Lượng thực phẩm mà con bạn ăn có thể không giống với những đứa trẻ khác. Đừng nên lo lắng nếu bé có vẻ ăn không đủ trong một bữa. Trẻ em thường ăn bù cho các bữa nhỏ hoặc bữa ăn mà bé đã bỏ trong lần ăn tiếp theo.
Nếu bạn cảm thấy lo lắng, hãy nói chuyện với bác sĩ về những vấn đề có liên quan đến việc bé đang phát triển như thế nào hoặc việc liệu kén ăn có làm chậm sự tăng trưởng của bé.
Bạn nên làm gì nếu bé kén ăn?
Nhiều trẻ rất kén ăn. Kén ăn là một hành vi rất thường xảy ra ở trẻ em. Có thể đôi khi con bạn muốn ăn cùng một loại thực phẩm nào đó liên tục trong một quãng thời gian và sau đó không muốn ăn nữa. Hãy cho con bạn ăn nhiều loại thức ăn bổ dưỡng và tạo cơ hội để bé chọn thức ăn. Bạn có thể cho bé ăn những món mới cùng với những món mà bé thích. Hãy để con bạn tự khám phá và đừng ép bé phải nếm thử món mới. Bạn có thể cần phải cho bé ăn một món mới nhiều lần trước khi con bạn thử ăn nó.
Bạn cũng nên linh hoạt trong việc chuẩn bị bữa ăn để bảo đảm một chế độ ăn cân bằng cho bé. Ví dụ như, nếu bạn đang làm món bò hầm rau củ mà con bạn chỉ ăn cà rốt và cà chua thì bạn nên nấu tách riêng những loại rau trên để cho bé có thế ăn.
Bạn có thể liệt kê một danh sách các loại thực phẩm mà bé thích để có thể bảo đảm rằng bé có một chế độ ăn uống cân bằng.
Việc lấy bản thân ra làm gương cho con cũng có thể giúp bé học hỏi theo bạn. Nếu bé thấy bạn ăn nhiều loại thức ăn lành mạnh, bé có thể thử ăn chúng như bạn đã làm.
Làm thế nào biết rằng bé đã ăn đủ chất?
Hãy cung cấp cho trẻ những thực phẩm ngon và bắt mắt với lượng phù hợp. Một nguyên tắc nhỏ là cho bé ăn 1 muỗng canh từng loại thực phẩm cho từng năm tuổi. Bạn có thể cho bé ăn nhiều hơn nếu bé vẫn còn đói. Đừng ép trẻ phải ăn sạch đĩa thức ăn của mình. Một khi bé không cảm thấy đói, bạn nên để bé ngừng ăn.
Bạn không nên hứa hẹn sẽ thưởng cho bé để bé chịu ăn (như dùng món tráng miệng như một phần thưởng). Đe dọa hoặc trừng phạt cũng không phải là ý tưởng tốt. Nếu bé không muốn ăn, hãy chấp nhận điều đó. Dù bạn có thể rất quan tâm lo lắng nhưng không nên để bé thấy rằng bạn đang rất bực bội khi bé từ chối không ăn. Nếu con bạn đang muốn gây sự chú ý, hãy tỏ ra không quan tâm, nếu không thì bé sẽ lặp lại điều này nhiều lần trong các bữa ăn vì bé muốn thu hút sự chú ý của bạn.
Bạn cần biết những điều gì về các món ăn nhẹ?
Bé nên được ăn 3 bữa chính và 2 bữa ăn nhẹ trong ngày. Trẻ em thường không ăn đủ no chỉ với một bữa ăn. Hãy cho bé ăn thực phẩm lành mạnh giữa các bữa ăn. Các món ăn nhẹ lành mạnh bao gồm pho mát ít béo, sữa chua, vài lát táo hoặc nửa quả dâu tây, thịt gà tây thái lát hoặc ngũ cốc nguyên hạt, bánh quy giòn với bơ đậu phộng.
Không cho bé ăn vặt lúc gần đến giờ ăn. Khoảng thời gian phù hợp để cho bé ăn nhẹ là vài giờ sau bữa chính. Hãy tránh cho bé ăn nhẹ nếu sắp tới bữa chính. Nếu bé vẫn cảm thấy đói thường xuyên thì có nghĩa là bé cần ăn nhiều hơn trong bữa ăn chính.
Nếu con bạn bỏ bữa, bạn có thể cho bé ăn một bữa ăn nhẹ bổ dưỡng một vài giờ sau đó. Nếu bé không ăn nhẹ, hãy dọn thức ăn ra cho bé một lần nữa vào giờ ăn tiếp theo và bé thường sẽ ăn vào bữa thứ hai. Với phương pháp này, bạn có thể chắc chắn rằng bé sẽ không bị đói quá lâu hoặc mắc phải các vấn đề liên quan tới chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng.
Làm thế nào các bữa ăn trở nên dễ dàng hơn?
Bạn có thể thử những gợi ý sau đây để làm cho bữa ăn trở nên dễ dàng và thú vị hơn:
- Cho con bạn biết trước giờ ăn sắp tới. Hãy nói với trẻ là bé sẽ được ăn sớm khoảng 10 đến 15 phút trước bữa ăn. Trẻ em có thể mệt mỏi hoặc quá ham chơi và dẫn đến việc không thích ăn. Bạn nên báo cho trẻ biết trước rằng mình sắp được ăn sẽ cho bé cơ hội để bình tĩnh giải quyết hết các vấn đề trước khi ăn.
- Thiết lập thời gian ăn cho bé. Trẻ sẽ thoải mái hơn với những điều xảy ra lặp đi lặp lại nhiều lần và thường xuyên, vì vậy hãy cho bé ăn vào đúng thời điểm nhất định trong ngày. Bạn có thể để cho mọi người ngồi ăn cùng một nơi và tạo thói quen là mỗi người phải nói những chuyện vui hoặc thú vị suốt bữa ăn.
- Bảo đảm bé tập trung ăn uống và dành thời gian với gia đình trong giờ ăn. Đừng để con bạn chơi đồ chơi trong giờ ăn. Không cho phép trẻ đọc sách hay xem TV trong giờ ăn. Bạn cần giải thích cho con niềm vui khi cả gia đình ngồi ăn với nhau và yêu cầu bé ngồi lại cho đến khi tất cả mọi người đã ăn xong.
- Làm cho không khí bữa ăn dễ chịu. Nếu bữa ăn dễ chịu, con bạn sẽ bắt đầu thích ăn với các thành viên khác trong gia đình. Hãy cố gắng tránh tranh luận trong giờ ăn.
- Hãy mong đợi có chừng mực. Đừng hy vọng rằng bé có thể học được những điều quá khó với khả năng bé. Ví dụ, bạn đừng nên mong đợi một đứa trẻ 3 tuổi sẽ ăn bằng đũa hay nĩa vì đối với nhiều trẻ em, việc dùng thìa dễ dàng hơn nhiều so với việc dùng nĩa.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!