Mẹ bầu mắc lupus ban đỏ dễ gặp nguy cả mẹ lẫn con

Mang thai - 04/26/2024

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống - căn bệnh tự miễn có thể khiến phụ nữ mang thai và thai nhi gặp những biến chứng nguy hiểm.

Con chậm nhịp tim, mẹ suýt chết

Mang song thai khi đang điều trị bệnh lupus ban đỏ, sản phụ Đ.T.N.D nhà ở TP.HCM vừa phải nhập viện do cả hai thai nhi có dấu hiệu chậm nhịp tim.

Chị D mang thai ngoài ý muốn khi đang điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Sức khỏe thai nhi hoàn toàn bình thường nhưng đến 23 tuần, cặp thai song sinh được các bác sĩ xác định có biểu hiện nhịp tim chậm (block nhĩ thất độ II-III).

Các cuộc hội chẩn liên viện giữa các bác sĩ BV. Từ Dũ và BV. Nhi Đồng 2 đều đặn diễn ra từ 2 - 4 tuần/ lần để đánh giá diễn tiến sức khỏe của 2 bé lẫn sản phụ. Khi thai được 34 tuần, biểu hiện trên siêu âm cho thấy mức độ chậm tăng trưởng bắt đầu ảnh hưởng tới thai và nhịp tim bé chậm tới ngưỡng đe dọa, thai phụ được chỉ định mổ lấy thai.

Sau khi khi hội chẩn lần cuối, toàn bộ ekip sản khoa và nhi khoa của 2 bệnh viện đã sẵn sàng cho việc can thiệp vượt cạn. BV. Nhi Đồng 2 cử 8 y bác sĩ, bao gồm cả bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ tim mạch nhi, bác sĩ gây mê hồi sức, nhân viên phòng mổ, điều dưỡng. Kíp mổ của BV. Từ Dũ gồm 12 người.

Chỉ trong tích tắc, hai bé trai đã nhanh chóng được đưa ra khỏi cơ thể mẹ an toàn, tuy nhiên diễn tiến bất lợi xảy ra vài phút sau đó. Khi mẹ được đóng lại vết mổ, nhịp tim của một trong hai bé chậm nghiêm trọng (chỉ khoảng 40 - 50 lần/phút).

Các bác sĩ nhi khoa đã phải lập tức đặt catheter tĩnh mạch rốn, sau đó chuyển cho bác sĩ gây mê trước khi bác sĩ phẫu thuật nhi đặt máy tạo nhịp tạm thời nhằm đưa huyết động của bé ổn định, duy trì sự sống. Đến nay, sau một tuần điều trị, hiện sức khỏe của mẹ và các bé đã ổn định.

Mẹ bầu mắc lupus ban đỏ dễ gặp nguy cả mẹ lẫn conLupus ban đỏ. Ảnh minh họa.

Trước đó vào giữa tháng 5, một phụ nữ 20 tuổi ở Kiên Giang cũng đã gặp những biến chứng nguy hiểm sau khi sinh con, sản phụ này bất ngờ được các bác sĩ phát hiện mắc lupus ban đỏ.

Người mẹ trẻ chuyển dạ khi mang thai ở tháng thứ 8, em bé chào đời sớm hơn dự sinh, cân nặng 2,3kg. Khi bé được 4 tháng tuổi, người mẹ bắt đầu phát bệnh, liên tục khó thở. Bệnh nhân đến khám tại một bệnh viện ở Kiên Giang, bác sĩ chẩn đoán bị suy thận, suy tim, thiếu máu nặng và chuyển đến BV. Chợ Rẫy (TP.HCM).

Lời khuyên của thầy thuốc

Phụ nữ đang mang bệnh nhưng muốn có con, trước hết hãy bàn bạc với bác sĩ đang điều trị bệnh cho mình để tùy theo bệnh mà có kế hoạch mang thai hợp lý.

Những người mắc bệnh van tim hậu thấp, khi chưa điều trị, việc mang thai sẽ đem đến nhiều rủi ro nhưng sau khi được phẫu thuật thay van tim có thể mang thai an toàn.

Người bị đái tháo đường hay bệnh tự miễn như bệnh Lupus ban đỏ, cần được khám, theo dõi, đánh giá diễn tiến bệnh. Bệnh nhân có thể bắt đầu thai kỳ vào giai đoạn bệnh ổn định nhất.

