Bạn cảm thấy dạo này mình chẳng nhớ được cái gì quá 5 phút? Hãy thử áp dụng bí quyết cải thiện trí nhớ hiệu quả để tránh tình trạng hay quên nhé!
Ký ức là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và để lưu giữ ký ức, bạn cần có một não bộ khỏe mạnh để không ngừng củng cố trí nhớ. Theo thời gian, trí nhớ của chúng ta sẽ không còn được như trước, dẫn đến nguy cơ cao mắc một số bệnh như Alzheimer hoặc sa sút trí tuệ.
Đối với nhiều người cao tuổi, sự suy thoái não bộ trở thành một vấn đề nghiêm trọng khi họ mất đi khả năng độc lập và không nhớ phải tự thực hiện các bước sinh hoạt cơ bản hằng ngày. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát hiện những biện pháp giúp bạn tăng cường khả năng ghi nhớ của não bộ và hình thành những mối liên kết thần kinh mới mỗi ngày, thậm chí đối với những người lớn tuổi. Khái niệm này được gọi là cơ chế thần kinh mềm dẻo, nghĩa là bạn có thể mở rộng trí nhớ thông qua quá trình luyện tập não bộ và thể chất. Sau đây chính là 6 biện pháp có thể giúp bạn cải thiện trí nhớ hiệu quả:
1. Học hỏi những điều mới lạ
Tương tự như cách củng cố cơ bắp, não bộ có thể được rèn luyện thông qua sự luyện tập hằng ngày. Điều này có nghĩa là bạn càng sử dụng não bộ để thực hiện những công việc yêu cầu tính tập trung và tư duy thường xuyên, trí nhớ của bạn sẽ càng được củng cố.
Tuy nhiên, nếu bạn chỉ mãi thực hiện các công việc lặp đi lặp lại hằng ngày, não bộ sẽ không thể phát triển như ý muốn. Thay vào đó, bạn nên đặt ra những thách thức cho trí nhớ của mình. Việc tiếp thu kiến thức mới hoặc phát triển một kỹ năng mới sẽ là một biện pháp lý tưởng giúp bạn tăng cường khả năng ghi nhớ của não bộ.
Có rất nhiều hoạt động để bạn có thể tự do lựa chọn, nhưng quan trọng hơn hết, bạn cần phải đề ra một mục tiêu học tập khiến bạn buộc bản thân bước ra khỏi vùng an toàn và yêu cầu tính tập trung tuyệt đối. Ví dụ như bạn có thể học chơi nhạc cụ mới, làm gốm, vẽ tranh, chơi trò chơi trí tuệ như giải mã số hoặc cờ vua, học một ngôn ngữ… Một nghiên cứu năm 2007 đã cho thấy rằng việc thông thạo nhiều ngôn ngữ có thể giúp làm chậm các vấn đề suy thoái não bộ ở những người mắc chứng sa sút trí tuệ.
2. Ôn lại kiến thức nhiều lần
Bất cứ khi nào bạn tiếp thu kiến thức hoặc thông tin mới, lời khuyên cho bạn là cần phải ôn luyện và lặp đi lặp lại việc áp dụng kiến thức này vào thực tế để có thể nhớ nhanh và lâu hơn. Sự lặp lại kiến thức sẽ giúp củng cố mối liên kết giữa các dây thần kinh.
Hãy đọc to thông tin hoặc kiến thức bạn vừa học được. Chẳng hạn như khi học từ vựng mới, bạn nên tập cách đặt câu cùng những từ này. Hãy viết ra giấy ghi chú và dán ở những nơi dễ thấy tại nhà hoặc nơi làm việc. Điều này sẽ giúp bạn không ngừng gợi nhớ lại kiến thức.
Tuy nhiên, chỉ thế thôi thì chưa đủ. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng sự ôn lại kiến thức một cách đơn giản sẽ không giúp bạn có thể ghi nhớ một cách lâu dài. Tốt hơn hết là sau khi ôn tập, bạn nên thử tập trung và nhớ lại những kiến thức này mà không nhìn lại ghi chú trên giấy. Việc tự buộc bản thân gợi nhớ lại kiến thức sẽ tốt hơn khi bạn chỉ lặp đi lặp lại bằng cách lẩm nhẩm trong đầu.
