Bệnh viêm mũi dị ứngthường có các biểu hiện như: hắt hơi, nghẹt mũi, ngứa mũi, chảy nước mũi, ...Bệnh không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống mà nếu không điều trị kịp thời bệnh sẽ diễn tiến dai dẳng gây nên viêm mũi mạn tính, viêm xoang, viêm tai giữa...
Bên cạnh sự gia tăng của các tác nhân gây dị ứng trong môi trường, việc nhầm lẫn một cách phổ biến giữa các bệnh cảm lạnh, viêm xoang, viêm mũi dị ứngcũng khiến cho quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn hơn, nhất là với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, việc nhận diện chính xác những biểu hiện của bệnh viêm mũi dị ứng để có những biện pháp phòng bệnh hiệu quả là điều cần thiết.
Đặc điểm và biểu hiện của viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng chỉ là biểu hiện tại chỗ của một căn bệnh toàn thân – bệnh dị ứng. Cơ thể con người sẽ có những cơ chế phản ứng trước những chất lạ xâm nhập vào cơ thể, đặc biệt là qua đường hô hấp, bằng cách tạo ra các kháng thể để chống lại các kháng nguyên. Tùy cơ địa từng người mà sẽ xảy ra phản ứng giữa kháng nguyên và kháng thể tạo ra chất histamin – “thủ phạm” chính gây ra bệnh viêm mũi dị ứng.
Người ta chia viêm mũi dị ứng làm hai loại: loại không có chu kỳ và loại có chu kỳ.
Loại có chu kỳ thường xảy ra đột ngột vào thời điểm giao mùa: đầu mùa nóng hoặc đầu mùa lạnh với những biểu hiện phổ biến như:
- Ngứa mũi
- Chảy nhiều nước mũi trong như nước lã
- Cay cay trong mũi
- Hắt hơi liên tục
- Cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt
- Vòm hầu họng có cảm giác rát bỏng .
Nhiều cơn dị ứng như vậy xuất hiện vào ban ngày, đặc biệt là vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy, nhưng tối đến lại dịu đi và kéo dài nếu không được điều trị.
Loại viêm mũi dị ứng không có chu kỳ có triệu chứng giống như loại có chu kỳ nhưng khác ở chỗ là bệnh không phụ thuộc thời tiết, không xuất hiện theo mùa, nghẹt mũi tăng dần và kéo dài hơn giữa 2 cơn, nhưng cơn viêm không kịch phát.
Khi đã thành bệnh mãn tính thì bệnh viêm mũi dị ứngcó thể bị nghẹt mũi gần như thường xuyên, kèm theo nhức đầu, người bệnh hay mệ mỏi - những triệu chứng vốn rất dễ nhầm với viêm xoang.
Một số trường hợp bệnh mãn tính có thể có gây nên loạn khứu giác (mất mùi). Bên cạnh đó, do nghẹt mũi cho nên bệnh nhân phải thở bằng miệng dẫn đến dị ứng phế quản, viêm phế quản, viêm họng và có trường hợp dẫn đến bệnh hen suyễn. Những hệ lụy khi căn bệnh kéo dài triền miên có thể là người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, giảm trí nhớ, lo lắng nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, cá biệt có trường hợp dẫn đến trầm cảm.
Phân biệt những biểu hiện của viêm mũi dị ứng – viêm xoang – cảm lạnh
Viêm mũi dị ứng, viêm xoang hay cảm lạnh đều dễ xuất hiện trong mùa lạnh. Mặc dù rất dễ bị nhầm lẫn (không ít người uống thuốc chữa cảm lạnh chán chê mới biết hóa ra mình bị viêm mũi dị ứng) nhưng bản chất mỗi bệnh lại hoàn toàn khác nhau.
Bệnh viêm xoang là những tổn thương tại các hốc xoang trên mặt người với các triêu chứng như tấy đỏ ở đường thở và không thể kiểm soát được dịch nhầy chảy ra từ mũi. Điều mọi người thường không biết là có trường hợp mắc viêm xoang mà không chảy nước mũi, ngạt mũi hay khó thở, bởi chất nhày nằm kẹt sâu trong xoang.
Còn viêm mũi dị ứng là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với các yếu tố ngoại lai không tương thích với cơ địa (như bụi, phấn hoa, thời tiết...) nhằm mục đích bảo vệ.
Cảm lạnh thông thường là dạng bệnh truyền nhiễm do cơ thể không thích ứng kịp với cái lạnh, bị virut tấn công, dẫn đến các triệu chứng ở đường hô hấp trên như mũi, họng. Các triệu chứng này là hệ quả của phản ứng cơ thể trước virus chứ không phải do virus trực tiếp gây ra.
Các triệu chứng giữa viêm xoang, cảm lạnh và viêm mũi dị ứng khá giống nhau: đều ảnh hưởng đến đường hô hấp trên, gây hắt hơi, sổ mũi... Tuy nhiên, nếu như viêm mũi dị ứng không lây thì cảm lạnh là bệnh lây nhiễm do virus dễ dàng lây nhiễm. Hơn nữa, triệu chứng viêm mũi dị ứng xuất hiện ngay khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, và căn bệnh biến mất khi các tác nhân đó được loại trừ, mọi triệu chứng cũng biến mất không có dấu vết. Trong khi đó, sau thời gian ủ bệnh, các triệu chứng cảm lạnh xuất hiện từ nhẹ đến nặng và cũng khỏi từ từ.
Ngoài ra, nếu bị sốt, đau nhức toàn thân thì không nghi ngờ gì nữa, bạn bị cảm lạnh, bởi những triệu chứng này không có ở bệnh dị ứng hay viêm xoang.
Quả thật, sự khác biệt này không mấy rạch ròi và bệnh nhân khó có thể dựa vào đó để biết chắc mình bị cảm lạnh hay dị ứng, vì vậy thay vì tự kiếm lấy vài viên thuốc uống, hãy đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị bệnh một cách có hiệu quả.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!