Đái tháo đường thai kỳ: Nguy cơ trẻ chậm phát triển, béo phì

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Các dấu hiệu của bệnh là có đường trong nước tiểu, tăng cân quá nhanh, tăng huyết áp, có nhiều nước ối.

Chị Mai ở Hà Nội, có bố ruột bị tiểu đường, bản thân lại kết hôn muộn. Khi sinh lần thứ nhất chị có dấu hiệu sinh non. Tuy nhiên lúc đó chị nghĩ do nhiều tuổi, con so nên có thể đẻ sớm. Đến khi mang bầu đứa thứ hai, chị luôn có cảm giác khô miệng và muốn uống nước nhiều hơn bình thường, đặc biệt chị lúc nào cũng cảm thấy đói và lúc nào cũng thèm ăn, dù rằng vừa 'ních' một khẩu phần ăn khổng lồ. Đến khi đi khám bác sĩ, chị mới biết mình bị đái tháo đường (ĐTĐ) thai kỳ mà không biết. Nếu không được điều trị và điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt kịp thời rất có thể chị sẽ bị nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ thực sự.

Không may mắn như chị Mai, Chị Hà (Hưng Yên) bị thai chết lưu lần mang thai đầu tiên. Lần 2 khi mang thai, do không được bác sĩ tầm soát chẩn đoán tiểu đường thai kỳ. Đến khi đau bụng sinh, vào bệnh viện thì kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số đường huyết của chị rất cao, chị sinh một bé trai nặng 4,250 g nhưng... bị suy hô hấp và có nguy cơ chậm phát triển trí tuệ. Các bác sĩ điều trị cho rằng đó là do tình trạng đường huyết cao ở thai phụ đã không được phát hiện và điều trị kịp thời trong giai đoạn đầu thai kỳ.

Đái tháo đường thai kỳ: Nguy cơ trẻ chậm phát triển, béo phì

Các dấu hiệu của bệnh là có đường trong nước tiểu, tăng cân quá nhanh, tăng huyết áp (Ảnh minh họa: Internet)

Như vậy đái tháo đường thai kỳ là gì?

Đái tháo đường thai kỳ được hiểu là chất đường sau khi bà mẹ ăn vào cơ thể không được chuyển hóa vào tế bào (kháng Insulin). Vì vậy một lượng đường sẽ được giữ trong máu, tích tụ ngày càng cao hơn. Thai phụ được chẩn đoán khi chưa bao giờ bị ĐTĐ từ trước xuất hiện đường huyết cao trong thời kỳ mang thai. Điều này bao hàm cả khi thai phụ bị tăng đường huyết từ trước nhưng không phát hiện ra. Tình trạng tăng đường huyết trong thời kỳ này được gọi là ĐTĐ thai kỳ.

Các dấu hiệu của bệnh là có đường trong nước tiểu, tăng cân quá nhanh, tăng huyết áp, có nhiều nước ối hoặc thai to. Tuy các dấu hiệu này không đặc trưng và thất thường nhưng nếu có phải theo dõi đường trong máu. Thực tế có tới gần 90% sản phụ có một trong các dấu hiệu trên, do vậy tất cả các sản phụ nên đi khám để phát hiện đái tháo đường thai nghén, nhất là những người có nguy cơ bị rối loạn này.

Các sản phụ có các nguy cơ trên nhất thiết phải đi khám sản khoa càng sớm càng tốt (trước tháng thứ 3 của thai kỳ) để phát hiện xem có bị đái tháo đường trước lúc có thai hay không. Phương pháp phát hiện đơn giản nhất là đo đường trong máu khi đói.

Đái tháo đường thai kỳ gây ra biến chứng gì cho mẹ và con?

Thông thường sau khi sinh, ĐTĐ thai kỳ sẽ biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu đã từng bị ĐTĐ trong lần mang thai đầu tiên, nguy cơ tái phát sẽ cao hơn nhiều trong lần thụ thai kế tiếp. ĐTĐ thai kỳ có thể gây một số biến chứng sớm cho mẹ như biến chứng liên quan đến chuyển hóa nhiễm toan xê tôn có thể đe dọa tính mạng cho cả mẹ và thai; Hạ đường huyết do kiểm soát đường huyết quá chặt hoặc nôn kéo dài trong phần đầu thai kỳ, hạ đường huyết nặng ở mẹ dẫn đến quái thai, sinh con nhẹ cân; Ngoài ra so với thai phụ có đường huyết bình thường, thai phụ ĐTĐ có tỷ lệ đa ối cao gấp 30%; Tỷ lệ sảy thai tự nhiên trên thai phụ mắc ĐTĐ khoảng từ 6-29%; Tỷ lệ đẻ non cao gấp 3 lần; Bệnh võng mạc do ĐTĐ có thể tăng lên trong thời kỳ mang thai; Bệnh viêm thận - viêm bể thận gặp 2,2-4,9% bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ và được coi là dấu hiệu tiên lượng xấu di làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong chu sinh của thai. ĐTĐ thai kỳ cũng gây ra nguy cơ biến chứng cho thai như chết chu sinh; thai to; Hạ đường huyết sơ sinh; Suy hô hấp sơ sinh; Hạ can xi máu sơ sinh…

