Thuốc nhỏ mắt bao gồm nhiều loại thích hợp cho từng vấn đề về mắt khác nhau. Do đó, bạn nên hiểu rõ về từng loại thuốc nhỏ mắt để biết cách sử dụng phù hợp với triệu chứng của mình.
Thuốc nhỏ mắt từ lâu đã không còn quá xa lạ với mỗi người chúng ta. Nhưng bạn chắc chắn mình đã biết hết tất cả về loại thuốc này chưa? Đầu tiên, Hello Bacsi mời bạn tìm hiểu về công dụng của thuốc nhỏ mắt trước nhé.
Công dụng của thuốc nhỏ mắt
Thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ tra mắt có tác dụng làm giảm các triệu chứng của hầu hết các vấn đề về mắt.
Trước khi sử dụng, bạn nên xác định loại nước nhỏ hoặc thuốc mỡ tra mắt nào là tốt nhất tùy thuộc vào tình trạng mắt của bạn, bao gồm các trường hợp mắt bị:
- Khô mắt
- Đỏ mắt
- Nhiễm trùng
- Dị ứng
- Ngứa
- Đau nhức
- Sưng
- Ghèn mắt.
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng hoặc tình trạng không tốt nào, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa mắt để xác định nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của vấn đề và cách điều trị tốt nhất.
Thuốc nhỏ mắt kê toa và không kê toa
Thuốc nhỏ mắt và thuốc mỡ có thể được chia thành hai loại: thuốc không kê toa (OTC) và thuốc theo toa (Rx).
Thuốc nhỏ mắt không kê toa có thể có tác dụng trong nhiều trường hợp, rẻ hơn và tiện lợi hơn. Nhưng nếu các triệu chứng xấu đi hoặc kéo dài, bạn nên đến bác sĩ mắt để khám xem liệu bạn có đang mắc bệnh về mắt hoặc nhiễm trùng mắt không.
Thuốc nhỏ mắt dành cho mắt khô
Các chất bôi trơn nhãn cầu, còn gọi là nước mắt nhân tạo, có thể giúp giảm triệu chứng mắt khô tạm thời nếu nguyên nhân có liên quan đến việc mỏi mắt do dùng máy tính, tiếp xúc nhiều với gió và nắng hay mệt mỏi.
Hầu hết các chất bôi trơn nhãn cầu không kê toa đều hoạt động bằng cách bổ sung các loại nước mắt nhân tạo, giúp giữ ẩm mắt và làm bạn cảm thấy thoải mái hơn.
♦ Bạn nên tránh dùng thuốc nhỏ có tác dụng thông mũi cho mắt khô. Thuốc thông mũi làm mắt bạn trông bớt đỏ nhưng chúng cũng làm các triệu chứng mắt khô trầm trọng hơn trong thời gian dài.
Nếu vấn đề mắt khô trở nên nghiêm trọng hơn, bạn có thể cần sử dụng gel hoặc thuốc mỡ bôi trơn. Các loại gel và thuốc mỡ cho mắt khô có thể khiến thị lực giảm đi trong khoảng thời gian sau khi bôi nên hầu hết mọi người đều sử dụng chúng ngay trước khi đi ngủ.
Thuốc nhỏ mắt sử dụng cho mắt đỏ
Thuốc nhỏ mắt thông mũi có chứa các thuốc co mạch để loại bỏ tình trạng mắt đỏ bằng cách khiến các mạch máu nhỏ trên vùng trắng trong mắt co lại.
♦ Tuy nhiên, thuốc nhỏ mắt thông mũi có thể gây khô và kích ứng, thậm chí khiến đồng tử giãn nở và gây ra các phản ứng phụ khác nếu bạn sử dụng quá thường xuyên.
Ngoài ra, mắt bạn có thể bị đỏ lên nhiều hơn khi các loại thuốc này hết tác dụng do việc sử dụng quá nhiều trong thời gian dài. Vì thế, bạn nên khám bác sĩ khi tình trạng trên không hết nhé.
Thuốc nhỏ mắt dành riêng cho mắt bị dị ứng và ngứa
Thuốc nhỏ mắt kháng histamine được bào chế đặc biệt để chữa ngứa do dị ứng. Loại thuốc này có tác dụng làm giảm histamine trong mô mắt. Các chứng dị ứng có thể gây ra các triệu chứng như đỏ, ngứa và sưng, sưng phồng mà thuốc nhỏ mắt kháng histamine có thể chữa được.
