Bệnh tim vẫn có thể tập thể dục

Sống Khỏe - 04/24/2024

Hello Bacsi - Luyện tập thể dục thể thao hợp lý được xem là một trong những hoạt động tốt nhất cho sức khỏe, ngay cả với những người mắc bệnh tim mạch.

Những người mắc bệnh tim thường gặp nhiều khó khăn trong việc luyện tập thể dục. Tuy nhiên, luyện tập thể dục thể thao hợp lý được xem là một trong những hoạt động tốt nhất cho sức khỏe, ngay cả với những người mắc bệnh tim mạch.

Lợi ích của việc luyện tập thể dục

Luyện tập thể dục thể thao không chỉ cân bằng vóc dáng, mà còn giúp cải thiện đáng kể sức khỏe cho những người mắc bệnh tim.

  • Cải thiện sức khỏe tim mạch;
  • Cải thiện triệu chứng suy tim xung huyết;
  • Giảm huyết áp;
  • Khỏe mạnh hơn;
  • Duy trì cân nặng;
  • Giảm stress;
  • Cải thiện tinh thần;
  • Cải thiện giấc ngủ.

Bác sĩ tim mạch sẽ hướng dẫn bạn tạo thói quen tập thể dục cũng như những thói quen an toàn cần thực hiện. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ thói quen tập thể dục nào. Một số thắc mắc hữu ích mà bạn có thể áp dụng là:

  • Bạn có thể tập thể dục bao nhiêu mỗi ngày?
  • Bạn có thể tập thể dục bao nhiêu lần mỗi tuần?
  • Bạn nên thử cũng như nên tránh những hoạt động thể thao nào?
  • Bạn có nên uống thuốc tại một thời điểm nhất định trong lịch trình tập luyện hay không?
  • Bạn có nên kiểm tra mạch đập của mình trong khi tập thể dục không? Cụ thể thì nên kiểm tra như thế nào?
  • Bạn nên chú ý cẩn thận với những dấu hiệu nào trong khi tập thể dục?

Các loại bài tập nào dành cho người bệnh tim?

Kế hoạch tập luyện của bạn nói chung sẽ gồm 2 phần chính:

  • Các bài tập tim mạch hoặc thể dục nhịp điệu. Loại hình tập luyện này mang lại nhiều lợi ích  tim mạch nhất. Các bài tập có thể bao gồm đi bộ, chạy bộ, nhảy dây, đi xe đạp, trượt tuyết, trượt băng, chèo thuyền, và thể dục nhịp điệu hoặc các lớp cardio (tập luyện chuyên biệt dành cho tim mạch). Những bài tập này giúp tăng cường sức khỏe tim phổi. Dần dần, các bài tập thể dục nhịp điệu sẽ giúp điều chỉnh huyết áp, cải thiện hô hấp, đồng thời, tim bạn cũng sẽ dần quen nhịp và không còn cảm giác hoạt động nặng nhọc trong thời gian tập luyện.
  • Tập luyện thể lực. Những bài tập này sẽ giúp làm săn chắc và rèn luyện cơ bắp của bạn. Bạn có thể sử dụng tạ tay, máy tập tạ ở phòng tập thể dục, hoặc tập chống đẩy. Thông thường, bạn nên tập một vài lượt cho mỗi bài tập, sau đó nghỉ ngơi một hoặc hai ngày xen giữa các đợt tập.

Luyện tập giãn cơ cũng rất có lợi. Nhẹ nhàng thực hiện các động tác giãn cơ sau khi bạn đã hoàn thành các bài tập thể lực. Bên cạnh đó, bạn nên lưu ý không nên tập giãn cơ trước khi khởi động, tránh luyện tập quá sức dẫn đến đau đớn. Có thể bạn sẽ thích tập luyện cùng huấn luyện viên cá nhân có uy tín hoặc lý tưởng nhất là những người đã có kinh nghiệm hỗ trợ luyện tập cho người mắc bệnh tim.

Cách khởi động và hạ nhiệt đúng là gì?

Mỗi khi tập thể dục, bạn nên bắt đầu bằng một bài khởi động. Điều này sẽ giúp cơ thể bạn dễ dàng thích ứng một cách chậm rãi từ trạng thái nghỉ ngơi sang hoạt động. Một cách hay để khởi động là vẫn thực hiện tất cả các hoạt động như kế hoạch cho bài tập của bạn, nhưng tập với tốc độ chậm hơn. Phương pháp này sẽ góp phần giúp cho việc nhập cuộc của bạn trở nên dễ dàng hơn.

