Tiến sĩ Alison Ng, Trung tâm nghiên cứu về kính áp tròng tại Đại học Waterloo và các đồng nghiệp đã sử dụng một thiết bị ghi hình để quan sát và so sánh lượng vụn chì kẻ mắt rơi vào lớp màng phim nước mắt - lớp mỏng bảo vệ mắt - sau khi trang điểm mắt với các kiểu khác nhau.
'Chúng tôi thấy rằng quá trình rơi vụn chì vào lớp màng phim nước mắt xảy ra nhanh và mạnh hơn khi người ta dùng chì kẻ ở mép trong mí mắt', tiến sĩ Ng cho biết.
Mỗi người tham gia nghiên cứu đều được dùng chì kẻ ở các vị trí khác nhau: bên ngoài dọc hàng mi và sau đó là vùng mí trong gần mắt hay dọc đường trong mi mắt dưới.
Kẻ mắt giúp phái đẹp có đôi mặt có hồn, hấp dẫn hơn (Ảnh minh họa: Internet)
Các nhà khoa học thấy rằng trong vòng 5 phút, có hơn 15-30% vụn chì rơi vào lớp màng nước mắt khi chủ nhân dùng chì kẻ mắt vào bên trong hàng mi so với khi kẻ ở bên ngoài. Sau thời gian này, lượng lớp trang điểm đi vào trong lớp màng nước mắt rơi dần dần và trong hai giờ, có một lượng không đáng kể chì kẻ mắt còn sót lại. Tuy nhiên, tiến sĩ Ng và các đồng nghiệp của bà cho rằng chì kẻ mắt có thể làm thay đổi màng phim nước mắt, gây khó chịu cho nó.
Thành phần của chì kẻ mắt phổ biến gồm chất sáp, dầu, silicon và chất dính tự nhiên giúp chì dính vào mi mắt và lâu trôi. Nó có thể bám chặt ở mắt ngay cả khi bạn chớp mắt, đổ mồ hôi và tiết các chất dầu tự nhiên.
Lớp trang điểm đi vào trong lớp màng phim nước mắt có thể gây khó chịu cho những đôi mắt nhạy cảm hay làm khô mắt. Không những thế, chất sáp và dầu trong chì kẻ mắt cũng có thể bám chặt vào kính áp tròng và tích tụ nếu người sử dụng dùng hơn một ngày. Biến chứng có thể có bao gồm ngứa, đỏ mắt do vi khuẩn có hại từ chì kẻ mắt và trong một số trường hợp, người dùng có thể bị nhiễm trùng mắt hay nhìn mờ hơn.
Tuy nhiên, việc kẻ mí có thể khiến mắt phải tiếp nhận một lượng phấn độc hại, ảnh hưởng đến thị lực (Ảnh minh họa: Internet)
'Những người đeo kính áp tròng hầu hết đều dễ gặp một số vấn đề. Nếu chất kẻ viền mắt dính vào kính, làm tăng chất lắng thì có thể gây loạn thị khi thấu kính áp tròng bị đục đi', tiến sĩ Ng nói. Bà nhấn mạnh rằng các nghiên cứu trước đã cho thấy, những đồ trang điểm mắt để lâu có thể là nơi trú ẩn của vi khuẩn.
'Nếu bạn gọt chì kẻ mắt cẩn thận trước mỗi lần kẻ và bẻ bỏ mẩu chì cuối, bạn có thể tránh được các vi khuẩn. Với loại chì twist-up - loại không cần gọt, nên cắt bỏ một mẩu cuối trước mỗi lần dùng. Và luôn nhớ rửa sạch lớp trang điểm mắt trước khi đi ngủ', tiến sĩ Alison Ng khuyên.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!