Các dấu hiệu rụng tóc bạn nên biết để phòng tránh!

Sơ cứu & Phòng ngừa - 04/18/2024

Dấu hiệu rụng tóc rất đa dạng và do nguyên nhân như chế độ ăn uống kém, thiếu khoáng chất, căng thẳng, ô nhiễm môi trường, di truyền,... gây nên.

Trên thực tế, không ít người bị rụng tóc và hói đầu do chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu khoáng chất, uống thuốc, căng thẳng, ô nhiễm môi trường, di truyền… Vậy nguyên nhân chính do đâu và làm thế nào để bạn biết mình đang gặp phải triệu chứng rụng tóc?

Cả nam và nữ ở mọi độ tuổi đều có khả năng bị rụng tóc. Thông thường, tóc rụng theo chu kỳ tự nhiên nên không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài thì bạn cũng cần đặt câu hỏi liệu mình có bị bệnh gì khi tóc rụng nhiều không.

Triệu chứng rụng tóc

Rụng tóc có thể có nhiều triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Tóc trên da đầu hay toàn thân có thể rụng nhiều đột ngột hoặc từ từ theo thời gian. Một số loại rụng tóc là tạm thời nhưng một số khác là vĩnh viễn.

Các dấu hiệu và triệu chứng rụng tóc bao gồm:

Đường chân tóc thụt lùi

Đây là loại rụng tóc phổ biến nhất, ảnh hưởng cả nam và nữ khi tuổi tác lớn dần. Ở nam giới, ban đầu tóc sẽ rụng dần ở phía trước trán, tóc con có mọc ra nhưng thưa hơn và nhanh chóng bị gãy rụng theo đường chữ M. Phụ nữ thường không rụng tóc trên trán nhưng tóc sẽ thưa đi.

Hói từng mảng

Một số người thường bị các mảng hói tròn như đồng xu trên đầu, đôi khi còn ở râu hay chân mày. Trong một số trường hợp, lúc rụng tóc còn kèm theo cảm giác ngứa ngáy hoặc đau rát trước khi tóc rụng xuống từng mảng.

Rụng tóc đột ngột

Chấn động tâm lý hay thể chất có thể làm tóc rụng khá nhiều. Khi đó, tóc rất dễ rụng ngay cả khi chải hoặc gội đầu, hay thậm chí chỉ khi vuốt nhẹ. May thay, triệu chứng này chỉ làm mái tóc mỏng đi mà không làm hói từng mảng trên đầu.

Rụng hết tóc

Một số phương pháp điều trị y tế, chẳng hạn như hóa trị ung thư có thể làm rụng sạch tóc trên đầu. Tuy nhiên, tóc sẽ mọc trở lại khi kết thúc quá trình điều trị.

Rụng tóc nhiều mảng lớn

Đây là dấu hiệu của bệnh nấm da, loại bệnh gây rụng tóc làm tóc bị hư tổn, da đầu mẩn đỏ, sưng tấy và mưng mủ.

Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?

Khi bị rụng tóc nhiều mà không rõ nguyên do, bạn nên đi khám bác sĩ ngay nhé.

Ngoài ra, hãy nói với bác sĩ các dấu hiệu bạn gặp phải như rụng tóc đột ngột hay tóc rụng nhiều hơn bình thường khi chải hoặc gội đầu. Việc rụng tóc đột ngột có thể là tín hiệu báo động các bệnh tiềm ẩn cần được điều trị.

Nguyên nhân gây rụng tóc

Phẫu thuật hoặc bệnh tật

  • Nếu bạn vừa trải qua một cuộc đại phẫu hoặc đang hồi phục sau khi mắc bệnh nặng thì rụng tóc chỉ là một hiện tượng bình thường;
  • Theo các bác sĩ da liễu, nhiều người sẽ bị rụng tóc nghiêm trọng một vài tuần sau khi phẫu thuật hoặc sau cơn bạo bệnh, nhưng một thời gian sau tóc sẽ mọc lại bình thường.

Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc chống đông máu và nhiều loại thuốc hóa trị liệu khác được sử dụng trong điều trị ung thư chính là thủ phạm gây rụng tóc. Thông thường, tóc sẽ mọc lại sau khi bệnh nhân ngưng dùng thuốc. Ngoài ra, một số loại thuốc chống trầm cảm hoặc vitamin A cũng là tác nhân gây rụng tóc.

Mất cân bằng nội tiết

Testosterone là hormone quan trọng đối với nam giới, nó chịu trách nhiệm xây dựng bản lĩnh đàn ông với những đặc trưng như giọng nói, cơ bắp và ham muốn tình dục. Khi cơ thể chuyển đổi testosterone thành dihydrotestosterone (DHT), tóc nam giới có thể bị rụng khá nhiều.

Các vấn đề về tuyến giáp

Bệnh nhân bị cường giáp hoặc suy giáp thường bị rụng tóc do việc chuyển đổi testosterone thành DHT với tốc độ quá nhanh. Ngay cả những người đang điều trị tuyến giáp cũng có nguy cơ bị rụng tóc nghiêm trọng.

Căng thẳng

  • Nếu bạn chịu nhiều áp lực trong công việc và cuộc sống, bạn có thể bị rụng tóc. Căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần quá mức có thể khiến tóc ngừng phát triển hoặc bị rụng liên tục. Tuy nhiên, rụng tóc do stress sẽ hết nếu tinh thần người bệnh khỏe mạnh trở lại;
  • Rụng tóc thành từng mảng cũng do stress gây ra. Vì các nang tóc tấn công quá mạnh vào hệ thống miễn dịch, tóc sẽ rơi ra, để lại từng mảng hói tròn trên da đầu và khoảng 5% sẽ bị rụng tóc trên toàn bộ da đầu.

Một số bệnh gây rụng tóc

Rụng tóc cũng có thể báo hiệu bạn mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh lupus ban đỏ. Trong trường hợp không thể kiểm soát rụng tóc, hãy nhanh chóng tìm đến các chuyên gia y tế để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp.

Các kiểu tóc và phương pháp làm đẹp

Một số kiểu kéo tóc hay túm tóc quá chặt, ví dụ như tóc đuôi gà hoặc hai chùm, có thể gây rụng tóc nhiều. Ngoài ra, hấp dầu thường xuyên có thể khiến các nang lông bị viêm sưng dẫn đến rụng tóc. Nếu để lại sẹo, tóc ở vùng đó sẽ không thể mọc trở lại.

Làm sao để hạn chế rụng tóc?

Những lời khuyên sau có thể giúp bạn bảo vệ mái tóc khỏe mạnh:

  • Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng;
  • Tránh các kiểu tóc quá chặt như thắt bím, búi tóc hoặc cột đuôi gà;
  • Tránh các hành động mạnh bạo như kéo, giật hoặc bứt tóc;
  • Nhẹ tay khi chải đầu và tắm rửa. Dùng lược răng thưa có thể giúp tóc bớt rụng khi chải;
  • Hạn chế uốn tóc và hấp dầu.

Mọi người từ nam đến nữ ở mọi độ tuổi đều có khả năng bị rụng tóc nếu không biết cách chăm sóc mái tóc đúng cách. Vậy nên hãy chú ý xem mình có các triệu chứng rụng tóc không và áp dụng các biện pháp phòng ngừa cũng như chữa trị nhé!

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Rụng tóc không còn là mối lo nhờ mesotherapy
  • Rụng tóc tiết lộ điều gì về sức khỏe của bạn?
  • 10 thủ phạm khiến bạn bị rụng tóc và hói đầu
  • 6 giải pháp chống rụng tóc an toàn và hiệu quả

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!