3 tháng đầu mang thai và 7 lưu ý bắt buộc mẹ phải nhớ

Chuẩn bị mang thai - 11/24/2024

Hello Bacsi - Bài viết chia sẻ về chế độ ăn uống, thói quen tốt, các dấu hiệu nguy hiểm và một số lưu ý quan trọng cho mẹ bầu ở 3 tháng đầu mang thai.

Khoảng thời gian đầu khi mang thai chính là giai đoạn tuyệt vời nhất cho các bà mẹ vì niềm vui rộn ràng gia đình sắp có thêm thành viên mới. Tuy nhiên, kèm theo đó luôn là những nỗi lo về sự an toàn của mẹ và bé. Hôm nay bạn – các mẹ yêu tương lai – hãy cùng Hello Bacsi làm một danh sách những điều cần thiết để khởi động một thai kỳ khỏe mạnh nhé.

1. Đi khám thai

Bạn nên chuẩn bị sẵn sàng và đặt lịch hẹn với bác sĩ trong khoảng thời gian từ tuần 10 đến tuần 12. Một buổi khám thai có thể kéo dài đến 2 giờ. Trong suốt thời gian đó, các bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh tật, lối sống của bạn, sau đó hướng dẫn bạn cách ăn uống khỏe mạnh và tập luyện thể thao an toàn. Bên cạnh đó, bạn sẽ được kiểm tra huyết áp, đo chiều cao, cân nặng và tính chỉ số cơ thể BMI.

2. Uống bổ sung axit folic và vitamin D mỗi ngày

Axit folic là dưỡng chất cần thiết để bảo vệ bé yêu chống lại những vấn đề thần kinh, não và tủy sống như tật tủy sống chẻ đôi. Bạn sẽ cần sẽ cần 400 microgram axit folic bổ sung mỗi ngày (vitamin B9) và có thể mua những viên bổ sung axit folic tại các nhà thuốc trên toàn quốc.

Cũng như axit folic, bạn cần 10 microgram vitamin D mỗi ngày. Bạn có thể sử dụng những viên bổ sung vitamin. Tuy nhiên, không có cách nào hiệu quả hơn việc bạn có một chế độ ăn uống cân bằng hợp lý để hấp thụ vitamin và khoáng chất tự nhiên. Và nhớ rằng, bạn luôn phải có sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng bất kì dược phẩm nào, kể cả những viên uống bổ sung.

3. Tuân thủ chế độ dinh dưỡng cho bà bầu

Bạn nên tìm hiểu việc thai phụ nên và không nên ăn những gì. Một chế độ ăn giàu dinh dưỡng thiếu yếu sẽ giúp thai nhi phát triển. Bạn cần hạn chế nạp quá nhiều calo vào cơ thể trong 3 tháng đầu thai kỳ và tránh những thức ăn dễ nhiễm khuẩn và kí sinh trùng như phô mai, trứng sống, gan, pate, sò, ốc sống…

4. Hãy hạn chế tối đa thuốc lá, rượu, cà phê, trà, nước tăng lực và sô-cô-la

Thuốc lá là một trong những nguy cơ gây sẩy thai. Thậm chí, lượng khói thuốc bạn hít vào thụ động từ người xung quanh cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của bé, ví dụ như trẻ sinh ra bị nhẹ cân.

Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào cho biết chính xác mức độ ảnh hưởng của rượu đến thai kì. Đó là lý do các chuyên gia luôn khuyên bạn ngưng uống rượu, ít là cho tới hết 3 tháng đầu của thai kỳ vì rượu có nguy cơ gây sẩy thai cao ở giai đoạn này.

Bạn cung nên giới hạn lượng caffeine dưới 200 mg/ngày vì lượng caffeine cao hơn có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai. Các thức uống có chứa caffeine bao gồm cà phê, trà, nước tăng lực và sô-cô-la.

5. Giảm triệu chứng ốm nghén ở tam cá nguyệt thứ nhất

Hầu hết các bà mẹ đều phải đối mặt với những khó chịu trong suốt thời gian mang thai, nhất là do bị ốm nghén. Bạn có thể thử làm dịu chứng buồn nôn bằng cách ăn ít nhưng thường xuyên. Bạn cũng có thể lựa chọn những món ăn vặt lành mạnh để khiến cơ thể dễ chịu hơn như bách quy giòn, bánh mì nâu… Triệu chứng ốm nghén sẽ bớt đi khi thai được 12 – 14 tuần.

6. Cảnh giác với những dấu hiệu nguy hiểm cho thai kì

Có những triệu chứng mà bạn không thể bỏ qua như đau bụng dưới dữ dội, ra máu âm đạo dai dẳng và bất thường hoặc ra máu âm đạo ồ ạt. Với những trường hợp này, bạn phải gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức.

7. Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt

Bạn sẽ cảm thấy kiệt sức trong suốt tam cá nguyệt thứ nhất do sự thay đổi hormone trong cơ thể. Vậy nên, hãy cố gắng nghỉ ngơi bất cứ khi nào có thể, ngủ sớm và thư giãn bằng cách đọc một quyển sách hoặc nghe nhạc nhẹ trước khi lên giường.

Trên đây là 7 lưu ý thiết yếu cho một bà mẹ đang mang thai ở 3 tháng đầu tiên. Tâm lý của mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến bé sau này, vậy nên bạn hãy chăm sóc bản thân thật tốt để bé sinh ra thật khỏe mạnh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!