Các thuốc gây ù tai

Cần biết - 03/29/2024

Một số loại thuốc khi sử dụng trong một thời gian dài, sẽ gây ra tác dụng phụ làm ù tai. Ù tai xảy ra với nhiều mức độ khác nhau gây ra cảm giác khó chịu, lo lắng, trong trường hợp nặng có thể dẫn đến mất ngủ, trầm cảm.

Tai gồm có ba phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Sóng âm thanh đi qua tai ngoài và gây rung động màng nhĩ ở tai giữa. Màng nhĩ và ba xương nhỏ khuếch đại rung động khi chúng di chuyển đến tai trong. Từ tai trong, các rung động đi qua ốc tai và chuyển thành tín hiệu điện truyền đến não, giúp chúng ta nhận biết được âm thanh. Ngoài chức năng nghe, tai còn có vai trò giữ cân bằng cho cơ thể.

Ù tai là tình trạng tai nghe những âm thanh lạ như tiếng ồn, tiếng rít hay tiếng vo ve… và là một chứng bệnh khá phổ biến, cứ 5 người thì có 1 người mắc phải (Tỉ lệ 1/5)!

Ù tai là gì?

Phân loại:

Ù tai được chia làm 2 dạng:

Ù tai chủ quan:chỉ người bị ù tai mới có thể nghe tiếng âm thanh lạ trong tai.

Ù tai khách quan:bác sĩ có thể nghe tiếng âm thanh lạ trong tai nếu ống nghe được đặt trong tai.

Triệu chứng:

Ù tai thường là triệu chứng của một bệnh lý tiềm ẩn như do lão hóa thính giác ở người cao tuổi, tổn thương tai hay rối loạn tuần hoàn não… Các triệu chứng của ù tai có thể xảy ra tạm thời hay kéo dài suốt đời.

Ù tai gây ra cảm giác khó chịu ở trong tai khi nghe những âm thanh lạ liên tục hay gián đoạn với cường độ to nhỏ khác nhau:

- Tiếng vo ve.

- Tiếng rít.

- Tiếng huýt gió.

- Tiếng ồn…

Các thuốc gây ù tai

Nguyên nhân:

Nguyên nhân thông thường gây ra ù tai là do sự hư hại của các sợi lông nhỏ ở tai trong, làm thay đổi các tìn hiệu điện truyền đến não giúp chúng ta nhận biết được âm thanh.

Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác gây ù tai:

Tuổi tác:với người từ 60 tuổi trở lên thính giác bị lão hóa, gia tăng nguy cơ bị ù tai.

Tiếng ồn:tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn, gây tổn thương các bộ phận của tai.

Di truyền:cha mẹ bị ù tai, con cái có nguy cơ cao bị ù tai.

Sự tích tụ ráy taiquá nhiều làm nghẽn ống tai, ảnh hưởng đến khả năng nghe gây ù tai...

Bệnh lý:một số bệnh lý như u não, xơ vữa động mạch, viêm màng não, viêm tai, chấn thương đầu… cũng ảnh hưởng đến thính lực gây ù tai.

Thuốc:một số loại thuốc khi sử dụng trong một thời gian dài sẽ gây ra tác dụng phụ làm ù tai.

Các thuốc gây ù tai

Thuốc là một trong những nguyên nhân gây ù tai. Những loại thuốc gây ra tác dụng phụ ù tai được gọi là thuốc gây độc tính ở tai (ototoxic drugs).

Thuốc gây ù tai là những loại thuốc làm tổn thương các bộ phận của tai trong như ốc tai, tiền đình… ngăn chặn quá trình chuyển sóng âm thanh thành tín hiệu điện truyền lên não.

Sau đây là các loại thuốc gây ù tai khi sử dụng trong một thời gian dài:

Aspirin(acid acetylsalicylic)có tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống kết dính tiểu cầu, ngăn chặn hình thành huyết khối. Khi sử dụng aspirin liều cao trong một thời gian dài sẽ gây ra tác dụng phụ ù tai.

Nhóm thuốc kháng viêm NSAIDs(ibuprofen, naproxen…) có tác dụng kháng viêm giảm đau. Nhóm thuốc này khi sử dụng trong một thời gian dài, sẽ làm tổn thương tai trong, gây ù tai.

Nhóm thuốc kháng sinhcó tác dụng kháng khuẩn, thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý do nhiễm khuẩn gây ra. Một số loại kháng sinh, đặc biệt là nhóm aminoglycosid(gentamicin, streptomycin, neomycin…),khi sử dụng trong một thời gian dài, sẽ làm tổn thương ốc tai ở tai trong gây ù tai.

Nguy cơ ù tai càng tăng cao ở những người có tiền sử bị bệnh thận hoặc có vấn đề về thính giác.

Nhóm thuốc lợi tiểu quai(furosemid, bumetanid, indapamid…) là những thuốc tác động ở nhánh lên quai Henle, thường được chỉ định trong điều trị cao huyết áp, suy tim… Khi sử dụng trong một thời gian dài, nhóm thuốc này làm tổn thương tai trong, gây ù tai, giảm khả năng nghe.

Nhóm thuốc chống ung thư(cyclophosphamid, cisplatin, bleomycin…)khi sử dụng trong một thời gian dài, sẽ làm tổn thương các bộ phận ốc tai và tiền đình ở tai trong, gây ra các triệu chứng ù tai, giảm thính lực.

Vì vậy, khi sử dụng một loại thuốc nào trong một thời gian dài, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng ù tai, giảm khả năng nghe, người bệnh cần nhanh chóng thông báo cho thầy thuốc để điều chỉnh liều dùng hay thay thế một loại thuốc khác không gây ra độc tính trên tai.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!