6 đồ dùng cá nhân không nên dùng chung

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Đó là bàn chải đánh răng, dao cạo, khăn tắm, xà phòng, lược và sản phẩm khử mùi.

Từ khi còn nhỏ, chúng ta vẫn được dạy là phải biết chia sẻ, từ đồ chơi, quần áo tới tất cả mọi thứ. Câu nói: ‘Chia sẻ là quan tâm’ được nhiều người biết đến. Chia sẻ không chỉ là một điều tốt đẹp bạn nên làm mà nó còn có thể khiến bạn hạnh phúc.

Tuy nhiên, khi nhắc đến các sản phẩm vệ sinh và các vật dụng vệ sinh dùng trong toilet, bạn không nên chia sẻ một số vật dụng cá nhân để đảm bảo sức khỏe của bản thân và những người khác.

1. Bàn chải đánh răng

Với một số người, điều này có vẻ là mất vệ sinh, nhưng nhiều cặp đôi (cả những cặp đã kết hôn và đang hẹn hò) đã thừa nhận có dùng chung bàn chải đánh răng của nhau. Theo nghiên cứu từ UkBathrooms.com, có nhiều cặp đôi người Anh đã dùng chung bàn chải: ‘26% số cặp được hỏi đã dùng chung bàn chải, trong đó 70% nói rằng họ không thấy dùng chung bàn chải là mất vệ sinh. Hơn nữa, 56% còn cho biết họ đã dùng chung bàn chải hơn 1 năm nay’.

Tuy nhiên, việc dùng chung bàn chải có thể gây ra một số vấn đề và nó thực sự khá mất vệ sinh. Theo Hiệp hội Nha khoa Mỹ, dùng chung bàn chải có thể làm tăng các bệnh nhiễm trùng. Điều này sẽ nguy hiểm hơn đối với những người có hệ miễn dịch bị tổn thương vì các bệnh nhiễm trùng.

6 đồ dùng cá nhân không nên dùng chung

2. Dao cạo

Điều này có vẻ như không rõ ràng vì bạn chỉ sử dụng nó trên da. Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Dao cạo có thể lây truyền các bệnh nhiễm trùng như mụn cóc, viêm nang lông hoặc ngứa, ngay cả khi không có vết trầy xước. Bạn cũng sẽ có một con dao cạo tốt hơn nếu bạn chỉ dùng một mình. Nguyên tắc là thay lưỡi dao sau 5 đến 10 lần sử dụng và bạn có thể theo dõi hiệu quả hơn nếu con dao hoàn toàn là của bạn.

6 đồ dùng cá nhân không nên dùng chung

3. Khăn tắm

Dùng chung khăn là một điều không nên ngay cả khi khăn vừa mới được sử dụng sau khi tắm xong. Các vi khuẩn như tụ cầu có thể sống trên khăn tắm vài giờ, vài ngày thậm chí là vài tháng. Thời gian sống trên khăn tắm có thể lâu hơn vì nó có khả năng duy trì độ ẩm và cũng chứa các vi khuẩn khác. Bạn hãy thay khăn tắm ít nhất 1 lần mỗi tuần, phơi khô chúng ở không gian thoáng đãng và không bao giờ dùng chung với bất cứ ai, thậm chí là cả người thân trong gia đình.

6 đồ dùng cá nhân không nên dùng chung

4. Xà phòng

Mặc dù xà phòng bánh bản thân nó là sạch nhưng nó vẫn có thể chứa vi khuẩn. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa bệnh Hoa Kỳ khuyến nghị dùng xà phòng dạng dung dịch hơn là xà phòng bánh nhưng nếu bạn vẫn thích sử dụng xà phòng bánh, hãy dùng riêng một bánh xà phòng. Trong một nghiên cứu được thực hiện năm 2006, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng xà phòng là nguồn gây tái nhiễm trùng liên tục ở các phòng khám. Có thể là vì các bánh xà phòng thường không khô hoàn toàn giữa các lần sử dụng, đặc biệt là phía dưới, dẫn tới tích tụ vi khuẩn, nấm và nấm men, có thể được truyền từ người này sang người khác.

6 đồ dùng cá nhân không nên dùng chung

5. Lược

Lược có thể truyền một số bệnh như chấy rận, ghẻ và thậm chí là cả tụ cầu khuẩn. Ngay ở những người cùng gia đình cũng không nên dùng chung lược chải tóc. Tuy nhiên, việc dùng chung lược chải tóc thường xảy ra, đặc biệt là khi bạn đến các thẩm mỹ viện hoặc tiệm cắt tóc, nhưng hãy đảm bảo rằng họ đã sử dụng một số loại thuốc diệt trùng trước khi thực hiện bất cứ thao tác nào trên tóc bạn. Bạn cũng nên làm sạch lược chải tóc cá nhân, hòa một bát nước với xà phòng kháng khuẩn và ngâm lược của bạn khoảng 1 giờ hoặc lâu hơn. Sau đó rửa sạch và thực hiện việc này cứ 2 tuần 1 lần.

6 đồ dùng cá nhân không nên dùng chung

6.Chất khử mùi

Một số cặp vợ chồng thực sự chia sẻ mọi thứ bao gồm cả chất khử mùi. Có sự khác biệt giữa việc sử dụng lăn khử mùi và chai xịt. Theo TS Schulz, với một chai xịt khử mùi, bạn có thể xịt thuốc tới các tế bào da và lông, loại chai xịt hoạt động ở ngưỡng thấp hơn nhưng không gây nhiễm trùng. Trong khi đó, lăn khử mùi có khả năng truyền nhiều vi khuẩn hơn vì độ bám dính của nó.

6 đồ dùng cá nhân không nên dùng chung

Nguồn ảnh: Internet

Hà Ngân (Theo Medicaldaily)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!