Bơi mùa nắng: Coi chừng viêm mũi dị ứng

Cần biết - 04/26/2024

Hồ bơi công cộng có thể là nguy cơ tiềm ẩn khiến người có cơ địa dị ứng phát bệnh.

Nước bể bơi gây dị ứng

'Trung bình 1.000 lượt người đến khám và điều trị mỗi ngày trong khi, mùa đông, chỉ 700-800 lượt', PGS.TS Dinh - Giám đốc Bệnh viện Tai-Mũi-Họng Trung ương nói, 'Một nữ bệnh nhân mới khám phàn nàn rằng họng em đau, tai em rát sau khi nghỉ mát ở Sầm Sơn'.

Theo PGS Dinh, viêm niêm mạc họng, mũi, tai xảy ra khá phổ biến vào mùa hè mấy năm gần đây chủ yếu do các yếu tố môi trường.

Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng I, TP Hồ Chí Minh, cũng chứng kiến hiện tượng bệnh nhi đến khám các bệnh đường hô hấp tăng.

Bơi mùa nắng: Coi chừng viêm mũi dị ứng

Nước bể bơi rất dễ gây kích ứng cho người có cơ địa dị ứng (Ảnh: Internet)

'Tại các khu nghỉ mát, tác nhân gây viêm là thay đổi đột ngột nhiệt độ từ phòng lạnh ra ngoài bãi biển và ngược lại. Còn tại bể bơi, các yếu tố gây viêm chủ yếu là môi trường nước bơi. Hạn chế thay nước bể bơi và tăng cường hóa chất xử lý nước bể bơi để tiết kiệm chi phí là tai họa cho người bơi'.

Ô nhiễm môi trường nước bơi, vẫn theo chuyên gia tai mũi họng, cũng chịu trách nhiệm gây kích thích niêm mạc các giác quan. Nếu bãi biển bị ô nhiễm chủ yếu bởi nước thải sinh hoạt và sản xuất không được xử lý đúng mức, nước bể bơi lại bẩn hơn bởi chính người bơi.

'Tiếp xúc toàn thân với nước thường kích thích đi tiểu', PGS Dinh nói tiếp, 'Thiếu tự giác hoặc không được nhắc nhở, người bơi rất dễ tiểu luôn và càng làm nước bể bơi bẩn'.

ThS Lê Công Định, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV Bạch Mai, bổ sung, viêm mũi dị ứng tăng, bên cạnh yếu tố bụi, khói động cơ, đúng là còn do cả bể bơi. 'Cứ đến hè, bệnh nhân viêm mũi dị ứng và viêm xoang nhập viện tăng đều', ThS Định nói, 'Đối tượng chủ yếu là trẻ em 12-15 tuổi'.

Các bác sỹ cho biết thêm, những người có cơ địa dị ứng, nhất là người có tiền sử viêm mũi, viêm xoang, có thể dị ứng với nước bể bơi hoặc tái phát bệnh rất nhanh sau khi đi bơi.

Làm gì sau khi bơi?

Sau khi đi bể bơi, thấy đường mũi khó thở kèm theo các biểu hiện khịt, khạc, xì ra mũi màu vàng xanh, mùi hôi tanh. Nếu mũi chảy xuống họng còn kèm theo ho, hãy đến bác sỹ để được tư vấn dùng thuốc.

Tuyệt đối không tự ý mua thuốc để nhỏ vì nhiều bệnh nhân dùng thuốc nhỏ mũi không theo đúng chỉ định bị mắc thêm bệnh viêm mũi do thuốc.

Trường hợp viêm mũi không chữa trị kịp thời sẽ gây viêm xoang mãn tính. Bệnh nhân có tiền sử viêm xoang, viêm mũi dị ứng không nên lựa chọn hình thức thể dục bơi ở bể bơi, BS Định khuyên.

>> Xem thêm: Hỏi - đáp về bệnh dị ứng

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!