Bộ Y tế lên phương án đối phó khi vi-rút Zika xâm nhập VN

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế sẽ được kiểm dịch y tế để phát hiện các triệu chứng nhiễm bệnh do vi-rút Zika gây ra.

Ngày 30-1, Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi đến tất cả UBND tỉnh, thành phố thuộc trung ương về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika đang lây lan nhanh chóng tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tăng kiểm dịch y tế tại cửa khẩu

Để chủ động phòng, chống dịch xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai tốt hoạt động kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu quốc tế, giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh, đặc biệt người đi về từ vùng dịch, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cách ly, xử lý kịp thời.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tiến Long cũng đề nghị các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế chủ động lấy mẫu để xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có tiền sử đi về từ vùng dịch, gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm. Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng tương tự phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) để hạn chế sự phát triển của muỗi Aedes, loài muỗi truyền bệnh Zika.

Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực bao gồm người, trang thiết bị, phương tiện, thuốc, hóa chất, giường bệnh... để sẵn sàng triển khai các hoạt động đáp ứng khi có dịch Zika xâm nhập.

'Những người đi về từ vùng dịch cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng ít nhất 12 ngày, phụ nữ mang thai nên hạn chế đi đến các khu vực có dịch và cần tham vấn cán bộ y tế khi nghi ngờ nhiễm vi-rút Zika' - ông Long khuyến cáo.

Các cơ quan địa phương phối hợp với ngành y tế tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng tránh. Đồng thời, thông báo cho các đơn vị tổ chức du lịch để chủ động triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika cho hành khách.

Chủ yếu lan truyền do muỗi cắn

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế Trần Đắc Phu, đến nay nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi-rút Zika. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập và lây lan hoàn toàn có thể do sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán.

Bộ Y tế lên phương án đối phó khi vi-rút Zika xâm nhập VN

Nhân viên Trạm kiểm dịch y tế quốc tế TP HCM đang theo dõi thân nhiệt của du khách qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất (Ảnh: Trần Ngọc)

Ông Phu cho biết do trong nước đang có sẵn vectơ truyền bệnh SXH là loài muỗi Aedes nên nhiều khả năng để vi-rút Zika lan truyền. Ngoài ra, y văn thế giới cho thấy vi-rút này còn lan truyền qua đường truyền máu, tiếp xúc với phòng thí nghiệm và quan hệ tình dục. Zika cũng đã phát hiện thấy trong sữa mẹ, tuy nhiên chưa xác định là có lây cho em bé trong quá trình nuôi dưỡng hay không.

'Hiện Việt Nam chưa có miễn dịch cộng đồng căn bệnh này. Đây là loại vi-rút mà thế giới chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị. Vì thế, chỉ cần một trường hợp bệnh xuất hiện tại Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh lan rộng là có thể' - ông Phu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phu, khó khăn lớn nhất trong việc phát hiện ca bệnh nhiễm vi-rút Zika hiện nay là 80% triệu chứng bệnh không điển hình, các dấu hiệu gần giống với triệu chứng bệnh SXH, do đó việc chẩn đoán bệnh không hề dễ dàng đối với cả các nhân viên y tế.

Tuy nhiên, theo ông Phu, việc lan truyền vi-rút Zika chủ yếu là do muỗi nên người dân vẫn có thể chủ động phòng tránh bằng cách giống như phòng ngừa SXH như thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bọ gậy, ngủ mùng, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi.

Ba kịch bản đối phó

Ông Trần Đắc Phu cho biết Bộ Y tế đang lên kế hoạch phòng, chống dịch toàn diện từ kịch bản phòng, chống dịch bệnh mới nổi sẵn có. Theo đó sẽ có ba kịch bản ứng phó với vi-rút Zika. Tình huống 1, khi chưa ghi nhận ca bệnh, mục tiêu là phát hiện sớm ca bệnh để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng.

Tình huống 2, khi xuất hiện các ca bệnh xâm nhập thì cần khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, điều trị tích cực hạn chế thấp nhất tử vong và lây lan ra cộng đồng. Tình huống 3 là khi dịch lây lan trong cộng đồng: Đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế thấp nhất tử vong và lan rộng. Theo ông Phu, Bộ Y tế cũng ban hành quy trình giám sát, phát hiện và hướng dẫn xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị bệnh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!