Cần phân biệt hai bệnh này vì cách điều trị là khác nhau, nếu bị Melioidosis mà tưởng là quai bị, điều trị theo hướng bệnh quai bị thì bệnh thường không khỏi, tiến triển nặng lên nhanh và có thể tử vong.
1. Triệu chứng bệnh Whitmore (Melioidosis)
- Bệnh Whitmore là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này được tìm thấy năm 1913 ở Mianma bởi nhà bác học người Anh A.Whitmore, do đó vi khuẩn này còn có tên là trực khuẩn Whitmore. Chúng tồn tại trong đất, nguồn nước bị ô nhiễm.
- Đây là một bệnh nhiễm trùng cơ hội, thông thường người khỏe mạnh thì ít bị bệnh. Những người có bệnh đái đường, tâm phế mãn, nhiễm HIV, sức đề kháng suy giảm mới có nguy cơ khiến vi khuẩn trỗi dậy và phát bệnh.
- Bệnh nhân mắc vi khuẩn này sẽ sốt cao liên tục, sưng to tuyến mang tai. Trường hợp nặng có thêm các biểu hiện viêm màng não, viêm phổi, áp xe gan… hội chứng nhiễm trùng huyết và có thể tử vong.
- Triệu chứng thường gặp nhất trong bệnh Whitmore là biểu hiện nhiễm trùng ở phổi, phổi có thể hình thành một khoang chứa mủ (áp xe phổi). Bệnh nhân sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, đau ngực và đau nhức các cơ bắp.
- Bệnh còn có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm trùng trên da (viêm mô tế bào) kèm với sốt và đau cơ.
Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei
2. Sự nguy hiểm của bệnh Whitmore
- Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da hoặc được hít vào qua đường hô hấp gây viêm nhiễm ở đường hô hấp, viêm tuyến nước bọt mang tai, xương khớp, gây áp xe ở gan và lách, viêm nhiễm đường sinh dục, nhiễm trùng da, cơ vân.
- Từ nơi thâm nhiễm ban đầu, bệnh có thể lan toả từ da vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, tổn thương đa phủ tạng và có nguy cơ tử vong,
- Bệnh có thể diễn tiến thành một hình thái melioidosis mạn gây thương tổn đến tim, động mạch chủ bụng, não, gan, thận, khớp, mắt… hoặc gây ổ áp xe lạnh mãn tính ở phổi.
- Bệnh Whitmore cũng có thể lây lan từ người sang người.
Cần tích cực phòng bệnh Whitmore
3. Sự giống nhau giữa bệnh quai bị và bệnh Whitmore
- Đều là bệnh nhiễm trùng (do vi-rút, vi khuẩn)
- Đều có biểu hiện sốt cao (hội chứng nhiễm trùng) và viêm tuyến nước bọt mang tai làm tuyến nước bọt mang tai sưng to.
4. Sự khác nhau giữa bệnh quai bị và Whitmore
Nguyên nhân:
Bệnh quai bị do vi-rút quai bị, bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.
Diễn biến bệnh:
- Bệnh quai bị thường xuất hiện ở trẻ em hoặc người lớn chưa có miễn dịch với bệnh. Trong khi đó, bệnh Whitmore thường xuất hiện ở người có sức đề kháng suy giảm, tạo điều kiện cho nhiễm trùng cơ hội bùng phát.
- Bệnh quai bị thường chỉ có sốt và viêm tuyến nước bọt, trường hợp biến chứng mới có thêm biểu hiện đau bụng, đau hố chậu (viêm buồng trứng), hoặc tinh hoàn sưng to (viêm tinh hoàn). Bệnh Whitmore thường có kèm theo biểu hiện nhiễm trùng nặng (môi khô, lưỡi bẩn, cơ thể hốc hác), hoặc kèm theo các triệu chứng của những bệnh nhiễm trùng khác như viêm phổi, áp xe gan, viêm màng não…
- Tiến triển: Bệnh quai bị thường lui sau 7-8 ngày, sốt thường chỉ diễn biến vài ngày, sau khi khỏi bệnh cơ thể có miễn dịch không bị bệnh này nữa. Bệnh Whitmore sốt cao kéo dài hơn, nặng nề hơn, có thể nhiếm trùng huyết, viêm đa phủ tạng và gây tử vong. Khỏi bệnh nhưng không có miễn dịch với vi khuẩn gây bệnh.
- Bệnh quai bị xuất hiện đột ngột sưng rất to cả hai bên tuyến mang tai, kèm theo sốt cao (hoặc sưng cách nhau 1-2 ngày), vùng tuyến bị nề ứ máu nhiều làm mặt tròn như quả nhót. Bệnh Whitmore thường có sốt cao sau đó mới sưng tuyến mang tai ở mức độ nhỏ hơn, tuyến sưng đỏ đau nhiều hơn, thường chỉ sưng một bên tuyến nước bọt.
- Biểu hiện sốt của bệnh quai bị thường ở mức trung bình cao (38-39 độ C), diễn biến kéo dài vài ngày rồi lui dần, uống thuốc hạ sốt có đáp ứng tốt. Sốt trong bệnh Whitmore thường cao hơn (39- 40 độ C) có khi rất cao (41 độ C) và liên tục, có khi sốt cao kéo dài hàng tháng, uống thuốc hạ sốt ít đáp ứng.
Biểu hiện sốt của Bệnh Whitmore và quai bị khác nhau
Điều trị:
- Bệnh quai bị không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là kiểm soát các triệu chứng, nghỉ ngơi tại giường, uống nhiều nước. Dùng thuốc giảm đau và hạ nhiệt thông thường như aspirin, paracetamol để giảm nhẹ các triệu chứng. Trường hợp nặng hoặc biến chứng viêm tinh hoàn, buồng trứng có thể điều trị bằng prednisolon 40mg, mỗi ngày một lần, liên tục trong 4 ngày.
- Bệnh Whitmore: Sử dụng thuốc kháng sinh đặc hiệu, có thể sử dụng một hoặc kết hợp nhiều loại kháng sinh theo phác đồ điều trị của bệnh viện. Nếu có biểu hiện của melioidosis phổi mãn tính, và nếu cấy vi khuẩn vẫn còn dương tính sau sáu tháng, cần xem xét đến việc phẫu thuật cắt bỏ thuỳ phổi để loại bỏ các áp - xe phổi.
Phòng bệnh:
Bệnh quai bị có vắc-xin tiêm phòng, tránh tiếp xúc và cách li người bị bệnh quai bị.
Bệnh Whitmore cần tránh tiếp xúc với bùn đất ô nhiễm, các trang trại nuôi gia súc, tăng cường sức đề kháng, bệnh không có vắc-xin tiêm phòng.
Vì thế, thấy trẻ diễn biến nặng, sốt cao, sưng tấy tuyến mang tai, xuất hiện tình trạng nhiễm trùng... cần nghĩ đến nguy cơ bệnh Whitmore để làm các chẩn đoán xét nghiệm loại trừ, kịp thời phát hiện và điều trị với kháng sinh thích hợp căn bệnh sẽ được khống chế, thường khỏi sau 2 - 3 tuần điều trị mà không để lại biến chứng.
BS Đỗ Hữu Thảnh
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!