Bạn không nên lo lắng khi mỗi ngày rụng không quá 100 sợi tóc. Nhưng nếu tình trạng rụng tóc nặng hơn, bạn nên tìm hiểu các nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp như dùng thuốc, thay đổi cách chải tóc, phẫu thuật…
Bạn ám ảnh vì mỗi khi chải đầu đều thấy tóc rụng vướng trên lược? Bạn lo sợ tóc ngày càng mỏng và yếu đi? Đừng quá lo lắng! Rụng tóc dưới 100 sợi mỗi ngày là chuyện khá bình thường, nhưng nếu tình trạng này nghiêm trọng hơn thì bạn nên lưu ý và tìm cách khắc phục. Qua bài viết này, Hello Bacsi sẽ cung cấp cho bạn nhiều thông tin bổ ích về vấn đề rụng tóc.
Rụng tóc là tình trạng như thế nào?
Tóc được cấu tạo từ keratin, một loại protein sản sinh trong các nang lông ở lớp ngoài của da. Khi các nang lông tạo ra các tế bào lông mới, các tế bào cũ sẽ bị đẩy ra khỏi bề mặt da với tốc độ khoảng 15cm/năm. Tóc mà bạn có thể nhìn thấy thực sự là một chuỗi tế bào keratin chết. Người lớn trưởng thành trung bình có khoảng 100.000 đến 150.000 sợi tóc và mỗi ngày mất khoảng 100 sợi. Nếu tóc rụng không quá số lượng này, bạn không nên lo ngại.
Tại một thời điểm nào đó, khoảng 90% tóc trên da đầu sẽ phát triển. Mỗi nang lông có chu kỳ sống riêng và có thể bị ảnh hưởng bởi tuổi tác, bệnh tật và nhiều yếu tố khác. Chu kỳ sống này được chia thành ba giai đoạn:
- Giai đoạn tăng trưởng (anagen): kéo dài từ 2 đến 6 năm;
- Giai đoạn chuyển tiếp (catagen): kéo dài từ 2 đến 3 tuần;
- Giai đoạn nghỉ ngơi (telogen): kéo dài khoảng từ 2 đến 3 tháng.
Tuổi tác có ảnh hưởng ít nhiều đến chu kỳ này. Tuổi càng cao, tốc độ tăng trưởng của tóc càng chậm lại.
Có rất nhiều loại rụng tóc, bao gồm:
Rụng tóc bất thường
Là một điều kiện tự nhiên, trong đó tóc dần dần mỏng theo độ tuổi. Khi nhiều nang lông vào giai đoạn nghỉ ngơi thì những sợi tóc còn lại trở nên ngắn hơn và ít hơn.
Chứng rụng tóc androgen
Là một tình trạng di truyền có thể ảnh hưởng đến cả nam giới và nữ giới. Nam giới mắc tình trạng này (còn gọi là hói đầu kiểu nam) có thể bắt đầu bị rụng tóc ngay từ lúc còn nhỏ hoặc đầu những năm 20 tuổi. Biểu hiện của chứng rụng tóc này là việc tóc ở da đầu trán rụng dần đi. Phụ nữ mắc tình trạng này (còn gọi là hói đầu kiểu nữ), tóc không bị mỏng đi đáng kể cho đến khi họ trên 40 tuổi. Ở phụ nữ mắc tình trạng này, thông thường tóc sẽ rụng trên toàn bộ da đầu và rụng nhiều nhất ở giữa đầu.
Rụng tóc từng mảng
Thường bắt đầu đột ngột và gây rụng tóc rụng ở trẻ em và người trưởng thành. Tình trạng này có thể dẫn đến hói đầu hoàn toàn (alopecia totalis). Tuy nhiên, khoảng 90% số người mắc tình trạng này, tóc sẽ trở lại bình thường trong vòng vài năm.
Rụng tóc toàn thân
Là tình trạng hầu hết các lông trên cơ thể đều bị rụng, bao gồm lông mày, lông mi và lông mu.
Hội chứng nghiện giật tóc
Xảy ra nhiều nhất ở trẻ em. Đây là một rối loạn tâm lý, trong đó trẻ em sẽ tự giật tóc của mình.
Rụng tóc kiểu TE
Là tình trạng tóc trở nên mỏng trong một thời gian tạm thời, xảy ra do sự thay đổi trong chu kỳ tăng trưởng của tóc.
Rụng tóc có sẹo có thể khiến tóc không mọc lại vĩnh viễn. Các bệnh về viêm da (viêm tế bào, viêm nang trứng, mụn trứng cá) và các rối loạn da khác (như một số dạng lupus và lichen planus) thường gây ra những vết sẹo làm hỏng khả năng tái tạo của tóc. Chải đầu bằng lược quá dày và kéo mạnh cũng có thể dẫn đến rụng tóc vĩnh viễn.
Nguyên nhân gây rụng tóc là gì?
