Bạn thường nghĩ phụ nữ thì sẽ hay mắc bệnh phụ khoa? Thực tế, phụ nữ còn có nhiều nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, ung thư, vô sinh…
Các bệnh thường gặp ở phụ nữ phần nhiều là do tuổi tác, trong đó có thể kể đến như ung thư vú, các vấn đề liên quan đến tim mạch và sinh sản. Dưới đây là 6 căn bệnh thường gặp nhất ở phụ nữ và cách để phòng tránh.
1. Các bệnh về tim mạch
Theo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC), bệnh về tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ, khiến cứ 3 phụ nữ thì có 1 người tử vong mỗi năm.
Khi cơn đau tim xuất hiện, thông thường bên phần ngực trái sẽ có cảm giác đau thắt lại. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), các dấu hiệu của cơn đau tim có thể biểu hiện khác đi đôi chút ở phụ nữ, dẫn đến chẩn đoán bệnh sai. Dấu hiệu của cơn đau tim ở phụ nữ có thể bị bỏ qua là buồn nôn, đau quai hàm, đau vai hay thở gấp.
Để phòng ngừa bệnh tim mạch, bạn nên bắt đầu kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, lượng đường trong máu và mức cholesterol. Chế độ ăn uống khoa học, loại bỏ thuốc lá, rượu bia cũng sẽ giúp bạn đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh tim.
2. Tình trạng vô sinh
Theo thống kê của CDC, có khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 44 phải rất chật vật với việc thụ thai hay giữ lại thai nhi. Lý do phổ biến có thể khiến phụ nữ gặp vấn đề về khả năng sinh sản là lạc nội mạc tử cung và hội chứng buồng trứng đa nang. Nhưng trong nhiều trường hợp, bác sĩ vẫn khó tìm ra nguyên nhân xác định.
Có một số dấu hiệu có thể khiến bạn rơi vào nhóm phụ nữ có nguy cơ vô sinh cao. Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn hay lượng máu kinh thay đổi thất thường,… thì có thể đó là triệu chứng suy hoàng thể hoặc viêm nội mạc tử cung. Hai bệnh này nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến buồng trứng và khó thụ thai.
Bạn nên quan hệ tình dục an toàn, tránh nạo phá thai nhiều lần hay hạn chế thói quen thụt rửa âm đạo quá mạnh. Bạn cũng cần khám sức khỏe định kỳ và lưu ý đến những dấu hiệu bất thường ở “cô bé”.
Bạn có thể tìm hiểu thêm:Bệnh vô sinh ở nữ giới.
3. Hội chứng chuyển hóa
Hội chứng chuyển hóa không phải là tên một căn bệnh cụ thể mà là một nhóm bệnh xảy ra đồng thời và có khả năng dẫn đến bệnh động mạch vành, đột quỵ hoặc tiểu đường tuýp 2. Các hội chứng chuyển hóa thường gặp là huyết áp cao, đường huyết tăng, mỡ bụng dư thừa và lượng cholesterol trong máu cao bất thường.
Tổ chức Y tế Thế giới chẩn đoán một người mắc hội chứng chuyển hóa khi có từ 3 yếu tố trở lên trong các yếu tố sau:
- Huyết áp ≥ 130/85mmHg
- Triglycerid máu ≥ 150mg/dl
- Lượng glucose máu khi đói ≥ 100mg/dl
- HDL-C < 40mg/dl (đối với nam) và <50mg/dl (đối với nữ)
- Vòng bụng ≥ 90cm (đối với nam), vòng bụng ≥ 80cm (đối với nữ)
Bạn nên hạn chế chất béo bão hòa và tăng cường các loại trái cây, rau củ quả, cá và các loại hạt trong khẩu phần ăn. Nếu đang ở vào tình trạng thừa cân, bạn cũng cần đặt mục tiêu giảm từ 7 – 10% trọng lượng cơ thể hiện tại.
