Chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân, thiếu tháng

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Có câu ví rằng, một ngày sinh non, trẻ thiệt thòi ngang bằng cả tuần ở trong bụng mẹ, đủ để nói lên rằng chăm sóc trẻ sinh non vất vả đến nhường nào.

Mỗi năm nước ta có khoảng 8% trẻ sinh ra bị nhẹ cân, thiếu tháng. Có nhiều nguyên nhân làm trẻ bị nhẹ cân như những bất thường về di truyền, dị tật bẩm sinh, nhiễm trùng tử cung, rối loạn điều hoà nội tiết. Nhưng có một nguyên nhân khá quan trọng cần nói đến là do trong quá trình thai nghén, thai nhi không được cung cấp đủ dinh dưỡng, bà mẹ bị sản giật hoặc tiểu đường trong thai kỳ. Với những trẻ sinh ra bị nhẹ cân, thiếu tháng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng về sức khoẻ và sự phát triển do các cơ quan chưa phát triển hoàn chỉnh. Vì vậy, việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh thiếu cân, non tháng thường vất vả hơn, với nhiều mối quan tâm lo lắng hơn những trẻ sinh ra đủ 9 tháng 10 ngày và có trọng lượng trung bình từ 3 kg trở lên.

Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh bình thường, khoẻ mạnh đã là một việc khá vất vả với nhiều bà mẹ, tuy nhiên với những trẻ sinh thiếu tháng, nhẹ cân thì việc chăm sóc còn khó khăn, vất vả hơn nhiều. Vì thế mà trên các diễn đàn của trang webtretho hay lamchame.com, rất nhiều bà mẹ đã bày tỏ sự lo lắng khi em bé sinh ra bị thiếu tháng và nhẹ cân. Mối băn khoăn của các bà mẹ này là với một trẻ sinh non chế độ nuôi dưỡng như thế nào là tốt nhất, có cần cho trẻ ăn thêm sữa ngoài hay không, dùng loại sữa nào phù hợp và liệu sau này con có phát triển bình thường như những trẻ khác hay không...

Chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân, thiếu tháng

Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh bình thường, khoẻ mạnh đã là một việc khá vất vả với nhiều bà mẹ (Ảnh minh họa: Internet)

Ngày đón cậu con trai bé bỏng sau hơn 1 tuần nằm điều trị vàng da tại Chị Đặng Phương Mai (Gia Lâm, Hà Nội) bị tiểu đường thai nghén mà không biết, khi sinh con trai ở tuần 32 của thai kỳ, bé chỉ nặng 2,4 kg. Thay vì được ra viện bình thường như các mẹ khác, mẹ con chị phải ở lại Viện thêm hơn 1 tuần nữa. Khi được xuất viện, chị vừa mừng vừa lo vì những ngày tiếp theo phải làm sao, nỗi lo lớn nhất của chị Mai liệu sau này con có phát triển bình thường không.

Cùng mối lo lắng như chị Mai, chị Hương, một bà mẹ ở Nam Định cũng sinh non khi thai được 7 tháng tuổi chia sẻ: cháu sinh chưa được 2 cân, nhiều cái lo lắng về nhà không biết điều kiện môi trường cháu có bị sao không, nằm đây mới thấy nhiều nhà đón con về con hay bị viêm phổi không ti được mẹ vì trước ở Bệnh viện toàn ăn xông...

Vì lo lắng và vì chưa có kinh nghiệm nên hai vợ chồng chị tìm hiểu mọi thông tin trên internet, sách báo, bạn bè... về kinh nghiệm chăm con. Qua đây, chị Hương hiểu ra rằng, với các trẻ sinh non thì ngoài việc làm thế nào để trẻ bú tốt các mẹ còn cần phải đặc biệt chú ý đến da, đến mắt, đặc biệt là chăm sóc thế nào để trẻ không bị nhiễm lạnh, dễ sinh ra viêm phổi. Bởi thực tế đã có nhiều trẻ sau khi rời Bệnh viện về với gia đình, chỉ được 5 đến 7 ngày lại phải quay lại bệnh viện vì bị viêm phổi. Trường hợp của con chị Thanh, ở Hà Nội là một trong số đó, chị Thanh chia sẻ 'không có kinh nghiệm gì về nuôi trẻ sinh non về nhà được 1 tuần lại quay lại vì khí hậu, môi trường ở nhà khác ở đây nuôi vất vả lắm'.

