Những loại thuốc này bao gồm cả thuốc được bác sĩ kê đơn và các sản phẩm không cần kê đơn (OTC). Mặc dù những loại thuốc này thường an toàn và hiệu quả nhưng tác dụng có hại cũng có thể xảy ra ở một số người. Dưới đây là một số vấn đề liên quan đến hệ thống tiêu hóa có thể xảy ra khi uống thuốc.
Kích thích thực quản
Viên nén hoặc viên nang bị mắc kẹt ở trong thực quản có thể giải phóng các hóa chất gây kích thích niêm mạc thực quản. Kích thích có thể gây loét, chảy máu, thủng (lỗ hoặc rách) và hẹp thực quản. Nguy cơ do thuốc gây ra ở thực quản tăng ở những người mắc các bệnh như hẹp, xơ cứng bì và đột quỵ... Một số loại thuốc có thể gây loét khi chúng bị kẹt ở thực quản như aspirin, tetracycline, quinidine, kali clorua, vitamin C và sắt.
Dấu hiệu cảnh báo: Đau khi nuốt thức ăn hoặc chất lỏng; cảm giác viên nang bị mắc kẹt trong cổ họng; đau âm ỉ, đau ở ngực hoặc vai sau khi dùng thuốc.
Phòng ngừa: Nên uống thuốc ở tư thế thẳng đứng hoặc ngồi. Trước khi uống thuốc, hãy nuốt một vài ngụm nước để bôi trơn cổ họng, sau đó nuốt viên thuốc hoặc viên nang với ít nhất 1 ly nước đầy. Hãy báo cho bác sĩ nếu nuốt tiếp tục đau hoặc nếu thuốc tiếp tục dính trong cổ họng.
Thuốc có thể gây viêm loét dạ dày thực quản.
Trào ngược thực quản
Cơ thắt thực quản dưới (LES) nằm giữa thực quản và dạ dày, cho phép thức ăn đi vào dạ dày sau khi nuốt. Một số loại thuốc can thiệp vào hoạt động của cơ thắt này làm tăng khả năng trào ngược do có tính axit cao của dạ dày vào thực quản. Các loại thuốc có thể gây trào ngược thực quản bao gồm nitrat, theophylline, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc kháng cholinergic và thuốc tránh thai.
Dấu hiệu cảnh báo: Chứng ợ nóng hoặc khó tiêu; cảm giác thức ăn quay trở lại vào cổ họng.
Phòng ngừa: Tránh thực phẩm và đồ uống có thể làm tình trạng trào ngược trở nên tồi tệ hơn, bao gồm cà phê, rượu, sô-cô-la và thực phẩm chiên hoặc béo. Cắt giảm hoặc tốt nhất là bỏ thuốc lá. Đừng nằm xuống ngay sau khi ăn.
Kích thích dạ dày
Một trong những tác hại do thuốc phổ biến nhất của thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là kích thích niêm mạc dạ dày. NSAID có thể gây kích ứng dạ dày bằng cách làm suy yếu khả năng của lớp lót để chống lại axit được tạo ra trong dạ dày. Đôi khi sự kích thích này có thể dẫn đến viêm niêm mạc dạ dày (viêm dạ dày), loét, chảy máu hoặc thủng niêm mạc. Người già đặc biệt có nguy cơ bị kích thích từ NSAID vì họ thường xuyên dùng thuốc giảm đau cho viêm khớp và các bệnh mạn tính khác. Ngoài ra, những người có tiền sử loét dạ dày và các biến chứng liên quan hoặc viêm dạ dày cũng có nguy cơ cao.
Dấu hiệu cảnh báo: Đau bụng dữ dội hoặc đau ở dạ dày; phân đen hoặc có máu; nôn ra máu; chứng ợ nóng nghiêm trọng hoặc khó tiêu; tiêu chảy.
Phòng ngừa:Sử dụng viên bao tan trong ruột có thể làm giảm kích ứng dạ dày. Tránh uống đồ uống có cồn trong khi dùng thuốc. Uống thuốc với 1 ly nước đầy hoặc với thức ăn, có thể làm giảm kích ứng.
Táo bón
Một số thuốc ảnh hưởng đến hoạt động thần kinh và cơ ở ruột già (đại tràng). Điều này dẫn đến việc phân đi qua trực tràng chậm và khó khăn. Thuốc cũng có thể liên kết chất lỏng đường ruột và làm cho phân cứng lại. Các loại thuốc thường gây táo bón bao gồm thuốc chống tăng huyết áp, thuốc kháng cholinergic, cholestyramine, sắt và thuốc kháng axit có chứa chủ yếu là nhôm.
Dấu hiệu cảnh báo:táo bón nghiêm trọng hoặc kéo dài vài tuần.
Phòng ngừa: Uống nhiều nước; ăn chế độ ăn uống cân bằng bao gồm ngũ cốc, trái cây và rau quả; luyện tập thể dục đều đặn; chỉ dùng thuốc nhuận tràng khi có chỉ định và dưới sự giám sát của bác sĩ.
Tiêu chảy
Tiêu chảy là tác dụng phụ phổ biến của nhiều loại thuốc, nhất là kháng sinh. Những thay đổi do kháng sinh gây ra ở vi khuẩn đường ruột cho phép phát triển quá mức của một loại vi khuẩn khác như Clostridium difficile (C. difficile), là nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy do kháng sinh nghiêm trọng hơn. Sự hiện diện của C. difficile có thể gây viêm đại tràng, viêm ruột dẫn đến phân lỏng. Hầu như bất kỳ loại kháng sinh nào cũng có thể gây tiêu chảy do C. difficile nhưng phổ biến nhất là ampicillin, clindamycin và cephalosporin.
Tiêu chảy cũng có thể là tác dụng phụ của thuốc không gây viêm đại tràng nhưng làm thay đổi chuyển động hoặc hàm lượng chất lỏng của đại tràng. Colchicine là một nguyên nhân phổ biến của tiêu chảy do thuốc.
Thuốc kháng axit có chứa magiê cũng gây tiêu chảy nếu sử dụng quá mức. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc nhuận tràng có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh và cơ của đại tràng gây ra tiêu chảy.
Dấu hiệu cảnh báo: Máu, chất nhầy hoặc mủ trong phân; đau ở bụng dưới; sốt.
Phòng ngừa: Nếu tiêu chảy kéo dài trong vài ngày, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Lời khuyên cho người dùng thuốc
Thông thường, thuốc không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng khi được sử dụng theo đúng chỉ dẫn. Điều quan trọng là trước khi uống bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc bổ, bạn đều cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Một số loại thuốc dùng cùng nhau có thể tương tác và gây ra tác dụng phụ có hại. Ngoài ra, bạn phải thông báo với bác sĩ về các biểu hiện dị ứng hoặc nhạy cảm với thực phẩm, thuốc và về bất kỳ bệnh lý nào mà bạn đang mắc như bệnh tiểu đường, bệnh thận, dạ dày hoặc bệnh gan... Những người không dung nạp thực phẩm như không dung nạp gluten nên đảm bảo thuốc của họ không chứa chất độn hoặc chất phụ gia có chứa gluten. Làm theo chỉ định của bác sĩ một cách cẩn thận và báo cáo ngay lập tức bất kỳ triệu chứng bất thường nào.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!