Một số thuốc nhỏ mắt thông mũi sử dụng cho mắt đỏ cũng có chứa chất kháng histamine trong đó. Loại thuốc này được coi là phương pháp điều trị ngứa do dị ứng. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng thuốc nhỏ mắt thông mũi trong thời gian dài.
Nếu mắt bạn không bớt ngứa và nặng hơn, tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ để được kê toa thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống.
Thuốc nhỏ mắt cho mắt đau, sưng và mắt ghèn
Trước khi cân nhắc sử dụng thuốc giảm đau mắt, bạn cần xác định nguyên nhân căn bản gây ra tình trạng này. Đôi mắt thường đau do bị khô, căng thẳng, mệt mỏi hoặc chỉ đơn giản là làm việc quá tải. Nhưng nếu mắt bị đau quá nhiều, bạn nên khám mắt để xem liệu thị lực của bạn có bị các loại tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị hay không.
Thuốc bôi trơn nhãn cầu có thể giúp giảm bớt kích ứng mắt do các căng thẳng thị giác như khóc, bị ghèn liên quan đến dị ứng và sưng tấy do chứng viêm và dị ứng gây ra. Tuy nhiên, nếu mắt chảy ghèn do nhiễm trùng mắt, bạn nên sử dụng thuốc nhỏ mắt theo toa bác sĩ kê.
Thuốc nhỏ mắt dùng cho mắt bị nhiễm trùng
Viêm kết mạc là một trong những loại bệnh nhiễm trùng mắt phổ biến nhất. Các loại thuốc nhỏ mắt khác nhau có thể được sử dụng đối với các loại viêm kết mạc khác nhau, vì vậy điều quan trọng là bạn nên đến bác sĩ để xác định cách điều trị thích hợp:
- Viêm màng kết do vi khuẩn thường làm mắt bạn đỏ và đau, chảy nhiều ghèn màu vàng. Nhiễm trùng mắt do vi khuẩn nên được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt do bác sĩ kê toa.
- Viêm kết mạc do virus là bệnh truyền nhiễm. Một số loại virus viêm kết mạc sẽ tự khỏi, nhưng một số loại khác sẽ gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như đỏ mắt, chảy nước mắt, đau mắt, chảy ghèn màu trắng và bạn cũng có thể bị mờ mắt. Nếu bạn bị viêm màng kết mạc do virus, bạn có thể sử dụng loại thuốc bôi trơn nhãn cầu không kê toa. Nhưng nếu các triệu chứng trở nên tồi tệ, bạn nên gặp bác sĩ mắt để điều trị.
- Viêm kết mạc dị ứng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ngứa, sưng mắt và làm mắt đỏ ngầu. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa chất bôi trơn và kháng histamine có thể có tác dụng trong hầu hết các trường hợp. Bạn có thể dùng thuốc kháng histamine không kê toa như Zyrtec, Claritin hoặc Benadryl. Nếu các triệu chứng trầm trọng hơn, bác sĩ nhãn khoa có thể sẽ kê toa các loại thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống cho bạn sử dụng.
Nếu bạn đang dùng thuốc nhỏ mắt để làm giảm các triệu chứng của nhiễm trùng mắt, bạn nhớ đừng chạm vào đầu chai vì thuốc sẽ dễ bị nhiễm trùng.
Thuốc nhỏ mắt dùng cho người sử dụng kính áp tròng
Loại thuốc nhỏ mắt này được điều chế đặc biệt cho người sử dụng kính áp tròng và có thể giúp giảm các triệu chứng mắt khô và khó chịu liên quan do đeo kính áp tròng.
♦ Nếu bạn chọn sử dụng thuốc nhỏ mắt bôi trơn không kê toa thì bạn hãy kiểm tra với bác sĩ để xem loại kính áp tròng bạn đang dùng có tương thích với loại thuốc nhỏ mắt hay không.
♦ Có khá nhiều loại thuốc nhỏ mắt không kê toa hoặc thuốc theo toa không dành cho người đeo kính áp tròng nên bạn nhớ đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng nhé.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Cách xử lý các căng thẳng trong việc học và làm
- 10 thói quen đáng ngạc nhiên sau khi tập thể dục khiến bạn tăng cân
- Triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo đau mắt cá chân
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!