Có câu ví rằng, một ngày sinh non, trẻ thiệt thòi ngang bằng cả tuần ở trong bụng mẹ, đủ để nói lên rằng chăm sóc trẻ sinh non vất vả, khó khăn đến nhường nào...

Trẻ nhẹ cân là những trẻ khi sinh ra có trọng lượng dưới 2,5kg, bất kể tuổi thai là bao nhiêu. Trẻ nhẹ cân sẽ gồm cả trẻ đẻ non và trẻ suy dinh dưỡng trong tử cung. Theo quan sát của chúng tôi tại Khoa sơ sinh BV Phụ sản TW, các bé sinh non tháng trong thời gian phải nằm lại tại Bệnh viện đều được mẹ vắt sữa ra gửi vào để nhân viên y tế trực tiếp cho bé ăn qua đường xông, với những trẻ đã có phản xạ bú thì có thể trực tiếp bú mẹ hoặc bú bình. Khoảng thời gian nằm lại viện, tuy rằng cũng có những lo lắng, nhưng dẫu sao đã có cán bộ y tế luôn túc trực ở bên bé để chăm chút từng li từng tí. Nhưng khi trẻ ra viện trở về nhà, lúc này những khó khăn, vất vả mới thực sự bắt đầu.

Trẻ nhẹ cân đòi hỏi nhiều năng lượng để phát triển, tuy nhiên bộ máy tiêu hoá của trẻ con non nớt, dung tích dạ dày còn nhỏ, đặc biệt trẻ rất hay bị trào ngược. Việc cho trẻ non tháng ăn là điều khó khăn với các bà mẹ, nhất là trong tuần đầu. Sữa phù hợp nhất với trẻ là sữa mẹ. Em bé không ăn được như bình thường nên mẹ cần lưu ý cho trẻ ăn thành nhiều bữa hơn. Để giảm nôn trớ sau khi ăn xong, các bà mẹ nên luôn để cho con ở tư thế áp vào bụng mình ở trước ngực để dạ dày nó không ở tư thế nằm ngang, hơi thoát ra thì trẻ đỡ bị nôn trớ.

Chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân, thiếu tháng

Trẻ sinh non thường bị cơn ngưng thở do não còn non, do nghẽn tắc đường thở trên (Ảnh minh họa: Internet)

Rất nhiều bà mẹ phàn nàn rằng, mỗi lần cho bé bú, bé chỉ ngậm vú mút rất yếu ớt và cảm giác như mỗi lần bé chỉ tiếp nhận được tí tẹo sữa. Con ăn ít nên lúc nào mẹ cũng rơi vào trạng thái căng thẳng tâm lý. Tuy vậy các mẹ không nên quá lo lắng vì em bé sau khi ra viện về nhà bú mẹ thời kỳ đầu rất khó khăn với cả mẹ và con. Em bé bú mẹ phải có sức mới bú được. Các bà mẹ phải xác định được việc bú mẹ là sự cố gắng của cả mẹ và con. Và làm thế nào để con bú được nhiều, có thể 1 tiếng ăn 1 lần, 1 ngày mình phải cho ăn đến 20 lần. Khi trẻ chưa quen bú thì phải vắt sữa đưa vào miệng cho trẻ nuốt và vắt sữa ra cốc, dùng thìa xúc cho con… Bằng mọi cách đưa sữa vào miệng cho con. Sau đó em bé sẽ quen dần và phản xạ bú tốt hơn.

Với những trẻ sinh non tháng, nhẹ cân, chức năng hô hấp, tuần hoàn và dinh dưỡng là những yếu tố cần đặc biệt quan tâm. Trẻ sơ sinh thiếu tháng thường chưa thích nghi được với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị bệnh, đặc biệt là bệnh về đường hô hấp. Khi chăm sóc bé hằng ngày như tắm rửa, thay quần áo, bà mẹ cần hết sức cẩn thận, chẳng hạn khi tắm cho em bé phải làm nhanh, làm thường xuyên hàng ngày. Khi tắm xong đặt đứa trẻ vào lòng mẹ để ủ ấm. Với trẻ đẻ non mùa đông thì không nên tắm hàng ngày.

