cho vào, sôi một lúc là được. Ăn trước khi ngủ. Tác dụng: thông tâm thận, trị mất ngủ do tâm thận bất giao.
Bài 3: phục thần, sơn tra, bán hạ, mỗi vị 10g; phục linh 12g; trần bì, liên kiều, mỗi vị 6g; lai phục tử 15g. Các vị nấu làm nước uống sau bữa trưa và tối. Tác dụng kiện tỳ hòa vị, hóa trệ tiêu tích, trị mất ngủ do vị khí bất hòa.
Bài 4: toan táo nhân 75g, nhũ hương 30g, mật ong 60ml, ngưu hòang 0,5g, gạo 50g, chu sa 15g. Tất cả tán bột mịn, thêm 5ml rượu hòa với mật ong làm hoàn. Mỗi lần uống 15g. Tác dụng thực đởm, an thần, trị chứng đởm hư mất ngủ.
Hằng ngày ngâm chân nước nóng khoảng 30 phút, lau khô rồi massege lòng bàn chân. Kết hợp day ấn các huyệt thái dương, nội quan, thần môn, tam âm giao, dũng tuyền... có tác dụng an thần, thư giãn tòan thân, ngủ ngon.
Ăn uống đủ chất dinh dưỡng; thường xuyên tập thể dục, thái cực quyền, khí công... Sinh hoạt điều độ, thức dậy đúng giờ, không ăn quá no. Tránh các chất kích thích như rượu, trà, cà phê, thuốc lá trước khi ngủ. Phòng ngủ thoáng mát, sạch sẽ, không quá sáng, yên tĩnh. Không nằm đệm cứng quá hay mềm quá, gối quá cao. Tư thế ngủ thỏai mái, không co quắp, không nằm sấp; những người có bệnh tim nên nằm nghiêng phải. Thời gian ngủ tốt nhất từ 6- 8 tiếng một ngày; khi ngủ đầu quay hướng Bắc, chân hướng Nam có thể tránh được ảnh hưởng của từ trường khiến giấc ngủ được sâu, thoải mái hơn.
Vị trí huyệt
Thái dương: chỗ lõm phía sau lông mày, nơi có đường mạch xanh của thái dương.
Nội quan: trên lằn chỉ cổ tay 2 tấc, dưới huyệt gian sử 1 tấc, giữa khe gân cơ gan tay lớn và bé.
Tam âm giao: sát bờ sau - trong xương chày, bờ trước cơ gấp dài các ngón chân và cơ cẳng chân sau, từ đỉnh cao của mắt cá chân trong đo lên 3 tấc.
Thần môn: nằm trên lằn chỉ cổ tay, nơi chỗ lõm sát bờ ngoài gân cơ trụ trước và góc ngoài bờ trên xương trụ.
Dũng tuyền: co bàn chân và các ngón chân lại, huyệt ở chỗ hõm 1/3 trước gan bàn chân.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!