Khớp gối do 3 xương tạo thành, đó là xương đùi, xương chày và xương bánh chè. Ngoài ra còn hệ thống sụn có tác dụng bọc đỡ và giảm xóc khi vận động và giữ cho khớp gối được vững vàng.
Hệ thống dây chằng bên trong, bên ngoài và hai dây chằng chéo trước và chéo sau có vai trò giữ cho khớp gối vững chắc. Nhờ đó, chúng ta có thể thực hiện được các động tác vận động nhanh, mạnh và dứt khoát.
Khi vận động mạnh, khớp gối dễ bị chấn thương với các tổn thương như giãn hoặc đứt dây chằng, rạn rách sụn chêm khớp gối. Khi bị đứt hoặc giãn dây chằng sẽ thấy rất đau. Sau một thời gian hết đau thì cảm giác khớp gối lỏng lẻo.
Sụn chêm chính là phần bọc ngoài cùng của xương chày và ổ khớp gối. Bình thường, mặt sụn chêm nhẵn, có dịch trơn làm giảm ma sát nên xương chày xoay trơn tru trong ổ khớp. Khi bị rách hoặc rạn, bề mặt sụn không còn trơn mà có rãnh vỡ, nên khi di chuyển không trơn tru nữa mà còn ma sát mạnh gây đau.
Để chẩn đoán các tổn thương khớp gối, ngoài việc khám khớp gối, bác sĩ có thể tiến hành chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ giúp chẩn đoán chắc chắn, đồng thời cho phép đánh giá chung các thương tổn dây chằng và sụn chêm.
BS. Đặng Phương Liên - Bộ Y tế cho biết: 'Trong trường hợp giãn dây chằng nhẹ, tổn thương có thể tự hồi phục sau 2 tháng, tuy nhiên nguy cơ tái phát khá cao. Thông thường, nếu có hiện tượng giãn dây chằng, bác sĩ có thể bất động khớp gối bằng nẹp kết hợp với điều trị thuốc.
Giãn dây chằng nếu không xử lý cẩn thận và người bệnh vẫn tiếp tục vận động mạnh, có thể dẫn đến đứt dây chằng, buộc phải phẫu thuật.
Khi bị chấn thương dây chằng, bạn không nên dùng các loại dầu nóng, cao Salonpas, Deep heat... xoa bóp vì sẽ làm khớp sưng nhiều hơn và đau tăng. Thay vào đó, hãy chườm đá lạnh ngay khi bị chấn thương'.
>>Xem thêm:Hỏi đáp về bệnh đau đầu gối
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!