Bạn có thích mì ăn liền không? Hầu như tất cả mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người lớn đều đã từng thưởng thức mì ăn liền. Đặc biệt, sinh viên Việt Nam là “tín đồ” của mì ăn liền vì sự tiện lợi và giá cả phải chăng của nó. Những người quá bận rộn hay không có thời gian chuẩn bị bữa ăn chính sau giờ làm việc cũng thường dùng mì ăn liền.
Tìm hiểu chung về mì ăn liền
Thật đáng tiếc, loại thực phẩm này tuy tiện dụng nhưng lại có quá ít giá trị dinh dưỡng, hơn nữa lại nhiều chất béo, calo, muối, phẩm màu, chất bảo quản, phụ gia và hương liệu. Song, chẳng thể phủ nhận hương vị tuyệt vời của nước súp món mì từ bột ngọt, rau khô, ớt bột và những gói gia vị nên có thể làm chúng ta nghiện. Nếu bạn nghiện ăn mì, bạn sẽ đưa vào cơ thể những chất phụ gia có hại cho sức khỏe. Vì vậy, nhiều chuyên gia khuyên không nên sử dụng mì ăn liền một cách thường xuyên vì có khả năng làm tăng nguy cơ của hội chứng chuyển hóa, gây ra tiểu đường, cao huyết áp, và bệnh tim mạch…
Bạn thích ăn mì ăn liền, nhưng lại ghét có quá nhiều muối và chất béo bão hòa trong loại thực phẩm này? Làm cách nào để thưởng thức mì ăn liền một cách tốt cho sức khỏe? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé.
Hãy thưởng thức mì ăn liền theo cách truyền thống
Bạn đã từng ăn mì ăn liền sống, chỉ thêm gia vị mà không làm chín trong nước sôi? Cách ăn như vậy rất có hại cho sức khỏe bởi vì trước khi được đóng gói, mì sẽ được chiên qua dầu có lượng chất béo bão hòa lớn. Lượng chất này sẽ gây hại cho sức khỏe nếu bạn trực tiếp ăn mì mà không chế biến. Cách an toàn nhất để thưởng thức mì ăn liền là nấu theo kiểu truyền thống: thêm nước nóng vào cốc (hoặc nấu chín trên bếp) và chờ trong vài phút, cho gói gia vị và thưởng thức.
Dùng mì ăn liền với ít bột ngọt
Bột ngọt có trong gói gia vị là nguyên nhân lớn nhất làm cho mì ăn liền không tốt cho sức khỏe. Có lẽ mùi vị của mì ăn liền sẽ không ngon bằng khi bạn cho hết gói gia vị vào mì. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu bạn giảm lượng bột ngọt bằng cách chỉ thêm nửa gói gia vị. Để tăng thêm độ ngon, ngoài nửa gói gia vị đã thêm bạn có thể thêm các gia vị khác sao cho vừa miệng.
Cân bằng dinh dưỡng có trong mì ăn liền
Một số người Việt Nam thường hay ăn mì ăn liền cùng với cơm. Tuy nhiên, cách này cũng không được khuyến khích bởi vì mì ăn liền chứa một lượng lớn tinh bột nên càng làm cho bạn dễ tăng cân. Thay vì như vậy, bạn chỉ nên thêm các loại rau, đậu và trứng vào món mì để cân bằng dinh dưỡng.
Dưới đây là một cách nấu mì khác để hạn chế các chất độc hại có trong mì, đồng thời còn có thể bảo quản món ăn trong vài ngày:
- Chuẩn bị các loại rau củ yêu thích của bạn như cà rốt, rau cải và các loại rau sống khác, thịt nếu thích;
- Lấy một cái bát hoặc nồi nhỏ, xếp rau củ và gia vị ở dưới;
- Đặt mì lên phía trên các loại củ và thêm thịt nếu bạn muốn tô mì của mình dinh dưỡng hơn;
- Bỏ rau sống vào túi có khóa để rau được tươi ngon;
- Cuối cùng, đậy bát lại và cất trong tủ lanh. Nó có thể để được trong vòng 1 tuần, nhưng tốt hơn là bạn nên ăn trong vòng 4 ngày. Bạn có thể dùng ngay nếu muốn.
Khi bạn đói bụng, chỉ cần lấy nó ra từ tủ lạnh. Sau đó mở gói rau và đổ nước nóng vào trong bát. Hãy chờ trong vài phút, trộn đều gia vị và bạn sẽ có ngay một bát mì thơm ngon. Bạn cũng có thể thêm hành phi, đậu hũ chiên và bánh phồng tôm để cho bát mì ăn liền của mình trông thật hấp dẫn.
Đừng nên dự trữ quá nhiều mì. Hầu hết các bạn sinh viên có thói quen thay thế thực phẩm tươi bằng thực phẩm ăn liền. Nhiều bạn thức rất khuya và mì gói là sản phẩm “cứu đói” thật tiện lợi. Thế nhưng, chúng ta nên nhớ rằng ăn quá nhiều mì sẽ không tốt cho sức khỏe. Bạn nên ăn mì ăn liền một đến hai lần một tuần hoặc một lần một tháng. Việc tiêu thụ quá nhiều có thể làm bạn khó tiêu đấy!
Bạn có thể tham khảo các bài viết sau:
- Thực phẩm nào tốt cho giấc ngủ của bạn?
- Giảm cân đơn giản với sushi
- 5 công thức món ăn vặt dễ làm mà lại tốt cho sức khỏe
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!