3. Dùng từ ngữ một cách đa dạng
Phương pháp Mnemonics sẽ giúp bạn ghi nhớ từ mới bằng cách sử dụng các từ trái nghĩa, từ viết tắt, bài hát hoặc giai điệu. Phương pháp này hay còn gọi là biện pháp giúp trí nhớ, đã được kiểm chứng hiệu quả vào năm 1960 và trở thành một mẹo học hữu ích đối với học sinh.
Bạn có thể thay thế từ vựng vào một bài hát đơn giản hoặc tập cách viết tắt từ để ghi chép nhanh hơn. Đây chính là ví dụ điển hình của phương pháp Mnemonics. Ngoài ra, việc suy nghĩ từ mới bằng cách nhớ từ trái nghĩa cũng là một lựa chọn lý tưởng dành cho bạn. Mỗi khi bạn có điều gì đó không vui, bạn có thể khiến bản thân xao lãng chuyện buồn bằng cách học những điều mới mẻ, vừa giúp phát triển não bộ, vừa giảm thiểu căng thẳng hiệu quả.
4. Tổng hợp và phân loại thông tin
Việc học cách tổng hợp và phân loại thông tin sẽ giúp tiến trình tiếp thu của bạn trở nên hiệu quả và dễ dàng hơn. Tùy theo chủ đề hoặc nội dung kiến thức, bạn có thể phân thành những nhóm thông tin khác nhau để có thể dễ sắp xếp trí nhớ.
Việc sắp xếp các thông tin mà não bộ tiếp thu được theo trình tự có thể giúp bạn dễ tìm kiếm thông tin mỗi khi cần sử dụng. Chẳng hạn như, bạn có để ý rằng thay vì ghi nhớ một dãy số dài, chúng ta thường có thói quen chia số điện thoại thành 3 cụm để dễ nhớ hoặc phân loại từ vựng thành các nhóm như phẩm chất, màu sắc hoặc chất liệu.
5. Vận dụng giác quan để ghi nhớ
Một mẹo nhỏ khác để giúp bạn dễ ghi nhận thông tin chính là bạn không nên chỉ dựa vào ý nghĩa hoặc học một cách máy móc nội dung để lưu giữ lại thông tin trong đầu.
Thay vào đó, bạn nên liên kết thông tin một cách tổng quát thông qua việc sử dụng các giác quan khác, như màu sắc, hương vị và mùi, hoặc quan sát những sự kiện có liên quan. Sử dụng tất cả các giác quan sẽ giúp bạn ghi nhớ sâu sắc hơn những điều cần nhớ, giúp tăng trí nhớ hiệu quả cho bạn.
6. Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý
Điều này có nghĩa là bạn cần đảm bảo chất lượng giấc ngủ mỗi đêm bằng cách ngủ đủ giấc từ 7–8 tiếng. Bên cạnh đó, việc đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi đêm cũng như thức dậy đúng giờ vào mỗi sáng sẽ giúp não bộ có đủ thời gian nghỉ ngơi.
Ngoài ra, bạn nên hạn chế ngủ nướng vào cuối tuần vì điều này sẽ phá hỏng thói quen lành mạnh của bạn. Việc tạo thời gian nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ, ngăn ngừa tình trạng não bộ trì trệ và mệt mỏi. Bạn nên ăn thực phẩm tốt cho sức khỏe để khả năng ghi nhớ được tốt hơn.
Bạn hãy thử áp dụng những bí quyết giúp cải thiện trí nhớ này mỗi ngày nhé. Có lẽ bạn sẽ cần một khoảng thời gian dài để nhận thấy hiệu quả, tuy nhiên khả năng ghi nhớ, tư duy và tập trung của bạn sẽ được cải thiện rất nhiều đấy.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Từ bỏ ngay thói quen ngủ bù để tránh bị suy giảm trí nhớ
- Muốn tăng cường trí nhớ, hãy đọc to thành tiếng!
- Ăn gì bổ não và tăng trí nhớ?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!