Bạn đã cố gắng giữ ấm nhưng vẫn mắc cảm lạnh và cảm cúm vào mùa đông? Vậy thì bạn cần phải trang bị thêm kiến thức để bảo vệ bản thân tốt hơn đấy!
Mùa đông cũng chính là mùa cảm lạnh và cúm khiến không ít người cảm thấy khổ sở vì những triệu chứng khó chịu như hắt xì, nhức đầu, chảy nước mũi, sốt… Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm về hai căn bệnh “đến hẹn lại lên” này để biết cách phòng tránh hiệu quả hơn nhé.
1. Cảm lạnh thông thường là do virus lây lan
Theo CDC, trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ thì cảm lạnh là lý do chính khiến trẻ em phải nghỉ học, và người lớn bỏ bê công việc. Có hơn 200 chủng loại virus có thể gây cảm lạnh, nhưng loại hay gặp nhất là rhinovirus.
Mặc dù rhinovirus đã rất phổ biến và được hiểu biết rõ ràng, trên thực tế vẫn chưa có loại thuốc thần kỳ nào có thể chữa được bệnh trên.
2. Bạn có thể mắc cả hai loại cảm lạnh một lúc
Cùng mắc hai loại virus trong mùa cảm lạnh là khá thông thường. Nhưng nếu bạn cảm thấy mệt mỏi trong thời gian dài, tức là bạn thường mắc thêm một loại virus nữa sau loại ban đầu hơn là bạn mắc nhiều loại virus cùng lúc.
Theo lý thuyết, bạn có thể nhiễm hai loại virus cùng lúc. Nhưng thông thường để virus gây bệnh và biểu hiện triệu chứng, cần một giai đoạn ủ bệnh. Mỗi loại virus lại có thời gian ủ bệnh khác nhau nên nếu bạn mắc cả hai virus cùng lúc bạn có thể sẽ phải “chờ” cho đến lúc hệ miễn dịch của bạn tiêu diệt được loại virus này để “đón nhận” một loại virus khác.
Thực tế mọi người cảm thấy không khỏe trong thời gian dài, có khi là 3 tháng là bởi vì họ bị nhiễm thêm một loại virus cảm lạnh nữa sau loại ban đầu và có thể họ lại bị nhiễm tiếp thêm một loại nữa. Vì thế họ sẽ chịu một cơn bệnh rất dài trong suốt mùa đông!
3. Bệnh cảm lạnh rất dễ lây lan trong không khí
Virus gây cảm lạnh dễ dàng khuếch tán trong không khí và tiếp xúc trực tiếp với đối tượng dễ bị lây nhiễm như là tay hay bề mặt cơ thể của bạn.
Khi đã bị nhiễm virus, bạn có thể đau họng, chảy mũi, hắt hơi hay ho, thậm chí là mệt mỏi. Bạn có thể làm giảm đau họng và các triệu chứng khó chịu trên bằng việc uống nhiều nước, súc miệng với nước muối, sử dụng thuốc chống viêm và thưởng thức súp gà nóng hổi vừa dinh dưỡng vừa nâng cao khả năng chống nhiễm trùng.
4. Mùa đông là mùa cảm lạnh phát tán khắp nơi
Rất nhiều người cho rằng họ bị cảm nhiều hơn trong suốt mùa đông lạnh giá. Có 3 lý do chính dẫn đến điều này.
- Khi trời lạnh, bạn sẽ dành nhiều thời gian trong nhà hơn và quây quần bên nhau.
- Virus có thể gây cảm lạnh và cúm ổn định hơn trong nhiệt độ thấp, nghĩa là có thể tồn tại xung quanh lâu hơn, rồi lây lan cho nhiều người hơn.
- Tháng 1 và tháng 2 cũng là mùa lễ tết, trẻ em phơi nhiễm với nhiều nguồn gây bệnh mà chưa thể miễn dịch được, rồi mang các mầm bệnh ấy về nhà và lây lan cho mọi người trong nhà.
5. Rất khó phân biệt bệnh cảm lạnh và cảm cúm
Bởi vì cảm lạnh và cúm thường có triệu chứng giống nhau, nên rất khó phân biệt cảm lạnh và cảm cúm khi bạn đang bị cảm lạnh hay nhiễm cúm.
Thông thường, khi bị nhiễm cúm, bạn sẽ cảm thấy cực kỳ mệt mỏi vì đau nhức cơ, sốt, đau đầu và nhiều triệu chứng khác nữa. Còn khi bị cảm lạnh, bạn sẽ có thể chảy mũi, ho khan và nặng vùng xoang mũi hay trán, nhưng thường bạn không cần phải nằm liệt giường vì những triệu chứng ấy.
6. Cách hạn chế nguy cơ nhiễm virus cảm lạnh
Chẳng có cách nào hoàn toàn đảm bảo để ngăn sự lây lan virus cảm lạnh từ con bạn đâu, nhưng bạn nên lưu ý đến các con và dọn dẹp nhà ở sạch sẽ là những biện pháp tốt nhất để hạn chế nguy cơ nhiễm virus.
Những virus lây bệnh có thể tồn tại hàng giờ đồng hồ trên da bạn, vì thế bạn hãy rửa tay sạch sẽ. Bạn nên rửa sạch tay bất cứ lúc nào cần thiết, chẳng hạn như khi tiếp xúc với dịch tiết từ ho hay sổ mũi, khi bạn làm thức ăn và thậm chí khi bạn tiếp xúc với người khác.
7. Bạn nên làm gì khi bị cảm lạnh hay cảm cúm?
Không phải lúc nào bạn cũng cần khám bác sĩ nếu bị cảm lạnh, nhưng quan trọng là bạn cần theo dõi triệu chứng của mình. Bạn sẽ phải đi khám nếu có các triệu chứng sau: sốt cao hơn 38,5° C, nhức mỏi nhiều, triệu chứng kéo dài hơn 10 đến 14 ngày.
Quan trọng nhất là dù cảm lạnh hay cúm đều không cần điều trị kháng sinh. Bạn có cần phải nghỉ làm hay không thì phụ thuộc nhiều vào chế độ nơi làm việc và khả năng tập trung của bạn khi đang bị ốm. Nhưng bạn nên nhớ một điều quan trọng: nếu bạn không thể kiểm soát được nước mũi lúc hắt hơi hay đờm khi ho thì tốt nhất là nên tránh xa mọi người nhé!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Phòng tránh cảm lạnh bằng bát súp gà thơm ngon
- 7 mẹo hay giúp bạn phòng tránh cảm lạnh vào mùa mưa
- Cách phân biệt cảm lạnh và cảm cúm bạn nên biết
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!