Khi được 6 tháng tuổi, với trẻ bình thường thì đây là giai đoạn trẻ bắt đầu ăn dặm, còn với trẻ sinh non, nhẹ cân thì nên ăn bổ sung sẽ tính ở thời điểm tuổi thực của trẻ. Ví dụ trẻ sinh non hai tháng thì đến 8 tháng tuổi mới ăn dặm vì lúc đo sự phát triển của cơ quan tiêu hóa mới phù hợp được để tiêu hóa thức ăn. Bắt đầu cho bé ăn bổ sung, bà mẹ cần chú ý khi chế biến khẩu phần ăn cho bé đầu tiên nên lưu ý cho ăn chế độ ăn loãng, ăn ít xem trẻ có thích nghi với thức ăn đó hay không. Nên ăn 1 bữa 1 ngày, tránh ăn  2 -3 bữa 1 ngày. Cho con ăn như vậy thì theo dõi xem phân thế nào, có tiêu hóa tốt không để điều chỉnh cho phù hợp.

Bên cạnh những hướng dẫn đặc biệt đối với trẻ nhẹ cân, non tháng thì cha mẹ cũng cần lưu ý một số bệnh lý thường gặp ở những trẻ này để có thể can thiệp sớm.

Một là tình trạng thiếu máu sẽ làm trẻ phát triển yếu, bú kém, chậm tăng cân và có thể gây cơn ngưng thở. Cần cho trẻ uống thêm siro sắt khi trẻ được 1,5 tháng tuổi. Cho trẻ uống thêm siro đa sinh tố và khoáng chất cho đến khi trẻ bú được 1.000ml sữa/ngày hoặc cho đến khi trẻ ăn dặm.

Trẻ sinh non thường bị cơn ngưng thở do não còn non, do nghẽn tắc đường thở trên, ngoài ra còn có thể do trào ngược dạ dày, thực quản, thiếu máu, nhiễm trùng… Cơn ngưng thở nặng có thể làm trẻ tím tái và chậm nhịp tim. Điều trị cơn ngưng thở bằng cách kích thích cho trẻ thở, dùng thuốc (theo chỉ định của bác sĩ) trị chứng trào ngược dạ dày, thực quản và thiếu máu. Khi bú trẻ thường phải gắng sức, thở mệt và ngưng thở, nên vắt sữa mẹ ra cốc và cho uống bằng thìa.

Trào ngược dạ dày thực quản cũng là vấn đề thường gặp ở trẻ sinh non. Nó gây chậm tăng cân, viêm phổi, có những cơn ngưng thở… Nên đặt trẻ nằm đầu cao trong và sau khi bú ít nhất 1 giờ; Cho trẻ bú nhiều lần, mỗi lần một ít, dùng thuốc chống trào ngược (theo chỉ định của bác sĩ để tránh bị ngộ độc thuốc).

Bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non do mạch máu phát triển quá mức làm bong võng mạc: Thường xảy ra ở trẻ dưới 1.500g hoặc sinh non dưới 28 tuần, gây mù nếu không phát hiện đúng lúc và điều trị kịp thời. Những trẻ này cần được khám mắt lúc được 1 tháng tuổi, nếu có bệnh lý võng mạc nặng sẽ được điều trị bằng laser quang đông ngay để tránh bong võng mạc.

Chậm phát triển tâm thần hoặc bại não: Gần khoảng 85% trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 1.500g được cứu sống. 5-15% trong số này bị bại não và 25-50% bị chậm phát triển tâm thần. Trẻ bị nhũng chất trắng quanh não thất hoặc xuất huyết não thì nguy cơ càng cao. Vì vậy, khi trẻ sinh non cần được theo dõi về sự phát triển tâm thần kinh lâu dài và tập vật lý trị liệu hỗ trợ.

Trẻ sinh non, nhẹ cân vẫn có thể tăng trưởng và bắt kịp trẻ bình thường nếu được chăm sóc đúng cách. Để phòng tránh nguy cơ sinh con thiếu tháng, một điều cần lưu ý là trong quá trình chuẩn bị làm mẹ, người phụ nữ cần có sức khoẻ tốt, khi mang thai nên ăn uống đủ chất, làm việc nghỉ ngơi hợp lý, tránh lao động quá sức và khám thai định kỳ đúng lịch để phát hiện sớm những bất thường của thai kỳ.

T.H

(Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế kiểm duyệt)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!