Các bác sĩ không biết tại sao một số nang lông được lập trình để có thời kỳ sinh trưởng ngắn hơn so với những bộ phận khác. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến rụng tóc, bao gồm:
- Hormone, chẳng hạn như các mức androgen bất thường (cả nam và nữ đều có hormone nam);
- Gen: Di truyền từ cả cha lẫn mẹ, có thể là một trong những nguyên nhân gây hói đầu ở nam và nữ;
- Căng thẳng, ốm đau và việc sinh con có thể gây rụng tóc tạm thời;
- Nấm da do nhiễm nấm cũng có thể gây rụng tóc;
- Thuốc bao gồm các loại thuốc hóa trị được sử dụng trong điều trị ung thư, thuốc giảm loãng máu, thuốc chẹn beta-adrenergic được sử dụng để kiểm soát huyết áp và thuốc ngừa thai cũng có thể gây tình trạng rụng tóc tạm thời;
- Bỏng, chấn thương và tia X cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển của tóc. Tóc thông thường sẽ hồi phục sau khi vết thương lành lại. Nếu có vết sẹo, tóc sẽ không mọc trở lại;
- Bệnh tự miễn dịch có thể gây ra chứng rụng tóc: Đối với rụng tóc từng mảng, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng vì những lý do không rõ ràng và ảnh hưởng đến nang lông. Ở hầu hết những người bị rụng tóc, tóc sẽ mọc trở lại mặc dù tạm thời tóc khá khỏe, có màu nhạt hơn trước, sau đó mới trở lại màu và độ dày bình thường;
- Thẩm mỹ: Việc gội đầu quá nhiều, uốn tóc, tẩy trắng và nhuộm tóc có thể góp phần làm cho tóc mỏng hơn. Những thủ thuật này còn làm tóc yếu và giòn, dễ gây rụng tóc. Việc bện tóc quá chặt, sử dụng máy uốn tóc, mấy sấy,… cũng có hại cho tóc của bạn. Tuy nhiên, các thủ thuật này không gây ra chứng hói đầu. Trong hầu hết các trường hợp, tóc sẽ mọc trở lại bình thường nếu bạn loại bỏ được các nguyên nhân trên;
- Các tình trạng bệnh lý: Bệnh tuyến giáp, lupus, tiểu đường, thiếu chất sắt, rối loạn ăn uống và thiếu máu có thể gây rụng tóc. Hầu hết sau khi bạn điều trị bệnh, tóc sẽ mọc trở lại bình thường trừ khi có sẹo do một số bệnh lupus, lichen planus hoặc rối loạn nang trứng;
- Chế độ ăn uống: Chế độ ăn ít protein hoặc chế độ ăn kiêng nghiêm trọng cũng có thể gây ra rụng tóc tạm thời.
Làm thế nào để đối phó với chứng rụng tóc?
Đầu tiên, bạn xác định liệu chứng rụng tóc có do một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nào gây ra hay không. Nếu đúng như vậy, bạn cần phải điều trị bệnh ngay lập tức.
Nếu không có vấn đề về y khoa gây ra rụng tóc, bạn có thể lựa chọn các phương pháp điều trị bao gồm thuốc, phẫu thuật, thay đổi cách chải tóc, sử dụng tóc giả…
Bạn có thể sử dụng những sản phẩm có chức năng làm chậm rụng tóc, bao gồm:
- Minoxidil (Rogaine®);
- Finasteride (Propecia®).
Phẫu thuật điều trị rụng tóc là gì?
Rụng tóc thường xuyên có thể được điều trị bằng phẫu thuật. Có 3 loại phẫu thuật phổ biến:
- Cấy ghép tóc (còn được gọi là ghép tóc) là phương pháp lấy một ít tóc ở phía sau đầu và thay thế ở mặt trước;
- Phẫu thuật trị hói là dạng phẫu thuật cắt bỏ các khu vực bị hói và sau đó khâu các vùng da đầu lại với nhau;
- Mở rộng da đầu là phương pháp mà bác sĩ sẽ chèn các thiết bị vào dưới da đầu để làm da căng. Điều này có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật trị hói để làm cho da trở nên giãn hơn.
Những phẫu thuật này rất thích hợp cho nam giới và cả nữ giới mắc chứng hói đầu. Tuy nhiên, bạn không nên phẫu thuật nếu những vùng da được lấy không đủ tóc vì bạn rất dễ để lại sẹo lồi.
Hiểu biết về rụng tóc là nền tảng để bạn có thể tránh xa nỗi ám ảnh này. Hãy hạn chế tối đa những nguyên nhân gây rụng tóc để bạn luôn có một mái tóc dày và chắc khỏe bạn nhé.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Tình trạng rụng tóc: Gợi ý liệu pháp và loại thuốc chữa trị
- Rụng tóc tiết lộ điều gì về sức khỏe của bạn?
- 6 giải pháp chống rụng tóc an toàn và hiệu quả
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!