Nếu không biết cách kiểm soát cảm xúc muốn khóc, bạn có thể khiến tình hình trở nên tệ hơn với khuôn mặt đẫm nước và đôi mắt sưng húp!
Ngay cả khi khóc là một đặc quyền của phụ nữ thì bạn vẫn cảm thấy xấu hổ, mệt mỏi và buồn bã nhiều hơn mỗi lần không kiểm soát được dòng nước mắt tuôn rơi. Nước mắt không phải lúc nào cũng thể hiện sự yếu đuối, đôi lúc đây chính là biểu hiện của một nỗi khổ tâm từ sâu thẳm trong trái tim. Khi bạn không thể chia sẻ những cảm xúc tiêu cực với ai hoặc không được thấu hiểu, nước mắt sẽ càng ào ạt như nước suối chảy!
Nếu bạn thuộc mẫu người rất dễ rơi nước mắt và cảm thấy khó khăn khi kiểm soát cảm xúc, rất có thể bạn đang có một số triệu chứng của các căn bệnh tâm lý như stress, trầm cảm, tự kỷ… Thực tế, không có liệu pháp điều trị cụ thể nào dành cho bệnh “bỗng dưng muốn khóc” cả. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát cảm xúc muốn khóc khi hiểu được những nguyên nhân khiến bạn phải chảy nước mắt.
Nguyên nhân khiến bạn chảy nước mắt
Bên cạnh yếu tố cảm xúc, bạn có thể chảy nước mắt vì những nguyên nhân khác thuộc về cơ chế hoạt động tự nhiên của cơ thể. Nước mắt con người chúng ta có 3 loại với những mục đích khác nhau cũng chính là nguyên nhân khiến bạn chảy nước mắt:
1. Nước mắt cơ bản: Loại nước mắt này chứa 98% là nước luôn có sẵn với mục đích đảm bảo cho đôi mắt của bạn không bị khô. Trung bình đôi mắt con người có thể sản xuất 148ml – 296ml nước/ngày.
2. Nước mắt phản xạ: Đây là loại nước mắt sản sinh ra để bảo vệ đôi mắt của bạn khi có vật thể lạ xâm nhập hay phản ứng với sự thay đổi của môi trường như khói, bụi, hơi độc… Nếu mắt bị kích ứng, các dây thần kinh trong giác mạc sẽ truyền thông tin lên não làm chảy nước mắt phản xạ.
3. Nước mắt cảm xúc: Khi cảm xúc của bạn dâng trào sẽ kích thích một loại hormone hình thành nên nước mắt cảm xúc. Đây chính là loại nước mắt mà bạn cần học cách kiểm soát vì phụ thuộc vào yếu tố tâm lý vốn là một yếu tố rất khó nắm bắt.
Đối với nước mắt cảm xúc, bạn sẽ cảm thấy khó kiểm soát nhất khi gặp những tình huống bất ngờ ngoài ý muốn. Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến bạn phải chảy nước mắt:
- Thất vọng
- Sợ hãi
- Nhận tin xấu
- Nhớ nhung ai đó
- Đồng cảm với nỗi đau
- Kỷ niệm buồn
- Tức giận
- Bất ngờ
- Cảm thấy kiệt sức
- Mối quan hệ tan vỡ
- Hạnh phúc choáng ngợp
Cách kiểm soát cảm xúc muốn khóc
Bất cứ khi nào bạn rơi vào cảm xúc tiêu cực, hãy kết hợp cả liệu pháp tinh thần và thể chất để nhanh chóng thoát khỏi trạng thái khó chịu này nhé!
Liệu pháp tinh thần
1. Đi ra ngoài: Mỗi khi rơi vào tình huống căng thẳng, hãy bước ra khỏi nơi có đối tượng khiến bạn cảm thấy ức chế càng nhanh càng tốt! Bạn cần một không gian thoáng đãng để trút bỏ những cảm xúc giận dữ, buồn bã hay bực bội.
2. Nói ra điều bạn nghĩ: Một trong những lý do khiến bạn muốn khóc chính là vì không thể nào bộc lộ được những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực của mình với đối phương. Hãy học cách diễn đạt một cách rõ ràng với âm điệu bình tĩnh nhất có thể, bạn sẽ dần cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều đấy.
3. Phân tán sự chú ý: Bạn cần tìm cách tự phân tán sự chú ý của chính mình vào vấn đề hiện tại bằng các thú vui (nghe nhạc, xem phim, mua sắm…) hay công việc. Khi bạn càng bận rộn, những cảm xúc tiêu cực sẽ càng không có cơ hội để tấn công khiến bạn rơi nước mắt.
