Chứng xoắn tinh hoàn: Những điều cần cảnh giác

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Xoắn tinh hoàn là bệnh lý do tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn, gây đau và sưng.

Nếu kéo dài có thể dẫn đến hoại tử tinh hoàn và các mô xung quanh. Vì vậy, xoắn tinh hoàn cần được phẫu thuật cấp cứu trong vài giờ đầu. Nếu để lâu hơn, tinh hoàn bị tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hoặc phải cắt bỏ.

Khi tinh hoàn quay làm xoắn thừng tinh và giảm lưu lượng máu. Nếu tinh hoàn xoay nhiều lần, lưu lượng máu đến nó có thể bị tắc nghẽn hoàn toàn, gây hoại tử, biến chứng rất nhanh chóng. Nam giới bị xoắn tinh hoàn có đặc điểm di truyền và thường ảnh hưởng đến cả 2 tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn thường xuất hiện khi bị chấn thương bìu; hoạt động thể chất và khi ngủ.

Chứng xoắn tinh hoàn: Những điều cần cảnh giác

Tinh hoàn bị xoắn theo chiều mũi tên.

Dấu hiệu phát hiện bệnh

Bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn thường có các triệu chứng như sau: cơn đau dữ dội và đột ngột ở một bên tinh hoàn, kéo dài dưới 6 giờ; bìu sưng to; buồn nôn và nôn; đau bụng; một tinh hoàn có thể ở vị trí cao hơn bình thường; đau tinh hoàn có thể đột ngột hết đau dù chưa điều trị do tư thế của bệnh nhân khiến tinh hoàn được tháo xoắn. Cần chú ý rằng, những triệu chứng nêu trên có thể xuất hiện bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là trong hoặc sau khi bị chấn thương bìu hay hoạt động thể chất.

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh

Tuổi: thường gặp nhất ở nam giới từ 10 - 25 tuổi.
Tiền sử bị xoắn tinh hoàn: nếu bệnh nhân đã từng bị xoắn tinh hoàn nhưng các triệu chứng đã thuyên giảm không cần điều trị vẫn có khả năng mắc bệnh trở lại.
Thời tiết: xoắn tinh hoàn thường xuất hiện khi thời tiết lạnh, chẳng hạn bạn đi nghỉ mát ở vùng núi cao có nhiệt độ lạnh.

Bất thường bẩm sinh: bất thường quả lắc chuông (Bell clapper deformity) dẫn đến trục dài của tinh hoàn nằm ngang thay vì theo trục thẳng của cơ thể, khiến tinh hoàn xoay trên thừng tinh, gây tắc tĩnh mạch và tụ máu, với hệ quả là thiếu máu động mạch và hoại tử tinh hoàn.

Xoắn tinh hoàn là trường hợp khẩn cấp nên phải nhanh chóng phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Thầy thuốc kiểm tra phản xạ của bệnh nhân bằng cách chà xát hoặc véo mặt trong đùi phía bên tinh hoàn bị xoắn: bình thường tinh hoàn co lại, nếu bị xoắn tinh hoàn thì phản xạ này không xảy ra. Xét nghiệm nước tiểu, công thức máu, siêu âm Doppler màu có thể thấy tổn thương do xoắn tinh hoàn, hình ảnh cho thấy thiếu máu nuôi tinh hoàn, mào tinh và thừng tinh căng to. Chụp Scan phóng xạ (Radionuclide scans) để phát hiện lưu lượng máu đến tinh hoàn, phân biệt xoắn với các nguyên nhân khác có độ chính xác 90 - 100%.

Xoắn tinh hoàn cần phân biệt với một số bệnh khác như: viêm ruột thừa cấp; viêm mào tinh; tràn dịch màng tinh hoàn; thoát vị; vỡ, tụ máu tinh hoàn do chấn thương.

Biến chứng

Xoắn tinh hoàn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng: hoại tử tinh hoàn, mất tinh hoàn, nhiễm khuẩn, vô sinh thứ phát do mất tinh hoàn, biến dạng tinh hoàn.
Những lưu ý trong điều trị và phòng ngừa

Việc điều trị kịp thời bằng phẫu thuật có thể phòng ngừa những biến chứng nghiêm trọng như hoại tử tinh hoàn. Tháo xoắn bằng tay: một số trường hợp thầy thuốc có thể sử dụng phương pháp này. Tuy nhiên, để phòng ngừa bệnh tái phát, tốt nhất vẫn nên phẫu thuật để điều trị. Phẫu thuật tháo xoắn tinh hoàn là phẫu thuật ít phức tạp và ít xâm lấn. Phẫu thuật được thực hiện: rạch da bìu; tháo xoắn thừng tinh; khâu một hoặc cả hai tinh hoàn vào bìu để phòng ngừa sự xoay của tinh hoàn. Bạn cần chú ý rằng, xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa, bệnh nhân cần được phẫu thuật can thiệp kịp thời. Tháo xoắn tinh hoàn càng sớm thì khả năng điều trị thành công càng cao: nếu trước 6 giờ, tỷ lệ thành công là 90 - 100%; từ trên 6 giờ đến trước 12 giờ, tỷ lệ là 50%; từ trên 12 giờ đến 24 giờ, chỉ 10% là cứu được tinh hoàn, lúc này, khả năng rất cao là phải cắt bỏ tinh hoàn bị xoắn. Sau phẫu thuật vài tuần, bệnh nhân cần tránh các hoạt động gắng sức, chưa nên quan hệ tình dục; nếu xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh, cần phẫu thuật để phòng ngừa những vấn đề về sinh sản hay sản xuất nội tiết tố nam sau này.

Ở những cơ sở y tế không có chuyên khoa ngoại niệu, cần chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện có chuyên khoa này để kịp thời điều trị cho bệnh nhân.

Bác sĩ và nhân viên y tế cần hướng dẫn người nhà và bản thân bệnh nhân nhận biết sớm các triệu chứng của xoắn tinh hoàn; nắm vững các nguyên nhân khác có thể gây đau tinh hoàn như viêm tinh hoàn do biến chứng quai bị, viêm mào tinh hoàn...

Nhiều nghiên cứu cho biết, xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng gặp nhiều nhất ở nam giới từ 10 - 25 tuổi; có tới 65% trường hợp xoắn tinh hoàn xảy ra ở thanh thiếu niên từ 12 - 18 tuổi; tỷ lệ mắc bệnh đối với nam giới trước 25 tuổi là 1/4000. Nếu được chẩn đoán sớm, tỷ lệ cứu được tinh hoàn có thể đạt 100%. Phẫu thuật cố định tinh hoàn có giảm tỷ lệ tái xoắn, nhưng không loại trừ được khả năng tái xoắn tinh hoàn sau này.

ThS. Trần Tất Thắng

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!