Chân tay bỗng dưng co quắp
Bà Vũ Thị Minh 62 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội hàng ngày vẫn phải uống caxi do thường xuyên bị hạ canxi huyết. Bà Minh kể cách đây hai năm bà phẫu thuật tuyến giáp lần thứ hai và từ đó đến nay ngoài việc điều trị thuốc cho tuyến giáp những viên thuốc canxi không thể tách rời khỏi bà.
Các loại canxi bình thường còn không hấp thụ được nên bà phải dùng canxi nano. Bà Minh kể sau mổ tuyến giáp được một tuần, chân tay của bà co quắp không duỗi, không đi lại được. Bà đến Bệnh viện Nội tiết khám lại bác sĩ cho nhập viện cấp cứu ngay vì hạ canxi huyết. Lúc đó, bà mới hiểu hạ canxi huyết nguy hiểm như thế nào. Không chỉ chân tay co quắp mà bà còn không đi lại được, ảnh hưởng thần kinh gây đau đớn khắp cơ thể.
Dù uống canxi thường xuyên nhưng thi thoảng bà vẫn phải vào viện vì những cơn hạ canxi huyết. Với những người ở tuổi như bà, thêm bệnh nào là khổ bệnh đó. Trước đó, bà đã bị chớm loãng xương nên giờ thêm thiếu canxi lúc nào bà cũng phải bổ sung nó kịp thời.
Hình ảnh bệnh nhân bị co rút chân tay do hạ canxi huyết (Ảnh minh họa: Internet)
Cùng hoàn cảnh với bà Minh, cháu bé con chị Trần Thị Hải trú tại Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội cũng tương tự. Chị Hải kể con không ăn chậm lớn đặc biệt cháu hay quấy khóc, cáu gắt. Dù ba tuổi nhưng cháu chỉ nặng 12kg. Lúc đầu chị nghĩ con có tiền sử lười ăn nên không cho bé đi khám dinh dưỡng.
Đến khi thấy bé bị co giật như động kinh, chị đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi trung ương, bác sĩ chẩn đoán cháu bị hạ canxi huyết do thiếu canxi. Tuy nhiên khi điều trị hạ canxi huyết thì khả năng dung nạp canxi của cháu rất kém.
Bệnh đến từ bữa ăn
Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ còn coi thường việc bổ sung canxi cho con trong khi bữa ăn hàng ngày của người Việt vốn nghèo canxi. Theo các chuyên gia dinh dưỡng việc thiếu canxi ảnh hưởng đến việc phát triển cơ xương của trẻ cũng như ảnh hưởng đến các chức năng vận động khác.
Theo thạc sĩ Lương Quốc Chính – Khoa A 9 Bệnh viện Bạch Mai, hạ canxi máu có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng bệnh còn chưa được chú ý. Có những người chân tay co quắp không cử động được mới đi vào bệnh viện.
Nguyên nhân gây hạ canxi huyết là do nồng độ canxi trong máu thấp do suy tuyến cận giáp, tuyến này có vai trò điều hòa số lượng canxi trong cơ thể, hoặc do nồng độ phốt phát máu cao, chất này có thể làm giảm nồng độ canxi máu. Hạ canxi máu cũng có thể do nồng độ albumin máu thấp, chất này được sản xuất tại gan, và nó rất quan trọng trong việc điều hòa dịch trong tế báo và mô của cơ thể bạn.
Ngoài ra, còn do thiếu hụt magiê, vitamin D, hoặc khẩu phần canxi cũng rất quan trọng để duy trì nồng độ canxi máu thích hợp. Nguồn thức ăn có chứa canxi bao gồm các sản phẩm sữa (sữa và pho mát), cũng như rau dền, rau cải, bông cải xanh và cam.
Các triệu chứng của hạ canxi máu ở người lớn như co rút chân tay, co cơ mặt, tăng nhịp tim, trầm cảm hay cáu gắt, lười vận động, chậm chạp, lười ăn và hay đau thắt bụng, lên cơn co giật. Ở trẻ thì triệu chứng thường thấy là biếng ăn, co rút cơ, co giật, hay run, tăng phản xạ gân cơ. Khi có các biểu hiện động kinh, co giật là triệu chứng đã rất nặng.
Việc điều trị hạ canxi huyết theo bác sĩ Chính những bệnh nhân này sẽ được điều trị bằng truyền canxi tĩnh mạch để khôi phục và bổ sung lượng canxi thiếu hụt trong cơ thể. Ngoài đường truyền tĩnh mạch, canxi cũng có thể được bổ sung qua đường tiêm tĩnh mạch hoặc đường uống. Nếu hạ canxi máu thứ phát do các bệnh lý nền khác thì ngoài việc điều trị hạ canxi máu ta cũng cần phải điều trị bệnh lý nền đó.
Với trẻ sơ sinh, việc đánh giá sẽ dựa trên tình trạng sức khỏe tổng thể và cân nặng; khả năng dung nạp với một số loại thức ăn, thuốc, hoặc biện pháp điều trị, và sở thích của bậc cha mẹ… để điều trị cho trẻ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!