Chế độ ăn khi mang thai của mẹ và hội chứng ADHD ở con

Chăm sóc mẹ bầu - 04/24/2024

Các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng, chế độ ăn khi mang thai của mẹ có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ sinh ra. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé!

Chế độ ăn uống lúc nào cũng có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Đặc biệt, các bà mẹ tương lai lại càng phải chú ý đến chế độ ăn của mình để đảm bảo rằng em bé trong bụng phát triển khỏe mạnh. 

Từ ngàn xưa, ông bà ta đã khuyên các mẹ bầu “Ăn một bổ hai”. Lời khuyên tưởng chừng lạc hậu này lại rất đúng đấy. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng, chế độ ăn khi mang thai của mẹ có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ sinh ra.

Vậy thật ra chế độ ăn khi mang thai của mẹ có ảnh hưởng thế nào đến khả năng mắc ADHD ở con? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé!

Chế độ ăn khi mang thai của mẹ và hội chứng ADHD ở con

Trước hết, ta cần hiểu ADHD là gì. ADHD hay còn gọi là rối loạn tăng động giảm chú ý, đây là một rối loạn đặc trưng bởi sự hấp tấp, hiếu động thái quá và giảm chú ý. Nó thường được chẩn đoán ở trẻ em nhưng các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý có thể tiếp tục đến tuổi thiếu niên và tuổi trưởng thành.

Một nghiên cứu được công bố gần đây trên Tạp chí Nhi khoa cho biết chế độ ăn của người mẹ khi mang thai có thể ảnh hưởng nguy cơ mắc các triệu chứng rối loạn thiếu tập trung (ADHD hoặc ADD) ở con sinh ra.

Nghiên cứu được thực hiện trên 600 trẻ em đến từ bốn vùng khác nhau ở Tây Ban Nha. Các nhà nghiên cứu đã phân tích các mẫu huyết tương được lấy từ dây rốn của những đứa trẻ tham gia, từ đó xác định tỷ lệ giữa axit omega-6 và omega-3. Các nhà nghiên cứu cho biết sự cân bằng giữa hai axit béo này rất quan trọng, bởi vì chúng có chức năng đối nghịch nhau. Omega-6 là một chất thúc đẩy phản ứng viêm; trong khi đó, omega-3 là một chất chống viêm. Họ tin rằng, hàm lượng axit béo omega-6 càng cao so với omega-3 thì trẻ càng có nguy cơ mắc ADHD sau này.

Các nhà nghiên cứu giải thích rằng đó là vì các axit béo đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cấu trúc và chức năng của hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là trong giai đoạn sau của thai kỳ.

Để đánh giá sự phát triển và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ADHD, các nhà nghiên cứu đã thu thập các câu trả lời từ giáo viên dạy trẻ khi trẻ 4 tuổi và từ cha mẹ khi trẻ 7 tuổi. Các nhà khoa học nhận thấy rằng, các triệu chứng ADHD tăng 13% trên mỗi đơn vị tăng thêm của tỷ lệ axit béo omega-6 và omega-3 trong huyết tương dây rốn. Những đánh giá khi trẻ 4 tuổi có khả năng xảy ra sai lầm vì sự chậm phát triển thần kinh điển hình ở độ tuổi này có thể bị nhầm lẫn thành triệu chứng ADHD và ngược lại.

Tác giả Monica Lopez-Vicente, nhà nghiên cứu tại Viện sức khỏe toàn cầu Barcelona cho biết: “Phát hiện của chúng tôi phù hợp với những nghiên cứu trước đây về mối quan hệ giữa tỷ lệ omega-6/omega-3 ở các bà mẹ mang thai và sự phát triển thần kinh sớm của trẻ”.

Cô còn cho biết thêm, mặc dù mối liên quan giữa các triệu chứng ADHD và tỷ lệ axit béo omega-6/omega-3 không có ý nghĩa lâm sàng, nhưng nó góp phần chứng minh rằng chế độ ăn uống của mẹ trong thai kỳ ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của thai nhi.

Một nghiên cứu năm 2018 trên các bà mẹ Hàn Quốc cho thấy mối quan hệ tương tự, tỷ lệ giữa axit béo omega-3 và omega-6 mà các mẹ bầu tiêu thụ trong thai kỳ có ảnh hưởng đến cân nặng và chiều cao của trẻ khi sinh.

Cộng sự của Monica, Jordi Julvez cho biết: “Việc cung cấp chất dinh dưỡng trong giai đoạn sớm nhất của cuộc đời là điều cần thiết sẽ giúp thai nhi phát triển cấu trúc và chức năng của các cơ quan. Việc này cũng có tác động đến sức khỏe của trẻ ở những giai đoạn sau của cuộc đời”.

Ông cũng giải thích: “Vì bộ não tốn rất nhiều thời gian để phát triển nên não rất dễ bị lập trình sai. Sự thay đổi của các thành phần dinh dưỡng có thể dẫn đến rối loạn phát triển thần kinh ở trẻ”.

Nghiên cứu chỉ ra rằng 2 loại omega-3 có lợi nhất cho phụ nữ mang thai là axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA). Trong số các axit béo omega-3 thì hai axit này giúp hỗ trợ chức năng nhận thức và đáp ứng miễn dịch.

Axit béo omega-3 được tìm thấy trong cá nước lạnh như cá hồi và cá ngừ. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tìm thấy omega-3 trong dầu cá. Axit béo omega-6 cũng góp phần giúp bé phát triển chức năng não, nhưng chỉ có thể có được thông qua các thực phẩm như quả óc chó, hạnh nhân và hạt bí ngô.

Chế độ ăn khi mang thai của mẹ và hội chứng ADHD ở con

Một số chuyên gia y tế khuyến cáo các mẹ bầu không nên ăn chế độ ăn chứa quá nhiều axit béo omega-6 và quá ít axit béo omega-3. Phụ nữ mang thai đặc biệt nên tiêu thụ một lượng cân bằng của cả hai.

Qua những nghiên cứu này, ta thấy rằng chế độ ăn khi mang thai của mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con, đặc biệt là khả năng mắc ADHD ở trẻ. Vì vậy, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia để có được một chế độ ăn hợp lý và an toàn trong suốt thai kỳ.

Phương Quỳnh/HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Bà bầu nên ăn vặt những gì?
  • Bà bầu có được ăn pizza không? Cùng tìm câu trả lời tại đây
  • Bà bầu trang điểm liệu có gây ảnh hưởng đến thai nhi?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!