Loại ma túy này còn có tên gọi khác như cỏ, bồ đà, tài mà… Cần sa có các màu khác nhau như xanh, xám hoặc nâu. Người ta thường lăn hoa và lá khô thành thuốc cuốn hoặc dùng ống điếu để hút. Có thể trộn cần sa với thức ăn hoặc thuốc lá để ăn và hút.
Cần sa có chất tetrahydrocannbino làm cho người dùng 'phê' tức là làm biến đổi tâm trạng của người sử dụng. Sau khi hút cần sa sẽ có tác dụng từ vài phút (đạt đỉnh cao sau 30 phút) và kéo dài khoảng 2 - 4 giờ. Cần sa tác dụng tới cơ thể khác nhau tùy theo cách sử dụng. Có người trở nên mất cảm giác, tê dại nhưng đa số lại thấy hưng phấn nhưng nói năng không gẫy gọn và mạch lạc. Họ cảm thấy đói và khát nước. Tim đập nhanh, khô miệng, phản xạ kém, tăng cảm giác của các giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác), đi đứng nghiêng ngả, mất thăng bằng, cử động chậm chạp…
Sau vài ba giờ các triệu chứng trên giảm dần và người dùng cần sa cảm thấy rã rượi và đi vào giấc ngủ triền miên.
Ngoài ra, BS. Nguyễn Thị Minh Huệ - Chuyên khoa Nội - Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng - Sở Y tế Hà Nội, còn cho biết thêm:
Cần sa gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Hậu quả gần là cần sa làm giảm trí nhớ về các sự kiện mới xảy ra, kém tập trung, rối loạn nhận thức và kéo dài thời gian phản ứng của cơ thể.
Về lâu dài, cần sa làm cho người sử dụng hay bị ốm vặt, giảm sức đề kháng của cơ thể (do làm giảm tế bào lympho T - tế bào chính chống lại nhiễm trùng). Nó còn có ảnh hưởng tới hệ hô hấp khiến cho người sử dụng ho nhiều, có đờm, dễ bị viêm phổi (nó còn có hóa chất có thể gây ung thư phổi…). Nếu dùng lâu sẽ bị suy giảm trí nhớ, ảo giác, tâm thần… Sử dụng cần sa một thời gian sẽ gây nên tình trạng lệ thuộc nó, người dùng sẽ luôn nghĩ đến và tìm cách sử dụng nó. Nếu dừng đột ngột hoặc giảm liều thì sẽ xuất hiện hội chứng cai cần sa với biểu hiện: đau đầu, nôn, cáu giận hoặc trầm cảm. Việc sử dụng lẫn giữa cần sa, rượu và ma túy khác rất nguy hiểm vì nó sẽ làm tác dụng của cần sa mạnh hơn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!