Giò chả là mặt hàng thực phẩm được sử dụng rất nhiều vào dịp Tết, tuy nhiên chúng chế biến bằng nguyên liệu gì, phụ gia hóa chất nào lại đang là một câu hỏi khiến người tiêu dùng băn khoăn.
Nguy hiểm rình rập từ giò chả hàn the
Cứ đến gần Tết Âm lịch, ngoài các mặt hàng thực phẩm khác thì giò chả cũng là một trong những món ăn được nhiều gia đình lựa chọn chế biến món ăn hoặc đem làm quà biếu.
Theo khảo sát tại những cơ sở sản xuất giò chả ở khu vực miền Bắc, bên cạnh việc giã thủ công theo đơn đặt hàng của khách, các hộ tại đây đã thay đổi, sử dụng máy móc trong quy trình sản xuất mà vẫn đảm bảo chất lượng. Lực lượng chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, siết chặt chất lượng nguyên liệu đầu vào, đồng thời tiến hành tập huấn cho các cơ sở về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Giò chả láng mịn bất thường có chứa hàn the.
Cách làm giò lụa khá đơn giản, các nguyên liệu gồm thịt nạc, một chút ít mỡ trộn cùng với gia vị đường, bột ngọt, bột tiêu trắng, bột năng, nước mắm, muối. Giò thành phẩm có màu tự nhiên, ăn giòn, có mùi thơm đặc trưng. Tuy nhiên, để giò, chả mịn, mượt, có hình thức đẹp mắt cũng như tăng lợi nhuận, một số người đã thêm bột, hàn the vào trong quá trình làm giò, chả. Nếu không lựa chọn giò, chả cẩn thận, người tiêu dùng phải đối mặt với nguy cơ ngộ độc hàn the. Đây là hóa chất thường được cho vào giò, chả mục đích tạo độ giòn, dai.
Chỉ cách đây vài ngày, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm Cần Thơ đã phát hiện số lượng 15kg chả lụa có chứa chất hàn the được bày bán tại chợ quận Ô Môn. Còn trước đó, vào tháng 1/2018, Công an TP Cần Thơ cũng phát hiện 380 kg chả cá có kết quả dương tính với hàn the đang được vận chuyển đi tiêu thụ.
Theo các chuyên gia, hàn the khi xâm nhập vào cơ thể với liều lượng cao sẽ gây ngộ độc cấp. Còn với liều lượng nhỏ, chúng sẽ tích tụ và gây ngộ độc gan, thận, rất nguy hiểm cho cơ thể.
Nghiên cứu về độc tính của hàn the cho thấy chất này có thể gây nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, gây ban đỏ. Chất này cũng gây kích thích dẫn đến trầm cảm, hoặc kích thích màng não. Đặc biệt, khi vào cơ thể, chúng sẽ tích tụ ở gan, rất khó bị đào thải ra ngoài. Khi tích tụ số lượng đủ lớn chúng sẽ bộc phát ra ngoài gây bệnh mạn tính. Không những gây tổn thương gan, hàn the còn gây thoái hóa cơ quan sinh dục, vô sinh.
Theo khuyến cáo trên thế giới, trẻ em ăn phải thực phẩm có lượng hàn the 1-2 gr/kg thể trọng sẽ bị tử vong sau 10-12 tiếng. Ở thể trường diễn, trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển trí não.
Giò chả ngày Tết giòn dai tiềm ẩn hóa chất khiến người tiêu dùng hoang mang.
Dấu hiệu nhận biết giò "bẩn" như thế nào?
Để nhận biết giò lụa sạch hay bẩn, bị pha nhiều bột hay chứa hàn the, thì đặc điểm đầu tiên là khi quan sát giò ngon khi cắt phải mịn và ướt, đôi chỗ trên mặt có vài rỗ xốp. Đây chính là những khoanh giò chả được làm từ thịt ngon, nghiền thịt cho độ quánh dẻo, bọc lớp không khí. Khi luộc hoặc hấp giò, không khí bục tạo ra mặt xốp. Khi cắt ra, mặt trong của giò chả phải có màu trắng ngà hơi ngả sang màu hồng nhạt đặc trưng.
Nếu khi cắt giò mà thấy quá bở, không có mùi thơm đặc trưng, bề mặt khoanh giò không bị lỗ rỗ thì rất có thể đã bị trộn với bột hoặc làm bằng thịt không đảm bảo chất lượng, còn nếu giò giòn, dai, láng mịn bất thường thì chắc chắn đã bị pha với hàn the.
Cùng với đó, giò lụa ngon có mùi vị đặc trưng, sau khi nuốt xong, vị còn đọng lại nơi cuống họng. Khi nhai, giò chả sạch có vị thơm ngọt, mềm, không bị bã, không có cảm giác khô rắn. Nếu ăn giò thấy có mùi thơm nồng, thơm sực thì cần cẩn trọng vì rất có thể đó là giò lụa được tẩm ướp chất phụ gia.
Sử dụng giấy thử ngâm nước nghệ tươi rồi phơi khô, ấn vào bề mặt của giò lụa. Sau 1 phút, nếu thấy giấy chuyển đổi màu sắc từ vàng sang đỏ thì có nghĩa là giò chả đó có chứa hàn the.
Dung dịch nghệ hoặc giấy tẩm nghệ trong môi trường kiềm (pH >7) sẽ chuyển từ màu vàng sang đỏ cam. Hàn the có tính kiềm nên khi tác dụng với giấy nghệ thì làm giấy nghệ chuyển từ màu vàng sang đỏ.
Thời gian gần đây các đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội, đoàn kiểm tra chuyên ngành của Sở Y tế đã kiểm tra và làm các test xét nghiệm nhanh và lấy các mẫu thực phẩm chín, thức ăn ngay làm kiểm nghiệm đánh giá chất lượng an toàn thực phẩm.
Kết quả các mẫu thực phẩm đạt chất lượng chiếm tỷ lệ tương đối cao (khoảng 98%). Tuy nhiên, một số mẫu giò chả có kết quả dương tính với hàn the.
Để nâng cao sức khỏe cộng đồng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Sở Y tế Hà Nội đề nghị Sở NN&PTNT, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân trong việc lựa chọn sản phẩm giò chả nói riêng và thực phẩm chín, đồ ăn ngay nói chung tại các cơ sở sản xuất thực phẩm đảm bảo chất lượng. Đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất thực phẩm trong việc sử dụng phụ gia thực phẩm.
Đồng loạt tiến hành thanh tra kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ ăn ngay, thực phẩm chín đặc biệt là giò chả và lấy mẫu xét nghiệm khi cần thiết. Xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm nếu có.
Theo VietQ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!