Nếu bạn gặp triệu chứng đau ở ngực, khó thở nghiêm trọng hoặc chóng mặt, bạn nên ngừng tập luyện và thông báo ngay với bác sĩ về các triệu chứng đó.

Khi tập luyện xong, bạn có thể hạ nhiệt cơ thể bằng cách giảm dần tốc độ tập, không nên dừng lại hay ngồi xuống đột ngột. Ngồi, đứng yên tại chỗ hoặc nằm xuống ngay sau khi luyện tập thể dục có thể gây cảm thấy chóng mặt, choáng váng hoặc tim đập nhanh.

Làm thế nào để tập hiệu quả mà vẫn không ảnh hưởng đến bệnh tim của bạn?

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo việc luyện tập thể dục nên được tiến hành vào hầu hết các ngày trong tuần. Càng luyện tập sẽ càng giúp bạn được cân đối. Bất kỳ sự luyện tập nào cũng có ích cho sức khỏe của bạn.

Nếu bạn vẫn chưa quen tập luyện, hãy bắt đầu chậm rãi và dần dần kéo dài thời gian tập luyện hoặc tăng thêm độ khó theo thời gian. Việc trò chuyện trong khi tập luyện cũng sẽ không ảnh hưởng đến bệnh tim của bạn.

Bạn hãy chờ ít nhất một giờ sau bữa ăn trước khi tập thể dục. Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế các loại nước được bác sĩ khuyên tránh khi tập luyện.

Nếu bạn bị suy tim, bạn cần đặc biệt chú ý và thực hiện theo 7 lời khuyên sau:

  • Đảm bảo nhịp độ. Hãy đảm bảo cân bằng giữa tập luyện với nghỉ ngơi;
  • Tránh các bài tập đẳng trường như hít đất và gập bụng;
  • Đừng tập thể dục bên ngoài khi trời quá lạnh, nóng, hoặc ẩm ướt. Độ ẩm cao có thể làm bạn chóng mệt hơn. Bên cạnh đó, nhiệt độ quá cao cũng có thể gây trở ngại cho tuần hoàn máu, gây khó thở và đau ngực;
  • Uống đủ nước để tránh tình trạng mất nước. Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ về lượng nước hợp lý nên uống trong một ngày;
  • Tránh tắm nước vòi sen quá nóng hoặc quá lạnh hay tắm hơi ngay sau khi tập thể dục. Nhiệt độ quá khắc nghiệt cũng sẽ làm tăng áp lực cho tim;
  • Không tập thể dục ở khu vực đồi núi, trừ khi bạn đã tham khảo ý kiến bác sĩ. Nếu phải đi bộ trên các sườn dốc, hãy giảm tốc độ và đi chậm rãi lên dốc để tránh tình trạng quá sức;
  • Nếu chương trình tập luyện của bạn đã bị gián đoạn trong hơn một vài ngày (có thể là do ốm đau, nghỉ phép, hoặc thời tiết xấu), hãy bắt đầu trở lại bằng việc tập luyện nhẹ nhàng.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên ngừng tập và gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn có bất cứ biểu hiện nào sau đây:

  • Đau ngực;
  • Yếu ớt;
  • Chóng mặt hoặc choáng váng;
  • Tăng cân không rõ nguyên nhân hoặc sưng phù;
  • Đau hoặc tức ngực, cổ, cánh tay, quai hàm, hoặc vai;
  • Bất kỳ triệu chứng nào khác khiến bạn lo lắng.

Nếu các triệu chứng vẫn còn tiếp diễn hoặc chuyển biến nghiêm trọng sau khi bạn ngừng tập luyện, hãy gọi 115 hoặc đến phòng cấp cứu gần nhất.

Ban đầu, việc luyện tập có thể làm bạn bị đau các cơ. Tuy nhiên, đó có thể là những dấu hiệu bình thường, và cơn đau sẽ dần biến mất khi cơ thể của bạn quen dần với các động tác. Tuy nhiên, nếu bạn gặp phải bất kỳ cơn đau đột ngột hoặc nghiêm trọng nào, hãy ngưng việc tập luyện và sắp xếp đi khám bác sĩ ngay nhé.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!