Thoái hóa khớp gối là tình trạng khớp gối bị mòn lớp sụn bề mặt khớp, tổn thương lớp xương dưới sụn.
Trong cơ thể chúng ta, khớp gối có vai trò rất quan trọng vì là khớp vận động nhiều và phải chịu sức nặng của toàn cơ thể, vì thế nên khớp gối cũng dễ bị thoái hóa.
Người bị thoái hoá khớp gối thường đau vùng khớp gối, lúc đầu đau ít và chủ yếu về đêm. Đau quanh khớp gối, đôi khi chỉ một vài điểm, đau tăng hơn khi đi lên cầu thang hoặc khi ngồi xổm, nghe tiếng kêu lạo xạo trong khớp khi co duỗi đầu gối.
Cứng khớp gối, nhất là sáng sớm lúc vừa ngủ dậy, sau một lúc nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng thấy đỡ đau và cứng khớp. Một số trường hợp khớp gối bị sưng, chứa nhiều dịch bên trong do tràn dịch khớp, sau khi chọc hút dịch này thì khớp đỡ đau. Những trường hợp nặng, khớp gối bị biến dạng, vẹo.
Về cơ bản, điều trị thoái hóa khớp gối nhằm làm giảm nhẹ triệu chứng đau, phục hồi chức năng vận động của khớp và chỉnh sửa các rối loạn về hình thái học nếu có.
BS. Đặng Phương Liên - Bộ Y tế cho biết thêm, bạn có thể dùng thuốc tây y gồm các thuốc giảm đau thông thường để điều trị bệnh. Nếu không đáp ứng thì dùng phối hợp thuốc giảm đau chống viêm không steroid toàn thân (uống hoặc tiêm) hay bôi tại chỗ; hoặc dùng corticoid tiêm nội khớp với hiệu quả tương đối tốt, nhưng phải theo theo chỉ định của bác sĩ.
Trong giai đoạn khớp gối không bị sưng, nóng, đỏ, đau, có thể kết hợp điều trị vật lý trị liệu, xoa bóp, tập vận động khớp gối để làm thư giãn khớp kết hợp với tăng cường gân cơ, dây chằng quanh khớp gối; tăng lưu thông máu để nuôi dưỡng khớp gối tốt hơn.
Bên cạnh đó, có nhiều bài thuốc Đông y, xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu cũng có hiệu quả trong việc giảm đau, tăng cường tuần hoàn để nuôi dưỡng tại khớp để chống thoái hóa. Điều trị bằng phẫu thuật được xem xét khi tổn thương rất nặng làm biến dạng khớp, lệch trục khớp, tổn thương rạn nứt sụn chêm.
Ngoài việc điều trị thuốc, bạn cũng cần chú ý đến việc vận động hàng ngày để duy trì, giữ gìn chức năng vận động của khớp. Không nên đi bộ nhiều vì sẽ làm cho khớp gối bị thoái hóa nhanh hơn. Có thể tập dưỡng sinh, đi xe đạp, bơi lội để giúp rèn xương khớp dẻo dai mà còn tốt cho cả hệ tuần hoàn, hô hấp.
>>Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh thoái hóa khớp gối
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!