Có thể bạn cảm thấy vui mừng vì giảm cân nhanh chóng ngay cả khi chưa bắt đầu kế hoạch giảm cân. Tuy nhiên, nếu bạn bị sút cân đột ngột không chủ đích thì bạn cần xem xét lại sức khỏe của bản thân ngay để phát hiện kịp thời nhiều bệnh nguy hiểm.
Nếu bạn bị sụt cân tới 5 – 10% trọng lượng cơ thể trong thời gian từ 3–6 tháng thì bạn cần phải đi khám bác sĩ. Trường hợp bạn bị giảm cân ngoài ý muốn tới khoảng 7 kg trong vài tháng, đó là dấu hiệu sức khỏe của bạn có thể phải gặp vấn đề nào đó. Nếu bạn nhận thấy quần áo mình thường mặc trở nên rộng, bạn cũng nên thu xếp cuộc hẹn với bác sĩ để tìm ra lý do gây giảm cân đột ngột.
Trước khi gặp bác sĩ, hãy nhớ lại và chú tâm tới những thay đổi đã xảy ra trong cuộc sống của bạn như thói quen ăn uống hoặc giấc ngủ, cũng như bất kỳ triệu chứng bạn gặp phải, chẳng hạn như mệt mỏi hay đau đầu. Đây có thể là manh mối để giúp xác định điều gì đang thực sự xảy ra trong cơ thể bạn. Dưới đây là 9 nguyên nhân gây sút cân đột ngột mà bác sĩ sẽ cần tìm hiểu khi khám cho bạn.
1. Ung thư
Ung thư có thể dẫn đến sút cân nhanh chóng. Nếu ai đó thông báo giảm cân đột ngột mà vẫn giữ nguyên khẩu phần ăn, thói quen tập thể dục, mức độ căng thẳng và vẫn uống thuốc đều đặn thì có thể mắc một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bị bệnh ung thư.
Nhiều loại bệnh ung thư có liên quan đến một hội chứng được gọi là suy mòn do ung thư. Suy mòn do ung thư được đặc trưng bởi tình trạng viêm toàn thân, mất cân bằng protein và năng lượng, mất khối lượng nạc không mong muốn. Tình trạng suy mòn do ung thư thường xuất hiện trong các giai đoạn sau của bệnh ung thư dạ dày và tuyến tụy, ung thư phổi, đầu và cổ, và ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy một số triệu chứng khác và sau đó thấy mình bị sút cân đột ngột, bạn nên khám bác sĩ ngay.
Một số loại ung thư, cũng như khối u hoặc vết loét trong dạ dày hoặc ruột có thể gây viêm, dẫn đến hấp thu kém, rồi dẫn đến sút cân. Nếu ai đó đến khám và cho biết họ bị sút cân đột ngột mà không rõ lý do thì các bác sĩ sẽ kiểm tra dạ dày, đại tràng và ruột của họ để tìm các khối u hoặc chỗ viêm hay tìm kiếm các khối u trong thực quản, ống nối cổ họng và dạ dày vì các vấn đề ở thực quản gây ra tình trạng khó nuốt.
2. Stress
Có rất nhiều người đến gặp bác sĩ khi trải qua những căng thẳng trong công việc hoặc bi kịch gia đình hoặc những căng thẳng xã hội và họ chỉ thấy chán ăn. Mất cảm giác thèm ăn có liên quan đến một loại hormone mà cơ thể chúng ta tiết ra khi bị stress.
Một cấu trúc trong não gọi là vùng dưới đồi sản xuất hormone corticotropin, hormone này làm mất cảm giác thèm ăn. Bộ não cũng gửi tín hiệu đến tuyến thượng thận để bơm hormone epinephrine hay còn gọi là adrenaline, giúp kích hoạt phản ứng của cơ thể và trạng thái sinh lý này tạm thời khiến mất cảm giác thèm ăn. Nếu bạn không có cảm giác thèm ăn, bạn sẽ bị sút cân đột ngột một cách nhanh chóng.
3. Bệnh đường ruột
Các tình trạng bệnh lý như bệnh celiac, bệnh crohn, không dung nạp lactose và tổn thương đường ruột sẽ dẫn đến giảm cân vì gây ra tình trạng kém hấp thu các chất dinh dưỡng.