4. Các vấn đề về thần kinh
Phụ nữ thường có nguy gặp các vấn đề thần kinh như lo âu, trầm cảm và rối loạn lưỡng cực nhiều hơn so với nam giới. Những căng thẳng gặp phải trong cuộc sống lâu ngày sẽ tạo thành một áp lực lớn, đè nén tâm trí, khiến nhiều phụ nữ dần bị rối loạn tâm lý lúc nào không hay.
Tiền sử gia đình có người bị trầm cảm, lạm dụng rượu, ma túy, hay thay đổi công việc… cũng có thể khiến phụ nữ gặp nhiều vấn đề về tâm lý. Các bệnh về tâm lý và thần kinh cũng thường phổ biến ở nữ giới hơn nam giới do trầm cảm sau khi sinh hay khi bước vào độ tuổi tiền mãn kinh.
Thói quen ngồi thiền trong 2 – 5 phút mỗi ngày có thể giảm bớt sự lo lắng, giúp tâm trạng của bạn tốt hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên suy nghĩ điều tích cực và đặt ra những mục tiêu nằm trong khả năng để giảm thiểu căng thẳng.
5. Ung thư vú
Theo CDC, ung thư vú chính là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ dù ở bất kỳ độ tuổi hay chủng tộc nào. Mặc dù có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến ung thư nhưng yếu tố chính yếu nhất là do tuổi tác.
Bạn có thể thực hiện xét nghiệm để xác định nếu có đột biến có khả năng khiến bạn phát triển ung thư vú. Theo Mayo Clinic, phụ nữ nên thực hiện chụp quang tuyến vú (chụp nhũ ảnh) khi bước qua độ tuổi 40 và nên kiểm tra lại vào mỗi năm.
Bác sĩ khuyến cáo bạn nên tầm soát ung thư ngay từ sớm nếu có nhiều hơn hai người phụ nữ trong gia đình bạn được chẩn đoán mắc ung thư vú.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Những triệu chứng cơ bản của ung thư vú.
6. Các bệnh tự miễn
Phụ nữ mắc các bệnh tự miễn với tỷ lệ cao gấp 2 lần so với nam giới (6,4% ở nữ so với 2,7% ở nam). Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch nhầm lẫn một phần của cơ thể như khớp hoặc da là ngoại lai và giải phóng các protein gọi là tự kháng thể để tấn công các tế bào khỏe mạnh.
Các bệnh chủ yếu là do di truyền trong gia đình. Điều này có nghĩa là những phụ nữ trong cùng một gia đình có thể không mắc cùng một bệnh nhưng nhiều khả năng sẽ mắc các bệnh trong nhóm tự miễn. Một số bệnh thường gặp là lupus ban đỏ hệ thống, tiểu đường, đa xơ cứng, bệnh viêm ruột, viêm khớp dạng thấp…
Lịch khám sức khỏe định kỳ 1 – 2 lần/năm sẽ giúp bạn phát hiện sớm nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch. Bạn cũng cần thường xuyên vận động bằng cách chọn cho mình môn thể thao phù hợp để luyện tập đều đặn mỗi ngày.
Phụ nữ vẫn thường hay quan tâm chăm sóc vẻ ngoài của mình sao cho luôn xinh đẹp và hấp dẫn nhất. Tuy nhiên, bạn đừng quên rằng sức khỏe mới là điều luôn rất quan trọng và cần được quan tâm hàng đầu. Khi đã hiểu rõ những nguy cơ sức khỏe có thể xảy ra với mình, bạn hãy tự chủ động phòng tránh ngay từ bây giờ nhé.
Tuyết Trinh | HELLO BACSI
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Rong kinh kéo dài: Bạn đã biết cách đối phó chưa?
- 9 thứ mà phụ nữ nên chiều chuộng bản thân
- 9 bí quyết giữ dáng mảnh mai chẳng cần ăn kiêng
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!