Bạn nên làm gì khi sơ cứu tai nạn giao thông?

Sơ cứu & Phòng ngừa - 04/28/2024

Việc sơ cứu tai nạn giao thông giúp giảm số người thương vong, tuy nhiên, nếu quá trình sơ cứu không đúng có thể khiến nạn nhân bị thương nặng hơn.

Việc sơ cứu tai nạn giao thông giúp giảm số người thương vong, tuy nhiên, nếu quá trình sơ cứu không đúng có thể khiến nạn nhân bị thương nặng hơn.

Không phải tất cả trường hợp nạn nhân bị tai nạn giao thông đều nhanh chóng được đưa tới bệnh viện. Sơ cứu trước khi nhập viện cho nạn nhân rất quan trọng, song mỗi trường hợp lại cần đánh giá và cách xử lý riêng, không có công thức chung cho bất kỳ trường hợp nào. Trong quá trình sơ cứu tai nạn, bạn phải luôn ghi nhớ những nguyên tắc quan trọng để tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra.

Nguyên tắc khi thực hiện sơ cứu

1. Kiểm tra bản thân trước tiên

Nếu bạn bị thương trong vụ tai nạn, đầu tiên hãy tự kiểm tra xem bản thân có bị thương tích hay không. Giả sử ngay sau tai nạn, nếu bạn cảm thấy mình có các triệu chứng như chóng mặt,… thì thử tự đánh giá xem mình có thể cử động tay chân được hay không. Hãy nhớ rằng bạn cần phải có đủ sức khỏe thì mới có thể giúp đỡ người khác.

2. Kiểm tra thương tích cho người khác

Nếu người khác bị thương, đầu tiên nên đánh giá mức độ thương tích của họ, xem xét có chảy máu từ vùng đầu, cổ, tay, chân, bụng hoặc lưng không… Hãy ưu tiên sơ cứu cho những người bất tỉnh đầu tiên, họ thường bị thương nặng hơn hoặc có ngừng thở. Với những người có thể nói chuyện hoặc la hét được, bạn có thể xử trí muộn hơn một chút. Hỏi tên của nạn nhân, nếu họ đáp ứng, có nghĩa là họ có thể hiểu được tình huống và có nhiều khả năng không có chấn thương đầu nặng.

3. Quan sát các dấu hiệu hô hấp

Tiếp theo, kiểm tra xem nạn nhân có thở không (quan sát nhịp thở, nghe và cảm nhận hơi thở) và xem thử mạch còn đập không.

4. Gọi sự trợ giúp

Bạn nên làm gì khi sơ cứu tai nạn giao thông?

Gọi cấp cứu y tế (số điện thoại 115) ngay lập tức hoặc khẩn trương đưa nạn nhân tới bệnh viện sau khi đã sơ cứu đúng cách. Khi bạn biết rõ hơn về tình trạng của nạn nhân thì bạn sẽ có được nhận định tốt nhất để kể lại với bác sĩ về tình trạng của họ. Trường hợp gọi xe cứu thương cần lưu ý cung cấp những thông tin sau:

  • Địa chỉ cụ thể nơi xảy ra tai nạn
  • Số điện thoại liên lạc của người gọi cấp cứu
  • Tình trạng của bệnh nhân hay nạn nhân
  • Tình huống nơi xảy ra tai nạn với các thông tin như loại tai nạn, số lượng nạn nhân, tình trạng của các nạn nhân… để giúp cho trung tâm cấp cứu 115 có thể điều động một hay nhiều nhóm cấp cứu phù hợp đến nhằm đáp ứng thực hiện việc cấp cứu hiệu quả
  • Thông tin các nguy hiểm tại hiện trường nơi xảy ra tai nạn đối với nạn nhân cần sơ cứu, người cấp cứu và những người xung quanh
  • Nơi đón xe cấp cứu thuận tiện nhất để giúp cho nhóm cấp cứu đến được với bệnh nhân hay nạn nhân một cách nhanh nhất

5. Kiểm tra tắc nghẽn đường thở

Nếu bạn không nghe thấy tiếng thở, hãy kiểm tra ngay miệng của nạn nhân để kịp thời phát hiện sự tắc nghẽn hoặc dị vật. Nếu có dị vật gây tắc nghẽn đường thở, dùng ngón trỏ và ngón giữa bàn tay của bạn để gắp bỏ dị vật, làm thông thoáng đường thở.

