Hiến máu nhân đạo: Những điều quan trọng cần biết

Sơ cứu & Phòng ngừa - 05/20/2024

Hiến máu nhân đạo không chỉ góp phần mang lại sự sống cho những người nhận máu, mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho chính người hiến máu.

Ngày 7/4 mỗi năm, mọi người lại cùng chung tay hiến máu nhân đạo. Tuy nhiên, bạn cần trang bị những kiến thức nào trước khi hiến máu?

Hiến máu nhân đạo như một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sự sẻ chia đối với những người đang cần máu để duy trì sự sống. Hiến máu không có hại cho sức khỏe nếu được thực hiện đúng quy trình. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những điều cần thiết về việc hiến máu nhé!

Ai có thể tham gia hiến máu nhân đạo?

Không phải đối tượng nào cũng có thể tham gia hiến máu. Do chất lượng máu được hiến rất quan trọng nên khi tham gia hiến máu nhân đạo, người hiến tặng phải đảm bảo được những quy định nghiêm ngặt.

Độ tuổi quy định cho phép một người tham gia hiến máu là từ 18 đến 60 vì đây là giai đoạn cơ thể đã phát triển hoàn thiện và sức khỏe ổn định. Cân nặng lý tưởng để tham gia hiến máu là ít nhất 42kg đối với nữ giới và 45kg đối với nam giới. Để đảm bảo người hiến máu có thể đáp ứng tiêu chuẩn về cân nặng, tất cả mọi người đều sẽ được trải qua quá trình kiểm tra sức khỏe miễn phí bao gồm đo huyết áp, tính cân nặng,… trước khi tham gia hiến máu.

Hiến máu nhân đạo: Những điều quan trọng cần biết

Ngoài ra, lượng máu bạn đã hiến sẽ được truyền cho người bệnh. Vì vậy, lượng máu được hiến phải được đảm bảo 100% không bị nhiễm bất cứ loại virus hay vi khuẩn nào, điều này có nghĩa là người hiến máu phải âm tính với HIV cũng như các bệnh lây truyền qua tình dục và đường máu. Do đó, những người đã bị nhiễm HIV (hoặc có nguy cơ nhiễm HIV), viêm gan B, viêm gan C và các virus lây truyền qua đường máu sẽ không được tham gia hiến máu tình nguyện dưới bất kì hình thức nào. Một điều cần lưu ý nữa là người bị mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, hô hấp, dạ dày,… cũng không nên hiến máu. Bạn cũng nên chú ý rằng thời gian giữa hai lần hiến máu phải cách nhau 12 tuần.

Máu hiến tặng sẽ qua những xét nghiệm gì?

Lượng máu hiến sẽ được mang đi xét nghiệm trước khi dùng để truyền cho người khác. Có 4 nhóm máu chính là A, B, AB, và O. Không phải máu hiến từ bất cứ nhóm nào cũng phù hợp với người nhận. Cơ thể mỗi người chỉ có thể tiếp nhận một nhóm máu nhất định do mỗi loại máu có các kháng nguyên riêng. Những kháng nguyên này nằm trên bề mặt tế bào, đóng vai trò xác định xem liệu nhóm máu được truyền có phù hợp với hệ miễn dịch của cơ thể hay không. Hệ miễn dịch sẽ tạo ra kháng thể để chống lại kháng nguyên không phù hợp, từ đó giúp bảo vệ cơ thể.

Khi các kháng thể xâm nhập vào tế bào máu có kháng nguyên không tương thích (ví dụ, máu nhóm B được truyền nhầm cho một bệnh nhân có nhóm máu A), nó sẽ truyền thông tin đến hệ thống miễn dịch, dẫn đến phá vỡ máu hoặc gây đông máu, làm hại đến hệ tuần hoàn.

Máu hiến sẽ được đem đi xét nghiệm các loại bệnh như HIV, virus viêm gan B, viêm gan C, giang mai, sốt rét,… Kết quả xét nghiệm sẽ được giữ kín và thông báo riêng đến bạn. Trường hợp bị mắc các bệnh trên, bạn sẽ được tư vấn miễn phí về cách điều trị.

Hiện nay, mặc dù việc hiến máu rất phổ biến ở nước ta nhưng trên tổng số 1,800,000 đơn vị máu cần thiết cho điều trị mỗi năm thì ta chỉ mới đáp ứng được 54%.

Hiến máu nhân đạo có hại đến sức khỏe không?

Theo cơ sở khoa học và thực tế, các chuyên gia nhận định hiến máu không hề gây hại cho sức khỏe. Hơn nữa, hiến máu còn mang lại nhiều lợi ích bất ngờ như giúp duy trì lượng sắt trong cơ thể (nếu hiến thường xuyên), đặc biệt là ở nam giới. Điều này giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, làm chậm quá trình oxy hóa và lão hóa,…

Bạn nên ăn một bữa đầy đủ và uống nhiều nước trước khi hiến máu để đảm bảo tình trạng sức khỏe, đồng thời đừng quên nghỉ ngơi sau khi lấy máu bạn nhé.

Quyền lợi khi tham gia hiến máu nhân đạo

Khi tham gia hiến máu tình nguyện, bạn sẽ được xét nghiệm và tư vấn miễn phí, được kiểm tra và thông báo kết quả xét nghiệm ở tình trạng bảo mật và được bồi dưỡng và chăm sóc theo các quy định hiện hành.

Không chỉ có bác sĩ mới cứu người, khi bạn hiến máu cũng chính là lúc bạn đang cứu sống một người nào đó. Lượng máu hiến tặng của bạn có thể cứu sống đến 3 người. Khi dòng máu chảy trong cơ thể một người chỉ là để duy trì sự sống nhưng cũng dòng máu ấy chảy trong cơ thể nhiều người thì nó trở thành một làn sóng của yêu thương và chia sẻ phần đời quý giá nhất trong cuộc sống con người.

Vì vậy, hãy mở rộng trái tim mình, tham gia hiến máu nhân đạo để giúp những người đang gặp khó khăn, lâm nguy bạn nhé!

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Hiểu đúng về cơ chế tái tạo máu và nguyên tắc truyền máu
  • Hiến máu có tốt cho sức khỏe của bạn không?
  • 5 lợi ích của việc hiến máu nhân đạo đối với sức khỏe

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!