4. Suy nghĩ tích cực: Thay vì chìm đắm trong những ý nghĩ tiêu cực khiến bạn cảm thấy bản thân không tốt, hãy tập chuyển những điều tiêu cực thành tích cực hơn:
- “Có lẽ anh ấy sẽ bình tĩnh lại và không hành động như thế nữa”
- “Mình sẽ tìm được cách giải quyết vấn đề ổn thỏa hơn…”
- “Tắm rửa rồi ngủ một giấc, sáng mai mọi chuyện sẽ đâu vào đấy”
…
5. Tha thứ cho chính bạn: Khi nào bạn còn dằn vặt chính bản thân mình thì cảm xúc tiêu cực vẫn sẽ tiếp tục hành hạ khiến bạn khóc đến mức kiệt sức. Nếu muốn rộng lượng với người khác thì bạn cần tha thứ cho sự không hoàn hảo của mình trước tiên.
Liệu pháp thể chất
1.Tập trung vào hơi thở: Hãy hít một hơi thật sâu và thở ra thật chậm để đẩy những cảm xúc tiêu cực ra khỏi cơ thể. Bạn nên ngồi thiền để tìm lại sự bình yên và tập trung vào hơi thở khoảng tầm 5 – 10 phút, kết quả sẽ khiến bạn bất ngờ đấy!
2.Chuyển động nhanh đôi mắt: Nếu chưa thể bước ra ngoài thì bạn có thể kịp thời ngăn dòng nước mắt chảy xuống bằng cách chớp mắt hoặc thay đổi góc nhìn sang nơi khác. Chuyển động nhanh của đôi mắt có thể giúp bạn có thêm thời gian để tìm cách rời khỏi tình huống khó chịu.
3.Thư giãn các cơ mặt: Cảm xúc muốn khóc có thể khiến các cơ mặt của bạn trở nên căng thẳng. Hãy thư giãn cơ mặt bằng cách rửa mặt và massage nhẹ nhàng.
4.Làm dịu cổ họng: Cảm xúc muốn khóc cũng có ảnh hưởng đến hệ thần kinh khiến cho các cơ sau cổ họng mở ra. Bạn sẽ có cảm giác như cổ họng bị nghẹn lại. Hãy uống một ly nước, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
5.Tập thể dục: Các bài tập thể dục sẽ giúp cơ thể sản xuất ra endorphins – một loại hormone “vui vẻ” mang đến những cảm xúc tích cực, có tác dụng cải thiện tâm trạng và giảm đau rất tốt. Bạn có thể tập các môn đơn giản như chạy bộ, yoga, bơi lội…
Làm sao tránh để cảm xúc dâng trào?
Để tránh cảm xúc dâng trào, bạn cần biết những nguyên nhân có thể khiến bạn rơi nước mắt. Việc kiểm soát cảm xúc sẽ dễ dàng hơn khi bạn đề phòng những tình huống nhạy cảm và căng thẳng, đặc biệt là những người mà bạn hết mực yêu thương. Người ta vẫn hay nói rằng “thương nhau lắm, cắn nhau đau”, tình cảm càng nhiều lại càng khiến bạn dễ khóc vì đối phương hơn.
Bạn có thể áp dụng một số cách sau để tránh tạo cơ hội cho cảm xúc dâng trào:
♥ Thấu hiểu cảm xúc của bản thân: Đôi lúc, nước mắt cũng thể hiện cuộc đấu tranh nội tâm quyết liệt khi bạn không thể hiểu nổi những cung bậc cảm xúc xáo trộn. Hãy dũng cảm đối diện với cảm xúc thật sự của mình và tìm cách giải quyết thỏa đáng nhất.
♥ Điều chỉnh hành vi đúng đắn: Nếu bạn đã làm một điều không tốt, hãy điều chỉnh hành vi của mình để sửa sai. Khi tập trung tìm cách xử lý vấn đề, bạn sẽ không còn thời gian để khóc lóc nữa.
♥ Trò chuyện với một ai đó:Nếu như đàn ông thường tìm đến rượu bia để giải sầu thì phụ nữ lại cần có người trò chuyện những lúc tâm trạng xấu. Hãy nhắn tin, gọi điện hay thậm chí gặp mặt một ai đó mà bạn tin tưởng để chia sẻ cảm xúc.
♥ Viết nhật ký:Bạn không thích chia sẻ câu chuyện của mình cho bất cứ ai? Thế thì hãy viết nhật ký về những cảm xúc mà bạn đang trải qua. Viết lách là một liệu pháp điều trị tinh thần rất hiệu quả giúp bạn chiến thắng những suy nghĩ tiêu cực. Khi viết ra những suy nghĩ của mình, bạn sẽ được giải phóng khỏi tâm trạng bị ức chế và cảm thấy thoải mái hơn.
Mặc dù khóc là một trạng thái bình thường trong cuộc sống hàng ngày, song nếu điều này xảy ra quá thường xuyên thì sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần của bạn. Khi việc kiểm soát cảm xúc muốn khóc trở nên quá khó khăn thì bạn cũng không nên gồng mình kìm nén quá lâu. Nhiều nghiên cứu còn cho biết, bạn sẽ giải phóng các loại hormone gây stress khi khóc đấy!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Tại sao kiểm soát cảm xúc góp phần điều trị đau mạn tính?
- Bạn có biết khóc cũng mang lại lợi ích sức khỏe
- Đừng để cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống tình dục
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!