Không nên giấu bệnh với bác sĩ, hoặc biết mình có bệnh nhưng vì quá muốn có con nên làm liều vì việc làm này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ lẫn con, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Thai phụ mắc lupus ban đỏ cũng cần được sự tư vấn dinh dưỡng để có chế độ ăn hợp lý giúp bệnh không trở nặng. Cần tránh các loại thực phẩm giàu chất béo và thực phẩm chế biến sẵn. Người bệnh cũng hạn chế dùng muối và các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán, các bác sĩ kiểm tra xác định bệnh nhân bị bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Đây là nguyên nhân dẫn đến biến chứng suy thận, viêm cơ tim, thiếu máu, viêm phổi kèm nhiễm trùng tiêu hóa, viêm mạch huyết khối. Bệnh nhân lập tức được chạy thận nhân tạo, dùng kháng sinh liều mạnh, truyền máu, truyền huyết tương

Căn bệnh đặc biệt nguy hiểm với sản phụ

Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn có biểu hiện lâm sàng đa dạng và thường gặp ở phụ nữ chủ yếu trong độ tuổi sinh đẻ. Vấn đề thai sản trong bệnh Lupus ban đỏ hệ thống có thể dẫn đến nhiều biến chứng cho cả mẹ và con. Bệnh gặp chủ yếu ở phụ nữ (90%), đa phần ở độ tuổi sinh đẻ (20 - 40 tuổi). Bệnh Lupus và quá trình thai sản có sự tác động qua lại lẫn nhau.

Theo nhiều nghiên cứu, quá trình thai sản là một trong những yếu tố gây khởi phát đợt cấp của bệnh Lupus. Các cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt cấp là da, thận, máu và khớp, trong đó tổn thương thận nặng nhất với các biểu hiện của viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận. Đây cũng là một trong những yếu tố tiên lượng xấu, có thể dẫn đến tử vong mẹ trong thai kỳ.

Bệnh có thể là nguyên nhân làm tổn thương đường dẫn truyền nhịp tim dẫn đến rối loạn nhịp tim, khiến nhịp thất còn 40 lần/phút. Block nhĩ thất trong giai đoạn bào thai chiếm tỉ lệ 1/20.000 trường hợp, làm tăng tỉ lệ tử vong sau sinh.

Theo một nghiên cứu trên 88 bệnh nhân lupus mang thai điều trị tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng (Hà Nội) được các bác sĩ ĐH Y Hà Nội thực hiện, tỷ lệ tăng huyết áp và thiếu máu của các sản phụ mắc lupus khi vào viện lần lượt là 25% và 60,2%; sinh non 50%; sinh đủ tháng 15,91%, thai lưu 18,18%; 48,3% thai chậm phát triển trong tử cung, tử vong trong năm đầu 5%.

Trong những năm gần đây, dựa trên các nghiên cứu về căn sinh bệnh học, thương tổn cơ bản, tiến triển lâm sàng… người ta chia lupus ban đỏ thành 2 thể chính là: lupus ban đỏ dạng đĩa và lupus ban đỏ hệ thống.

Đối với những người mắc bệnh này, hiện nay y học đã có những tiến bộ mới trong điều trị và phụ nữ khi mắc bệnh vẫn có thể sinh con nếu được theo dõi chặt chẽ suốt thai kỳ.

Những phụ nữ bị lupus ban đỏ hệ thống cũng có thể có thai và sinh con, tuy nhiên do đây là bệnh hệ thống, tiến triển lâu dài và có thể nguy hiểm cho tính mạng nên cần phải được cân nhắc, tư vấn rất cẩn thận trước khi quyết định có thai.

Lý tưởng nhất là 6 tháng trước khi mang thai cần điều trị bệnh ổn định, không còn các triệu chứng ở các cơ quan nội tạng nữa. Trong thời kỳ mang thai, bệnh có thể tiến triển nặng lên, vì vậy bệnh nhân phải được theo dõi, điều trị nội trú trong các bệnh viện chuyên khoa để tránh các biến chứng cho cả mẹ và thai nhi.

Theo ThS.BS. Ngô Thị Yên, Trưởng khoa Kế hoạch hóa Gia đình, BV. Từ Dũ, với những trường hợp trót mang thai khi đang điều trị lupus ban đỏ, trước hết, thai phụ nên đến khám tại cơ sở sản khoa để xác định chính xác tình trạng thai bằng việc thăm khám và cả xét nghiệm máu, nếu cần. Sau đó, bệnh nhân cũng cần phải tái khám tại bác sĩ chuyên khoa nội để được tư vấn cần điều chỉnh thuốc khi mang thai hay không. Việc điều trị cho phụ nữ mang thai luôn được bác sĩ cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và nguy cơ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!