Bí kíp giúp bạn sống lạc quan để vượt qua ung thư

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Theo Health, các nghiên cứu cho thấy khi trải qua những tình huống căng thẳng, con người thường có suy nghĩ tiêu cực hoặc muốn bỏ cuộc, đó là diễn tiến tâm lý hoàn toàn tự nhiên

Theo Health, các nghiên cứu cho thấy khi trải qua những tình huống căng thẳng, con người thường có suy nghĩ tiêu cực hoặc muốn bỏ cuộc, đó là diễn tiến tâm lý hoàn toàn tự nhiên. Đặc biệt, cú sốc phát hiện ung thư và quá trình điều trị có thể khiến bệnh nhân chìm đắm trong những lo lắng, buồn phiền. Sự bất an càng gia tăng khi bệnh nhân có thời gian nhàn rỗi hoặc tinh thần yếu đuối.

Bí kíp giúp bạn sống lạc quan để vượt qua ung thư

Ảnh minh họa: News.

Đặc điểm chung của hầu hết người mắc ung thư khi phát hiện bệnh là cảm thấy hụt hẫng, bất lực, tức giận hoặc khinh ghét bản thân. Cảm xúc tiêu cực khiến họ càng khó ngủ, ăn uống kém, không muốn tận hưởng những điều tốt đẹp từng làm hoặc yêu thích. Tình trạng này duy trì lâu có thể dẫn đến trầm cảm lâm sàng rất khó điều trị.

Do vậy, các bác sĩ khuyên bệnh nhân ung thư áp dụng các cách đẩy lùi những suy nghĩ tiêu cực, như sau:

Xác định điều gì gây ra suy nghĩ tiêu cực

Phân tích nguồn gốc của sự đau khổ có thể giúp bạn tự nhận thức thực trạng và thay đổi theo hướng tích cực. Khi nhận ra nguyên nhân gây nên những suy nghĩ tiêu cực, bạn sẽ dễ dàng ngăn chặn, không để nó tiếp tục dâng cao và chi phối hành vi của mình.

Nếu bạn không đủ bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề mình đang gặp phải, hãy nhờ đến sự trợ giúp của các y bác sĩ hoặc tư vấn viên. Những người có chuyên môn sẽ hỗ trợ bạn trong quá trình tìm hiểu, biến đổi những suy nghĩ tự vệ thành những quyết định có ích. Dù vậy bạn cần hiểu rằng đôi khi có những tình huống không thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng và sự chấp nhận trở nên cần thiết.

Dựa vào những điều tốt đẹp

Hãy ghi chép và lưu giữ những kỷ niệm về điều bạn biết ơn. Nó giống như một dạng nhật ký giúp bạn nhớ lại những điều tích cực trong cuộc sống, từ đó làm khuây khỏa tinh thần.

Hãy tập thói quen vào mỗi cuối ngày nghĩ về những điều đã làm mang lại cho bạn cảm giác dễ chịu. Những việc này không nhất thiết phải là hành động hay sự kiện lớn. Đó có thể là những thứ nhỏ bé như lời nói hay, câu chuyện vui với bạn bè hay một món tráng miệng ngon. Bài tập biết ơn này giúp bạn mở rộng tâm trí và thay cách nhìn tiêu cực bằng thái độ tích cực hơn.

Lặp lại một câu hay lời cầu nguyện, bài hát, bài thơ làm bạn cảm thấy thư thái

Trong giai đoạn khó khăn, hãy cố gắng thay thế những ý nghĩ tiêu cực bằng việc gì đó giúp vực tinh thần của bạn. Chẳng hạn như một câu nói, lời cầu nguyện, bài hát, bài thơ. Tự lặp đi lặp lại với chính mình, chú tâm vào từng từ khi hít vào và đào thải những lo lắng khi thở ra, bạn sẽ thấy khoan khoái trong lòng.

Đọc hoặc xem những câu chuyện truyền cảm hứng về bệnh nhân thoát khỏi ung thư

Cảm giác chán nản sẽ vơi đi khi bạn biết mình không đơn độc. Thực tế có nhiều người từng trải qua con đường khó khăn như bạn, song giờ đây họ trở nên mạnh mẽ và tích cực hơn. Hãy để những câu chuyện này nâng đỡ bạn những lúc cảm thấy khó khăn nhất. Hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng mình không chỉ sống sót qua cơn bạo bệnh mà còn phải tỏa sáng.

Sống với hiện tại

Sống và tận hưởng từng khoảnh khắc hiện tại là một kỹ năng bạn có thể rèn luyện bằng cách tập hít thở sâu và thiền. Luôn nhận thức được suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm khoảnh khắc hiện tại, bạn sẽ cảm thấy mình nhanh phục hồi, bớt thụ động, ít bị cảm xúc tiêu cực chi phối.

Lên kế hoạch “tạm ngừng lo âu”

Dù biết ngồi cả ngày lo âu và suy nghĩ sẽ chẳng mang lại lợi ích gì, song nhiều bệnh nhân cho biết họ rất khó để ngăn cản những ý nghĩ như vậy.

Để cải thiện tình trạng này, các bác sĩ khuyên mỗi ngày mọi người nên dành một khoảng thời gian “tạm ngừng lo âu” để không phải bận tâm gì trong vòng 20 đến 30 phút. Mỗi khi cảm thấy lo lắng bắt đầu xâm chiếm tâm trí, hãy nhớ chuyển sang chế độ “tạm ngừng lo âu”.

Cách này giúp bạn phát hiện ra những điều cảm thấy bất an nhất trong khi vẫn cố định được nó trong một khung thời gian nhất định.

Tìm tới chuyên gia tư vấn

Đừng ngại đề nghị sự giúp đỡ. Nếu bạn cảm thấy có điều gì quá sức chịu đựng, ảnh hưởng tới công việc, học tập hay sinh hoạt hàng ngày, thậm chí làm cho mối quan hệ xung quanh trở nên xấu đi, hãy mạnh dạn tìm tới chuyên gia tư vấn.

Gặp gỡ những người đồng cảnh ngộ

Nhiều bệnh nhân ung thư cảm thấy thoải mái và dũng cảm hơn khi chia sẻ câu chuyện của mình với những người đồng cảnh ngộ, đó là cách hiệu quả để tự động viên bản thân. Đôi khi, thấu hiểu nỗi đau và lo lắng của người khác sẽ giúp bạn đi nỗi niềm của mình và đồng cảm với mọi người hơn. Tuy nhiên, hãy làm việc này khi nào bạn sẵn sàng về mặt tinh thần.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!