ĐTĐ thai kỳ về lâu dài, mẹ có thể phát triển thành ĐTĐ tuýp 2, nguy cơ các bệnh tim mạch. Đối với trẻ sơ sinh, ĐTĐ có thể gây nguy cơ tăng béo phì, dễ bị ĐTĐ típ 2 khi trưởng thành và ĐTĐ thai kỳ với trẻ gái, chậm phát triển trí tuệ…

Đái tháo đường thai kỳ: Nguy cơ trẻ chậm phát triển, béo phì

Nếu bạn bị ĐTĐ, thời gian để kiểm soát đường huyết là trước khi mang thai (Ảnh minh họa: Internet)

Một số điểm cần ghi nhớ cho các thai phụ đái tháo đường

Tuy rất nguy hiểm nhưng các biến chứng nguy hiểm của bệnh có thể giảm hoặc không xuất hiện nếu thai phụ được quản lý tốt. Nếu bạn bị ĐTĐ thai kỳ, bạn sẽ được tư vấn và điều trị bằng chế độ ăn thích hợp, vừa cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai nhi và hoạt động của mẹ, tránh được biến chứng toan hóa do thiếu dinh dưỡng, vừa tránh đường huyết lên quá cao. Liệu pháp dinh dưỡng cùng với sự thay đổi lối sống có thể kiểm soát tới 80-90% các trường hợp ĐTĐ thai kỳ nhẹ. Nên ăn nhiều bữa nhỏ để tránh nguy cơ tăng đường huyết sau ăn và tăng tạo thể ceton khi đói. Tránh ăn đường, nhất là đường đơn thực phẩm chế biến cao cấp, sữa động vật, nước hoa quả và hầu hết các loại hoa quả ngọt. Càng về sau thai kỳ, dung nạp glucose càng kém, bạn có thể cần phải điều trị bằng tiêm insulin. Ngoài chế độ ăn, bạn cần có chế độ luyện tập phù hợp và đều đặn vì nó sẽ giúp tốt đường huyết do insulin hoạt động tốt hơn. Các bài tập luyện có lợi như đi bộ, bơi, thể dục nhịp điệu nhẹ nhàng… Song song với điều trị ổn định đường huyết, tình trạng phát triển của thai nhi cần được theo dõi sát sao qua siêu âm định kỳ hay các xét nghiệm đánh giá sức khỏe thai, đặc biệt trong những tuần cuối.

Nhớ là, nếu bạn bị ĐTĐ, thời gian để kiểm soát đường huyết là trước khi mang thai. Huyết áp cao có thể ảnh hưởng đến em bé trong những tuần đầu của thai kỳ, thậm chỉ cả trước khi biết bạn mang thai. Giữ mức đường huyết càng gần mức bình thường càng tốt hoặc trước trong thời gian mang thai là điều quan trọng nhất. Trước khi mang thai, bạn có thể lên kế hoạch và chuẩn bị để cho cả mẹ và bé đều khỏe mạnh. Nếu bạn bị ĐTĐ và đã có thai, bạn có thể đảm bảo là bạn làm tất cả những gì có thể chăm sóc bản thân và bệnh ĐTĐ của bạn trong suốt thai kỳ. Thăm khám với chuyên gia về bệnh ĐTĐ và bác sỹ sản khoa sẽ giúp bạn được chăm sóc tốt; Trong suốt thai kỳ, thuốc dùng an toàn nhất là insulin. Bác sỹ sẽ giúp bạn tối ưu hóa trong việc dùng insulin hàng ngày. Các loại xét nghiệm sẽ được thực hiện trong suốt thai kỳ để kiểm tra sức khỏe em bé. Bạn có thể cho bé khỏe mạnh nếu cho bé bú mẹ. Và luôn luôn nhớ: Mẹ ĐTĐ mang thai, hai sự sống hai sự khác biệt, cơ hội để phòng ngừa tiên phát là phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

TT

(Nội dung do Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế kiểm duyệt)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!