6. Hô hấp nhân tạo

Trong trường hợp bạn cảm nhận nạn nhân không có mạch, cần tiến hành ngay hô hấp nhân tạo theo cách cách như hồi sinh tim phổi hoặc thổi ngạt. Giữ cổ nạn nhân thẳng để thổi ngạt hoặc hồi sinh tim phổi. Có 3 cách thổi ngạt: miệng-miệng, miệng-mũi và miệng-mặt nạ.

7. Xử lý các vết thương hở

Nếu có vết thương rộng, cố gắng cầm máu bằng việc sử dụng miếng vải hay quần áo sạch ép lên các vùng tổn thương đang chảy máu. Bạn nên dùng bàn tay để ép xuống chứ không dùng ngón tay.

8. Cẩn thận tổn thương cột sống cổ

Nếu cổ nạn nhân ở tư thế bất thường hoặc nạn nhân hôn mê, thì không được di chuyển nạn nhân. Cần gọi sự giúp đỡ ngay lập tức vì cổ nạn nhân có thể đã bị gãy, nếu di chuyển nạn nhân trong tình huống này thì đôi khi có thể gây hại cho nạn nhân nhiều hơn.

9. Giữ ấm cho nạn nhân

Thông thường nạn nhân trong tại nạn giao thông sẽ cảm thấy rất lạnh do sốc. Vì vậy giữ ấm cho nạn nhân là điều rất cần thiết để duy trì sự sống còn. Bạn có thể sử dụng bất cứ thứ gì mà bạn có để giữ ấm như áo thun, áo khoác…

10. Tránh cho nạn nhân ăn

Không đưa bất cứ thứ gì vào miệng nạn nhân như nước uống, thức ăn hoặc các loại nước hoa quả khác vì nó có thể khiến nạn nhân bị sặc phổi.

Nếu nạn nhân có hiện tượng chảy máu từ miệng hoặc ói mửa, cần xoay nạn nhân nằm nghiêng sang một bên. Điều này sẽ giúp nạn nhân không bị sặc vào phổi. Đặt cánh tay nạn nhân (cánh tay gần ngay bạn) ở trên phía trên và vắt ngang qua ngực nạn nhân, cánh tay còn lại đặt phía dưới và hướng thẳng ra ngoài.

Bạn nên làm gì khi sơ cứu tai nạn giao thông?

Những điều cần ghi nhớ khi vận chuyển nạn nhân

Vận chuyển người bị thương là một thao tác rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nạn nhân và đến kết quả điều trị.

  • Nạn nhân cần được vận chuyển trên cáng hoặc tấm bảng cứng. Điều này rất quan trọng vì cáng giúp làm giảm đáng kể các cử động mà nạn nhân phải chịu đựng. Từ đó giúp nạn nhân tránh được các tổn thương khác có thể khiến tình trạng trở nên xấu đi.
  • Luôn giữ cổ và lưng của nạn nhân ở tư thế thẳng. Bạn có thể đặt một cuộn khăn hoặc vải dày dưới cổ nạn nhân để phần cổ được hỗ trợ nâng đỡ tốt hơn.
  • Đặt nạn nhân nằm trên một mặt phẳng.
  • Nếu chỉ có tổn thương chân tay, nạn nhân có thể được vận chuyển ở tư thế ngồi.
  • Trong trường hợp tổn thương chảy máu, nâng phần bị thương cao hơn phần thân của nạn nhân và băng ép lên vùng chảy máu. Giữ băng ép liên tục cho tới khi bạn đưa được nạn nhân tới bệnh viện. Điều này giúp kiểm soát và cầm máu cho nạn nhân.
  • Hãy luôn chắc chắn rằng nạn nhân còn mạch và còn thở trên đường tới bệnh viện. Nếu nạn nhân ngừng thở, phải tiến hành hồi sinh tim phổi hoặc hô hấp nhân tạo cho nạn nhân ngay trên xe vận chuyển.

Con số tổng người chết và chịu thương tật vì tai nạn giao thông được thống kê mỗi năm khiến ai cũng lo lắng mỗi khi bước chân ra khỏi nhà. Điều quan trọng nhất khi gặp những trường hợp tai nạn là bạn phải bình tĩnh để có thể sơ cứu một cách chính xác. Biết cách sơ cứu tai nạn kịp thời nạn nhân tại hiện trường có thể là cơ hội giúp bệnh nhân thoát khỏi tử thần ngay trong tích tắc cũng như bảo vệ bản thân trong những tình huống khẩn cấp.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • 4 mẹo đơn giản tránh tai nạn lao động khi làm việc
  • Cách cấp cứu cho người bị nghẹn
  • Cách sơ cứu cho người bị gãy xương

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!