Hạt giống tâm hồn: Món nợ vĩnh cửu

Tâm lý - 05/03/2024

Hãy dành tình yêu và sự chăm sóc cho những người bạn yêu thương mỗi ngày trong cuộc đời. Bạn có thể nghĩ rằng những gì bạn làm chỉ là một hành động nhỏ, nhưng với ai đó, nó có thể có ý nghĩa rất nhiều (Hạt giống tâm hồn: Món nợ vĩnh cửu).

Tôi được sinh ra trong một ngôi làng tách biệt trên núi. Ngày qua ngày, cha mẹ tôi cày xới mảnh đất khô cằn, luôn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.

Một ngày, tôi muốn mua một cái khăn tay, thứ mà hầu hết những đứa con gái xung quanh tôi đều có. Thế là tôi trộm 50 cent trong ngăn kéo của cha tôi. Cha đã ngay lập tức phát hiện về số tiền bị mất.

“Ai đã trộm tiền của cha?”, cha hỏi em trai và tôi. Tôi đứng ngây ra, quá sợ hãi nên không nói nên lời. Không có ai nhận lỗi cả nên cha nói: “Được thôi, nếu không ai nhận lỗi thì cả hai đều sẽ bị phạt!”. Bỗng nhiên, em trai của tôi nắm lấy tay cha rồi nói: “Cha ơi, con là người đã trộm tiền đấy!”. Em ấy đã chịu lỗi, chịu phạt thay tôi.

Giữa đêm, tôi bất ngờ khóc rất lớn. Em trai lấy tay che miệng tôi lại rồi nói: “Chị à, đừng khóc nữa. Mọi thứ đã qua rồi”. Tôi sẽ không bao giờ quên biểu cảm của em trai tôi khi em ấy bảo vệ tôi. Lúc đấy, em ấy chỉ vừa 8 tuổi còn tôi thì 11 tuổi. Tôi vẫn còn ghét bản thân vì không đủ dũng cảm để nhận lỗi.

Nhiều năm trôi qua, nhưng sự việc ấy cứ như vừa xảy ra hôm qua.
Khi em trai tôi học xong năm cuối trung học, thì em được nhận vào một trường cao trung ở trung tâm thị trấn. Cùng lúc đấy, tôi được nhận vào một trường đại học trên tỉnh. Tối hôm đó, cha ngồi xổm sau vườn, hút hết điếu thuốc này đến điếu khác. Tôi nghe được ông hỏi mẹ tôi: “Hai đứa nhà ta đều có kết quả học tập tốt? Rất tốt?”. Mẹ tôi lau nước mắt rồi thở dài: “Thì sao chứ? Làm sao chúng ta có thể trả học phí cho cả hai đây?”.

Đúng lúc đó, em tôi đi ra, đứng trước mặt cha rồi nói: “Cha à, con không muốn tiếp tục học nữa, con học thế là đủ rồi”. Cha trở nên tức giận: “Sao con lại yếu đuối thế? Thậm chí nếu cha phải quỳ xuống ăn xin ngoài đường thì các con phải tiếp tục học cho đến khi các con hoàn tất nó!”. Sau đó, cha gõ cửa từng nhà trong làng để mượn tiền.

Tôi đưa tay ra, nhẹ nhàng hết mức có thể ôm lấy mặt em trai tôi và nói: “Một người con trai phải tiếp tục học, nếu không, em sẽ không thể vượt qua sự nghèo khổ mà chúng ta đang trải qua”. Tôi quyết định ngưng học đại học.

Không ai biết được chuyện cho đến hôm sau, trước binh minh, em trai tôi rời khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ cùng một ít đậu khô. Em ấy lén đi đến cạnh giường tôi rồi để lại một bức thư ngắn trên gối: “Chị à, đậu đại học không hề dễ, em sẽ kiếm việc rồi gửi tiền về cho chị”. Tôi ngồi trên giường đọc thư rồi khóc cho đến khi mất giọng.

Với số tiền mà cha mượn của cả làng, và số tiền mà em tôi nhận được từ việc bưng xi măng ở một công trường xây dựng, cuối cùng, tôi cũng đã lên được năm ba đại học. Lúc ấy, em tôi 17 tuổi còn tôi thì 20 tuổi.

Một ngày nọ, khi tôi đang học trong phòng, bạn cùng phòng của tôi đi vào rồi nói: “Có một người nông dân đang đợi cậu ở ngoài đấy!”. Tại sao lại có một nông dân tìm tôi? Tôi đi ra ngoài thì thấy em trai tôi đằng xa. Cả người em ấy bị bao phủ bởi bụi, đất, xi măng và cát. Tôi hỏi em ấy: “Tại sao em lại không nói với bạn cùng phòng của chị rằng em là em trai chị?”.

