Thạc sĩ, bác sĩ CK2 Nguyễn Văn Hải, chuyên ngành Thính học, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết thói quen ăn nhanh, nhai ẩu của người Việt hiện nay rất đáng lo ngại, đặc biệt là các bạn trẻ và cả trẻ em.
Điều đó không đơn thuần là việc đưa thức ăn vào cơ thể. Việc ăn đúng không những đem lại cho người ăn cảm giác ngon miệng, thức ăn dễ tiêu hóa mà còn tránh được những hệ luỵ như nuốt sặc, nuốt nghẹn, mắc xương, hội chứng trào ngược, nuốt hơi, no hơi. Việc kiểm soát tốt trong từng bữa ăn còn giúp giảm hay tăng cân hiệu quả.
Con đường thức ăn đi vào cơ thể. Ảnh: BSCC.
Về mặt sinh lý, miệng và thực quản là đoạn đầu của đường tiêu hóa, có nhiệm vụ tiếp nhận thức ăn từ ngoài vào, nghiền xé thức ăn thành từng mảnh nhỏ, sau đó đưa thức ăn thành từng đợt xuống đến đoạn cuối thực quản, sát tâm vị. Nhai là động tác bắt buộc cùng với nước bọt để nghiền nhỏ, nhào trộn thức ăn, giúp thức ăn dễ tiêu hóa và không rơi vào đường thở, gây sặc.
Quá trình nhai giúp tiết ra chất men Amlase, làm chín một phần tinh bột ngay từ miệng. Nếu nhai chậm, chính trong quá trình nhai, cơ thể đã hấp thụ ngay một số chất dinh dưỡng. Nhưng nếu ăn quá nhanh, ngoài việc không hấp thụ được dinh dưỡng trong thức ăn, không ngon miệng còn gây ra nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe.
Khi đó, não bộ chưa bắt kịp được tín hiệu từ dạ dày, dạ dày không kịp tiết ra dịch vị và điều khiển sự co bóp sẽ khiến người ăn cảm giác đau nhẹ, tức vùng thượng vị, chướng bụng khó tiêu. Lâu ngày, chúng sẽ gây nên viêm loét dạ dày tá tràng (do luôn phải làm việc quá tải).
“Thức ăn qua khỏi dạ dày chưa trở thành nhũ chấp, khi qua ruột non khó biến thành dưỡng chất để cơ thể hấp thu. Một phần thức ăn được đẩy ra ngoài (phân sống) và dễ bị lên men thối rữa vì các vi khuẩn có hại, từ đó gây tiêu chảy và lâu dần gây ra viêm đại tràng mạn tính”, thạc sĩ Hải phân tích thêm.
Ngoài ra, ăn nhanh còn làm giảm tiết các hormone có nhiệm vụ thông báo lên não khi dạ dày đã đầy, nên người ăn mất cảm giác no và ăn nhiều hơn mức bình thường.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!