Hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp để giúp đỡ những người kém may mắn, song bạn nên tìm hiểu kỹ điều kiện hiến máu để đảm bảo sức khỏe của chính mình.
Khi hiến máu tức là bạn đang giúp đỡ nhiều người đang nguy hiểm đến tính mạng ngàn cân treo sợi tóc. Họ có thể là bệnh nhân mất quá nhiều máu trong khi phẫu thuật, những người bệnh ung thư hay người mắc các bệnh về máu như hồng cầu hình liềm, phụ nữ bị biến chứng khi mang thai hay sinh con…
Bạn có thể muốn hiến máu vì một nguyên nhân đặc biệt nào đó hay đơn giản chỉ là mong muốn giúp đỡ mọi người. Vì vậy, bạn nên chú ý những điều kiện cần biết trước và sau khi hiến máu để mọi việc diễn ra tốt đẹp.
Điều kiện để bạn tham gia hiến máu
Bạn cần xem xét những điều kiện cần thiết để đảm bảo an toàn cho bạn và những người mà bạn muốn giúp đỡ như:
- Độ tuổi từ 18 đến 60
- Có trạng thái tinh thần và sức khỏe tốt
- Cân nặng ít nhất là 42 kg (nữ) và 45 kg (nam)
- Lần hiến máu gần nhất cách 12 tuần trở lên
- Không nhiễm hay có nguy cơ nhiễm HIV
- Không bị viêm gan B và virus lây qua đường máu
- Không bị bệnh tim mạch, huyết áp, hô hấp và dạ dày
Chuẩn bị trước khi hiến máu
Bạn nên liên hệ với ngân hàng máu hay một điểm hiến máu nhân đạo được tổ chức ở nơi bạn sống. Bạn sẽ cần các thông tin và điều kiện mà nơi hiến máu yêu cầu, thông báo cho họ các vấn đề về sức khỏe mà bạn lo ngại. Chẳng hạn như bạn đã du lịch nước ngoài trong thời gian gần đây hay bạn thắc mắc liệu rằng trong kỳ kinh nguyệt bạn có thể hiến máu không.
Trước khi hiến máu, bạn cần lưu ý một số điều đơn giản như duy trì lối sống lành mạnh như tránh thức khuya hay uống rượu bia và chế độ ăn uống cần đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Sau đây là một số điều bạn cần ghi nhớ:
• Duy trì hàm lượng chất sắt cần thiết cho cơ thể bằng cách nạp nhiều thực phẩm giàu chất sắt như thịt đỏ, cá, thịt gia cầm, các loại hạt, rau cải bó xôi, ngũ cốc, nho khô…
• Ngủ đủ giấc và không thức khuya
• Hãy uống khoảng 500ml nước hoặc các loại thức uống không có chứa cồn khác
• Nếu bạn hiến tiểu cầu trong máu, hãy nhớ không nên dùng aspirin trong vòng hai ngày trước khi hiến máu.
• Nếu gặp phải một số vấn đề về sức khỏe sau thì bạn không nên hiến máu: cảm lạnh hoặc cảm cúm, dạ dày khó chịu trong tuần trước khi hiến máu, mới nhổ răng.
Bạn nên ăn một bữa đầy dinh dưỡng trước khi đi. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý tránh nạp những thức ăn đầy chất béo như thức ăn nhanh, đồ chiên và kem… bởi hàm lượng chất béo trong cơ thể bạn quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến quy trình xét nghiệm máu, không thể phát hiện ra các bệnh truyền nhiễm và máu của bạn sẽ không được dùng để truyền cho người khác.
Điều kiện cần có khi đi hiến máu
Vào ngày bạn đi hiến máu, bạn nên uống nhiều nước, mặc đồ thoải mái với áo ngắn tay hoặc tay dài nhưng dễ dàng xắn lên trên khuỷu tay. Bạn cũng nên ghi chú lại các loại thuốc bạn đang uống để điền vào phiếu thông tin tại nơi hiến máu.
Các bước hiến máu bạn sẽ trải qua bao gồm: đăng ký, khai thác tiền sử bản thân và thăm khám, hiến máu, nghỉ ngơi. Tuy thời gian cần lấy máu chỉ khoảng 8–10 phút nhưng cả quá trình hiến máu có thể mất một tiếng đồng hồ:
1. Đăng ký: Khi đến nơi hiến máu, bạn cần cung cấp thông tin đầy đủ vào phiếu đăng ký gồm họ tên, địa chỉ, số điện thoại.
