Tắm có thể giúp bạn thư giãn và giảm đau cơ mà không gây ra bất cứ mối nguy hiểm nào cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu đang mang thai, khi tắm phòng tắm hơi, tắm nước nóng, bạn nên lưu ý những điều sau.
Tăng thân nhiệt
Dành ra 10 phút hoặc nhiều hơn mỗi ngày trong bồn tắm nước nóng làm thân nhiệt của bạn tăng đến 38,8°C, làm tăng nhiệt độ cơ thể. Phụ nữ mang thai tiếp xúc với nhiệt độ cao trong 4 – 6 tuần đầu tiên của thai kỳ có nguy cơ sẩy thai và khả năng trẻ mắc các khuyết tật ống thần kinh cao hơn. Tắm nước nóng ở nhiệt độ cao tại bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ cũng có thể làm tăng thân nhiệt và làm giảm huyết áp, ảnh hưởng đến khả năng cung cấp oxy cho em bé và làm cho bạn cảm thấy choáng váng, và có thể khiến bạn bị ngã.
Cảm giác sắp ngất đi
Nếu bạn phải chịu nhiệt độ quá nóng, máu sẽ chảy nhiều hơn về gần làn da bạn để giúp làm mát cơ thể bằng cách đổ mồ hôi. Điều này có nghĩa là các cơ quan của bạn, chẳng hạn như bộ não sẽ có ít lượng máu lưu thông hơn. Nếu điều này xảy ra, bộ não của bạn có thể không nhận đủ lượng máu và oxy cần thiết, làm cho bạn nhanh chóng cảm thấy mệt.
Khi bạn mang thai, những thay đổi của hormone trong cơ thể bạn có thể làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi thường xuyên hơn. Vì vậy bạn nên tránh ngồi trong phòng xông hơi hoặc tắm nước nóng.
Bạn nên thật cẩn thận khi bước ra khỏi bồn tắm nước nóng hoặc đứng lên đột ngột vì điều này có thể làm cho bạn cảm thấy rất mệt và dễ bị choáng.
Nhiệt độ thích hợp cho phụ nữ mang thai
Các chuyên gia sản phụ khoa khuyến cáo rằng nếu bạn đang tập thể dục trong nước – ví dụ, tại một lớp học tiền sản – nhiệt độ của nước không được quá 32°C. Nếu bạn đang sử dụng một hồ thủy liệu (một loại hồ cạn đặc biệt nóng hơn mức bình thường), nhiệt độ của hồ không nên vượt quá 35°C. Một số bồn tắm nước nóng có thể được làm nóng tới 40°C, vì vậy tốt nhất bạn không nên tắm nước ở bồn tắm nước nóng.
Các lưu ý khác về tắm nước nóng khi mang thai
Nếu bạn muốn tắm trong bồn tắm nóng trong quá trình mang thai, bạn hãy làm theo các bước hướng dẫn sau đây:
- Giới hạn thời gian nằm trong bồn ít hơn 10 phút;
- Tránh ngồi gần cửa , nơi cung cấp nước mới được đun nóng vào;
- Ra khỏi bồn tắm nếu bạn bắt đầu đổ mồ hôi hoặc cảm thấy khó chịu;
- Không dùng bồn tắm nằm nếu bạn đã có thân nhiệt cao do sốt, tập thể dục hoặc sử dụng phòng tắm hơi trước đó.
Bạn có thể quan tâm:
Các vấn đề sức khỏe mẹ bầu thường gặp
7 bí quyết giữ gìn sức khỏe cho mẹ bầu nơi công sở
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!