Lưu ý dùng thuốc ho khi giao mùa

Cần biết - 11/24/2024

Khi thời tiết giao mùa cũng là lúc thuận lợi để các bệnh viêm đường hô hấp phát triển.

Trong đó, ho khan và ho có đờm là một triệu chứng thường gặp nhất. Tuy nhiên, khi nào sử dụng thuốc trị ho khan, khi nào dùng thuốc long đờm, loãng đờm... là điều thầy thuốc luôn quan tâm, cân nhắc để sử dụng thuốc trị ho đúng cách và đạt hiệu quả cao nhất.

Khi nào thì cần điều trị ho?

Ho là một triệu chứng, không phải là bệnh. Đây cũng là một phản xạ có lợi của cơ thể, nhằm làm sạch đường thở và tống đẩy các chất dịch tiết, vật lạ, vi khuẩn ra ngoài... Do đó, hầu hết trong các trường hợp là không cần phải dùng thuốc để điều trị ho, mà cần phải tìm nguyên nhân gây ho để điều trị nguyên nhân thì triệu chứng ho sẽ hết.

Tuy nhiên, khi chưa xác định được nguyên nhân gây ho hoặc việc dùng thuốc điều trị nguyên nhân gây ho cũng chưa khống chế được các cơn ho dữ dội, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, thì việc dùng thuốc điều trị triệu chứng ho và dùng thuốc làm cho đờm thoát ra ngoài cũng rất cần thiết.

Việc sử dụng thuốc ho loại nào còn phụ thuộc vào tình trạng ho. Thông thường hay gặp hai dạng ho là ho khan và ho có đờm. Ho khan là tình trạng ho mà không tiết ra các dịch tiết nhầy, thường gây ngứa họng, rát họng và có thể gây khản giọng hoặc mất tiếng.

Ho có đờm thường liên quan tới một bệnh lý ở đường hô hấp. Trong trường hợp ho khan, chỉ dùng thuốc giảm ho, không được dùng thuốc loãng đờm. Ngược lại, khi ho có đờm thì phải dùng thuốc loãng đờm, long đờm... mà không được sử dụng thuốc giảm ho.

Lưu ý dùng thuốc ho khi giao mùa

Sử dụng thuốc ho cần dựa vào tình trạng ho.

Thuốc dùng trong trường hợp ho khan

Thuốc có tác dụng giảm ho do ức chế trung tâm gây ho như codein, pholcodin, dextromethorphan... chỉ dùng trong trường hợp ho không có đờm (ho do cảm cúm, ho do kích ứng, dị ứng); ho nhiều làm người bệnh mệt mỏi, mất ngủ. Những thuốc trị ho có chứa codein chỉ dành cho người lớn, không dùng cho trẻ em vì gây ức chế hô hấp. Đối với bệnh nhân bị suy hô hấp, hen suyễn, trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú... tuyệt đối không được dùng thuốc này.

Thuốc kháng histamin chống dị ứng (kháng histamin H1 thế hệ 1) đồng thời có tác dụng làm dịu, giảm ho và an thần như diphenylhydramin, chlopheniramin, alimemazine, promethazine... được điều trị các chứng ho khan do dị ứng, kích ứng.

Nhược điểm chính của các thuốc này là gây buồn ngủ do tác động trên các thụ thể H1 ở não, vì vậy bất lợi khi dùng thuốc ban ngày nhưng thuận lợi khi dùng về đêm và không được dùng thuốc khi lái xe, vận hành máy móc... Loại thuốc này cũng có tác dụng làm khô quánh đặc dịch tiết, khó tống đờm, có thể gây ra cục đờm tắc nghẽn, vì vậy không nên dùng trong trường hợp ho có đờm, người hen suyễn.

Ngoài ra, thuốc trị ho còn có nhóm các thuốc tê do tác dụng gây tê các ngọn dây thần kinh gây phản xạ ho nên làm giảm ho như các hoạt chất benzonatat, menthol, lidocain... được dùng qua đường hít, ngậm.

Nên dùng liều thấp nhất có tác dụng và trong thời gian càng ngắn càng tốt để hạn chế tác dụng phụ của thuốc.

Thuốc dùng trong trường hợp ho có đờm

Thuốc tác dụng trên đờm là tất cả các thuốc làm thay đổi đặc tính, tính chất, số lượng và độ bám dính của đờm trên bề mặt đường thở. Thông thường trên đường thở lúc nào cũng có một lớp nhầy, có độ dính, độ ẩm và số lượng vừa phải để bảo vệ đường hô hấp. Nhưng khi hệ hô hấp bị bệnh lý thì lớp nhầy này bị thay đổi tính chất, trở nên bám dính, đặc quánh và khi đó nó được gọi là đờm.

Các thuốc như ambroxol, carbocystein, bromhexin... có tác dụng long đờm và tiêu chất nhầy, làm giảm độ đặc quánh của đờm, chất nhầy khiến bệnh nhân dễ khạc ra ngoài thông qua phản xạ ho. Cẩn trọng với người có tiền sử loét dạ dày - tá tràng (vì thuốc có ảnh hưởng tới lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày).

Một số thuốc như guaifenesin, natribenzoat, terpihydrat... có tác dụng làm loãng đờm, làm tăng sự tiết dịch (chủ yếu là nước) trên bề mặt đường hô hấp. Sự tăng tiết này làm đờm có thêm nước hòa tan nên sẽ làm tăng khối lượng đờm, tăng thể tích đờm, đờm trở nên lỏng ra, dễ khạc ra ngoài.

Khi dùng các thuốc tác dụng trên đờm này người bệnh cần uống nhiều nước để đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Mặc dù theo lý thuyết thì khi có đờm phải dùng thuốc long đờm, loãng đờm... để giúp dễ dàng khạc đờm ra ngoài, làm sạch đường hô hấp. Tuy nhiên, tùy mức độ đờm mà việc sử thuốc khi nào là hợp lý.

Chẳng hạn khi một trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, nếu đang có sự tăng tiết đờm quá nhiều, đang nhiều ran ẩm và ran nổ, đang có viêm phổi thì việc dùng thuốc lúc này sẽ đẩy viêm phổi mạnh hơn. Bởi trong phổi sẽ càng nhiều dịch, càng nhiều tiếng ran hơn và càng khó thở...

Hoặc bệnh nhân đang bị COPD lượng đờm tiết ra trong những đợt cấp tính là rất nhiều, nếu tiếp tục dùng các thuốc long đờm này sẽ rất bất lợi, vì ho sẽ càng tăng và khó thở sẽ càng rõ rệt... Do đó, việc sử dụng thuốc long đờm phải tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ.

Không dùng đồng thời kết hợp thuốc trị ho với thuốc long đờm, bởi khi dùng thuốc long đờm thì đờm sẽ tiết nhiều hơn nhưng triệu chứng ho giảm (do dùng thuốc giảm ho) nên đờm không được khạc ra sẽ làm bệnh thêm trầm trọng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!