2. Tiền sử bản thân và thăm khám: Trước khi hiến máu, bác sĩ sẽ hỏi bạn về tình trạng sức khỏe và một số thói quen sống của bạn. Bạn sẽ được khám căn bản về mạch, huyết áp và đo nhiệt độ. Họ có thể lấy một ít máu đầu ngón tay bạn để kiểm tra lượng sắt trong máu, đảm bảo an toàn để bạn có thể hiến máu.
3. Hiến máu: Bạn sẽ được đưa vào khu chuyên biệt để lấy máu. Bạn sẽ được ngồi vào ghế dựa hay nằm xuống để kỹ thuật viên tiến hành lấy máu. Họ sẽ dùng kim tiệt trùng, lấy máu tĩnh mạch và bạn có thể cần hiến khoảng một đơn vị máu (350mL). Quá trình này mất khoảng 10 phút. Khi hoàn thành, bạn cần nâng cánh tay lên và nhấn vào nơi kim đâm để giúp cầm máu. Kỹ thuật viên sẽ dùng băng cá nhân dán lên nơi lấy máu của bạn.
4. Nghỉ ngơi: Sau khi lấy máu, bạn sẽ được uống nước và ăn nhẹ để giúp cơ thể trở về bình thường sau khi đã mất nhiều nước. Bạn sẽ cần ngồi lại và thư giãn ít nhất là 10 phút trước khi cơ thể bạn khỏe lại và đủ năng lượng để rời khỏi.
Do đó, nếu cảm thấy mình không có đủ thời gian để hoàn thành tốt quy trình hiến máu thì bạn có thể dời lại dịp khác nhé.
Điều kiện cần làm sau khi hiến máu
Sau khi hiến máu, bạn cần có thời gian nghỉ ngơi và tránh làm việc nặng trong ngày. Nếu xuất hiện các triệu chứng như choáng váng, buồn nôn, đau đầu, bạn có thể liên hệ với bác sĩ tại nơi hiến máu để được thăm khám và chăm sóc kỹ lưỡng hơn. Cụ thể những việc mà bạn nên làm như dưới đây.
• Bạn hãy uống khoảng 4 ly nước và tránh các thức uống có cồn trong suốt 24 giờ sau hiến máu.
• Bạn nên giữ chặt miếng bông dán lên vết tiêm trong khoảng 5 phút để cầm máu và giữ miếng miếng băng cá nhân tại vị trí lấy máu đó trong vài giờ sau đó.
• Để tránh viêm nhiễm da tại vùng lấy máu, bạn nên vệ sinh vùng da xung quanh băng cá nhân bằng xà phòng và nước sạch.
• Bạn cũng nên hạn chế tuyệt đối các hoạt động bưng bê nặng hay các bài tập với cường độ cao trong ngày.
• Nếu vị trí vết tiêm bắt đầu chảy máu, để máu ngưng chảy, bạn nên gập tay lại sao cho bàn tay chạm vai trong khoảng 5−10 phút hoặc cho tới khi máu ngưng chảy.
• Nếu bạn cảm thấy chóng mặt hoặc đau đầu nhẹ thì hãy ngưng hoạt động, ngồi im hoặc nằm xuống cho tới khi bạn cảm thấy khỏe hơn.
• Ngoài ra, bạn nhớ tránh tiếp xúc với nhiệt độ quá cao như tắm nước nóng, ngồi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời và uống nước nóng trong vòng 6 giờ sau đó.
Hiến máu là một hành động nhân đạo mà chúng ta đều nên làm. Không chỉ đem lại nguồn sống cho người nhận mà hiến máu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bạn nữa. Tuy nhiên, bạn cũng nên tìm hiểu kỹ về điều kiện khi hiến máu để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người bạn sẽ giúp đỡ nhé.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Hiến máu có tốt cho sức khỏe của bạn không?
- Hiểu đúng về cơ chế tái tạo máu và nguyên tắc truyền máu
- Những thực phẩm cần tránh khi bị bệnh thiếu máu
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!