Sự hấp thu kém xảy ra khi một số yếu tố ngăn cản khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng của ruột. Trong đa số trường hợp, bệnh đường ruột có thể được điều trị một cách dễ dàng. Ví dụ bạn nên áp dụng chế độ ăn không có gluten để trị bệnh celiac, nhưng bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để chuẩn đoán chính xác xem mình có mắc bệnh lý đường ruột không.
4. Bệnh tiểu đường
Những người mới được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thường bị sút nhiều cân. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu quá cao làm cho thận và cơ thể bị quá tải. Cơ thể bệnh nhân mắc tiểu đường không thể sử dụng đường như một nguồn năng lượng, vì vậy lượng đường được lọc qua thận và bài tiết ra ngoài. Do đó, thay vì phải được vận chuyển đến những nơi cần thiết như cơ và xương, lượng đường của cơ thể bị mất đi qua bài tiết.
Thông thường, những người phát triển bệnh tiểu đường cũng sẽ gặp các triệu chứng như rất khát nước, cảm giác như họ phải đi tiểu thường xuyên hơn, mờ mắt, và tê hoặc ngứa ran ở bàn tay và bàn chân.
5. Bệnh tuyến giáp
Tuyến giáp kiểm soát trao đổi chất, do đó các vấn đề về tuyến giáp có thể gây ra ảnh hưởng lớn tới cân nặng. Cường độ trao đổi chất quá mạnh cũng không tốt cho cơ thể.
Nếu một người mắc bệnh cường giáp tức là tuyến giáp hoạt động quá mức, họ có thể bị sút cân nhanh và gặp phải một số vấn đề khác như tăng nhịp tim, lo lắng, bồn chồn và run hoặc mất ngủ.
6. Bệnh suy thượng thận
Ở những bệnh nhân bị suy thượng thận, hay còn gọi là bệnh Addison, cơ thể người bệnh không sản xuất đủ cortisol. Cortisol là hormone quan trọng có liên quan đến phản ứng với căng thẳng của bạn.
Khi phải chịu áp lực cao, bạn tạo ra một lượng cortisol nhất định, đó là phản ứng bình thường của cơ thể. Những người có nồng độ cortisol rất thấp không thể đáp ứng với căng thẳng theo cách bình thường. Bệnh suy thượng thận được đặc trưng bởi tình trạng sút cân đột ngột, buồn nôn, chóng mặt, dễ bị nhiễm trùng.
7. Bệnh thấp khớp
Bệnh thấp khớp là một chứng viêm mãn tính ảnh hưởng đến các khớp của cơ thể. Khi mắc bệnh thấp khớp, người bệnh thường bị sút cân nhanh chóng. Nguyên nhân là do khi bị viêm khớp, các cytokine gây viêm được sản xuất ra không chỉ kích thích tình trạng viêm một cách mạnh mẽ mà còn tiêu tốn rất nhiều năng lượng.
Điều này có nghĩa là mỗi ngày sẽ có nhiều calo và chất béo bị đốt cháy. Bệnh thấp khớp thường xuất hiện ở độ tuổi 30–50.
8. Trầm cảm
Triệu chứng phổ biến của bệnh trầm cảm là giảm cảm giác thèm ăn và sút cân.
Một số người bị trầm cảm có thể trải qua tình trạng năng lượng suy giảm cũng như giảm hứng thú với nhiều thứ. Tình trạng giảm hứng thú với ăn uống ảnh hưởng tới hấp thụ và dẫn đến sút cân đột ngột.
9. Các ký sinh trùng
Khi bị nhiễm các ký sinh trùng, đặc biệt là các kí sinh trùng gây bệnh tiêu hóa như giun và động vật nguyên sinh, người bị nhiễm sẽ gặp phải một số triệu chứng do ký sinh trùng gây ra. Các triệu chứng có thể bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa và chán ăn. Tất cả những vấn đề về tiêu hóa này đều góp phần gây nên sút cân ngoài ý muốn.
Cân nặng đại diện cho tình trạng sức khỏe tổng thể và sút cân đột ngột có nghĩa là có thể có bất thường nghiêm trọng xảy ra. Do đó khi bị sút cân đột ngột không rõ lý do, bạn nên đặt lịch hẹn với bác sĩ để kiểm tra sức khỏe, tìm hiểu nguyên nhân gây sút cân và có những can thiệp y tế kịp thời nhé.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Thực hư hiệu quả của thực phẩm chức năng và thuốc giảm cân
- Uống cà phê giúp giảm cân? Hãy cẩn thận với lượng caffeine!
- Giảm cân không ngừng trong 24 giờ, thật khó tin phải không?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!