Em đáp lại bằng một nụ cười: “Nhìn em đi. Họ sẽ nghĩ gì nếu họ biết em là em trai chị? Không phải họ sẽ cười vào mặt chị sao?”. Tôi cảm thấy vô cùng xúc động và nước mắt tự trào ra. Tôi phủi đất trên người em xuống, rồi nói với em với giọng nghẹn ngào: “Chị không quan tâm người ta sẽ nói gì đâu! Em vẫn luôn là em trai chị dù em có trông thế nào đi chăng nữa”.

Từ túi em, em lấy ra một chiếc kẹp tóc hình bướm. Em ấy đeo lên tóc cho tôi rồi nói: “Em thấy tất cả những bạn gái đều đeo chiếc kẹp này, em nghĩ chị cũng nên có một chiếc”. Tôi không thể kìm chế bản thân nữa, tôi ôm lấy em ấy rồi khóc. Năm đó, em trai tôi 20 tuổi còn tôi thì 23 tuổi.

Sau khi cưới, tôi sống trong thành phố. Chồng tôi đã mời cha mẹ đến sống cùng rất nhiều lần, nhưng họ lại không muốn. Họ bảo một khi rời khỏi làng thì họ sẽ chẳng có gì để làm. Em trai tôi đồng ý với bố mẹ. Em nói: “Chị à, hãy chăm sóc cha mẹ bên chồng chị, em sẽ chăm lo cho cha và mẹ”.

Chồng tôi trở thành giám đốc trong nhà máy anh ấy đang làm việc. Chúng tôi đã yêu cầu em trai tôi trở thành quản lý trong bộ phận bảo trì, nhưng em ấy lại không đồng ý. Em khăng khăng quyết định làm thợ sửa chữa để bắt đầu công việc.

Một ngày, em trai tôi đang sửa cáp thì bỗng em ấy bị điện giật rồi phải nhập viện. Vợ chồng chúng tôi đến thăm em. Nhìn vào miếng bột bằng thạch cao bó trên chân em, tôi càu nhàu: “Tại sao em lại phản đối việc trở thành một người quản lý? Những người quản lý sẽ không làm những việc nguy hiểm như thế. Giờ nhìn em mà xem, em đang bị thương nặng. Tại sao em lại không chịu nghe chị?”.

Với một vẻ mặt nghiêm túc, em trai tôi bảo vệ quyết định của mình: “Nghĩ về chồng chị đi, anh ấy vừa lên làm giám đốc đấy. Nếu em – một người vô học trở thành quản lý, thì những tin đồn nào sẽ xuất hiện?”. Mắt chồng tôi đầy lệ, rồi tôi nói: “Nhưng em như thế này là tại chị!”.

“Tại sao chị lại nói về quá khứ?”, em nói rồi cầm lấy tay tôi. Năm đó, em ấy 26 tuổi còn tôi thì 29 tuổi. Rồi năm em 30 tuổi là lúc em cưới một cô gái trong làng. Trong lễ cưới, người chủ hôn hỏi em: “Ai là người mà cậu kính trọng và yêu nhiều nhất?”.

Chẳng cần suy nghĩ nhiều, em ấy trả lời: “Chị gái tôi”.

Em ấy tiếp tục bằng cách kể một câu chuyện mà tôi thậm chí không thể nhớ được. “Khi tôi học tiểu học, trường của tôi ở một ngôi làng khác. Mỗi ngày, chị tôi và tôi đều mất hai tiếng đi bộ đến trường và trở về nhà. Một ngày, tôi đã làm mất một chiếc găng tay. Thế là chị ấy cho tôi một chiếc của chị. Chị ấy chỉ đeo một chiếc găng tay và đoạn đường về nhà còn rất dài. Khi bọn tôi về đến nhà, tay chị ấy run lẩy bẩy vì thời tiết lạnh giá. Thậm chí chị ấy còn không cầm được đũa khi ăn. Kể từ ngày hôm đó, tôi thề rằng khi nào tôi còn sống, tôi sẽ luôn chăm sóc chị tôi và sẽ luôn đối xử tốt với chị”.

Tiếng vỗ tay ngập tràn căn phòng. Tất cả mọi người đều nhìn vào tôi. Tôi thấy thật khó nói nên lời: “Trong suốt cuộc đời tôi, người mà tôi muốn cảm ơn nhiều nhất là em ấy”. Và trong khoảnh khắc hạnh phúc này, trước đám đông, nước mắt tôi lại tuôn rơi một lần nữa.

Ý nghĩa câu chuyện: Hãy dành tình yêu và sự chăm sóc cho những người bạn yêu thương mỗi ngày trong cuộc đời. Bạn có thể nghĩ rằng những gì bạn làm chỉ là một hành động nhỏ, nhưng với ai đó, nó có thể có ý nghĩa rất nhiều. Một số mối quan hệ kéo dài cả đời vì chúng được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương và sự chăm sóc.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Sống đẹp: Đừng bỏ cha mẹ lại phía sau
  • Sống đẹp: Người đoán tương lai 
  • Sống đẹp: Vòng tròn của sự tử tế

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!