Áp xe phổi có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, những người trên 60 tuổi có nguy cơ bị áp xe phổi cao hơn. Đây là một bệnh cấp tính do các ổ mủ trong tổ chức phổi gây ra. Bệnh diễn biến phức tạp, rầm rộ, nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ đưa đến nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Bệnh áp xe phổi là bệnh gì?
Áp xe phổilà bệnh nhiễm trùng phổi. Bệnh gây ra tình trạng sưng mủ, hoại tử mô phổi và hình thành của các khoang chứa các mảnh vụn hoại tử hoặc dịch do bị nhiễm vi sinh vật. Sự hình thành của nhiều áp xe có thể dẫn đến viêm phổi hoặc hoại tử phổi.
Triệu chứng áp xe phổi thường gặp
Các triệu chứng của bệnháp xe phổi thường phát triển trong vòng vài tuần đến vài tháng bao gồm: sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi, ho có mùi hôi và nước bọt có vị khó chịu. Bệnh nhân thường mệt mỏi, yếu ớt, chán ăn và sút cân. Thỉnh thoảng có thể xảy ra nước bọt có lẫn máu và đau ngực trở nên nặng hơn do ho hoặc hít thở sâu. Bệnh nhân có thể có nhịp tim nhanh, thở gấp, thở khò khè và tràn dịch màng phổi.
Dấu hiệu áp xe phổi thường biểu hiện qua các giai đoạn như
Giai đoạn ổ mủ kín: Ho, sốt cao từ 39-40°C, đau ngực và có thể khó thở.
Giai đoạn ộc mủ: Khoảng 6-15 ngày bệnh có thể tăng nặng đột ngột kèm triệu chứng ho và đau dữ dội, ộc ra nhiều mủ, mủ đặc quánh (hoặc nhày) màu vàng, vã mồ hôi và mệt lả.
Ở giai đoạn ộc mủ, các bác sỹ có thể dựa vào màu của mủ để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh như: Mủ màu xanh do liên cầu, mủ màu vàng thường do tụ cầu, mủ màu sô cô la do amip và mủ thối do vi khuẩn kỵ khí,... gây nên. Việc điều trị bệnh giai đoạn này cần nhanh, kịp thời để tránh mủ tràn vào đường hô hấp gây gạt thở cho người bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân chung dẫn tới tình trạng áp xe là do nhiễm khuẩn, vi khuẩn tấn công mô tế bào gây tổn thương và hình thành túi mủ. Tương tự, nguyên nhân gây áp xe phổi chủ yếu là do nhiễm khuẩn đường hô hấp, một căn bệnh cực kỳ dễ gặp ở mọi lứa tuổi. Dưới đây là những tác nhân gây bệnh:
Do viêm nhiễm gây hoại tử
Những nhóm vi khuẩn thường gặp như vi khuẩn tụ cầu vàng gây mủ, liên khuẩn cầu, vi khuẩn Mycobacteria (tác nhân gây bệnh lao) hay do kí sinh trùng như sán lá phổi, trùng amip cũng là một trong những tác nhân chính gây áp xe phổi.
Do nhồi máu ở phổi
Tình trạng áp xe phổi cũng có thể bắt nguồn từ việc viêm tắc mạch máu, gây viêm nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Trong trường hợp chủ quan, không phát hiện dấu hiệu viêm nhiễm kịp thời, vi khuẩn sẽ hình thành và tạo ổ trong nang phổi, hình thành mủ (hay còn gọi là áp xe phổi).
Những nguyên nhân khác
Ngoài ra những nguyên nhân khác như phổi bị tổn thương (do lao động, tai nạn) nhưng người bệnh chủ quan, mô tế bào bị tổn thương không được phục hồi gây hoại tử, tạo mủ. Hoặc cũng có thể do các bệnh phổi mãn tính như giãn phế quản, nhiễm khuẩn phổi cũng dễ gây nên tình trạng áp xe phổi.
Độ tuổi mắc áp xe phổi
Áp xe phổi là bệnh lý có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, những người trên 60 tuổi có nguy cơ bị áp xe phổi cao hơn. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh áp xe phổi bao gồm:
Nghiện rượu.
Lạm dụng thuốc.
Mắc các bệnh lý khác như: đột quỵ, động kinh, các bệnh về răng miệng, khí thũng, ung thư phổi và rối loạn thực quản.
Phương pháp điều trị bệnh áp xe phổi
Nguyên tắc điều trị
Khi chẩn đoán làáp xe phổi, cần điều trị nội khoa kịp thời, tích cực, kiên trì và dựa vào nguyên nhân gây bệnh để điều trị. Nếu có kết quả của kháng sinh đồ, nên lựa chọn kháng sinh hợp lý để có kết quả cao hơn. Nếu điều trị nội khoa ít hoặc không có kết quả, cần hội chẩn ngoại khoa sớm để phẫu thuật kịp thời hạn chế biến chứng.
Các cách điều trị áp xe phổi
Ngoài dựa trên triệu chứng lâm sàng của bệnh, các bác sỹ chuyên khoa Tai- Mũi – Họng còn căn cứ vào hình ảnh chụp X- Quang, xét nghiệm công thức máu để chẩn đoán mức độ bệnh chính xác từ đó có cách điều trị hiệu quả. Thường áp xe phổi được chữa trị bằng nội khoa và ngoại khoa.
Điều trị bệnh nội khoa chủ yếu dùng kết hợp 2 loại thuốc kháng sinh trở lên, liều cao ngay từ đầu. Thời gian điều trị bằng thuốc ít nhất 4 tuần.
Sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt, bổ sung vitamin B,C để nâng cao thể trạng cho người bệnh.
Dẫn lưu ổ áp xe, vỗ rung lồng ngực, dẫn lưu tư thế bằng cách dựa vào phim chụp X-Quang. Có thể dùng soi phế quản ống mềm để hút mủ ở phế quản dẫn lưu ổ áp xe, chọc dẫn lưu mủ qua da.
Bên cạnh đó, có thể sử dụng biện pháp phẫu thuật cắt phân thùy phổi hoặc cả một bên phổi thùy.
Phòng ngừa bệnh áp xe phổi như thế nào hiệu quả
Theo các bác sỹ chuyên khoa thì áp xe phổi là căn bệnh rất nặng và có nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sinh mạng của người mắc phải. Do đó, việc phòng bệnh cần thực hiện một cách nghiêm túc và thường xuyên bằng cách sau:
Luôn luôn giữ gìn vệ sinh răng, miệng, mũi và họng sạch sẽ hòng tránh viêm nhiễm từ trên lan xuống phổi gây áp xe.
Giữ ấm cơ thể vào mùa đông nhất là vùng cổ và ngực.
Phòng ngừa các dị vật rơi vào đường thở.
Tập thể dục thường xuyên.
Bổ sung các loại hoa quả, trái cây và thực phẩm dinh dưỡng chứa nhiều vitamin C và nhóm B để nâng cao sức đề kháng cơ thể ngăn ngừa bệnh áp xe phổi.
Khi có dấu hiệu ho, đau ngực, sốt cao cần phải tới gặp bác sỹ chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán bệnh từ đó có hướng điều trị sớm, kịp thời.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!