Nấm tiêu hóa hay còn gọi là nấm đường tiêu hóa hoặc nấm đường ruột, gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người bệnh.
1. Nấm tiêu hóa là gì?
Trong cơ thể người khỏe mạnh, có rất nhiều các vi khuẩn, nấm sống ký sinh, đặc biệt là tại hệ tiêu hóa. Trong điều kiện bình thường, chúng sống cộng sinh với nhau, giúp tiêu hóa thức ăn, sản sinh chất dinh dưỡng... Tuy vậy, khi có sự xáo trộn trong môi trường sống (do sử dụng thuốc kháng sinh) hoặc do hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu, các loài ký sinh cơ hội này có thể trỗi dậy, phát triển mạnh mẽ, phá vỡ cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người bệnh. Nấm đường tiêu hóa là tình trạng nấm Candida phát triển mạnh phán tán độc tố, gây nên nhiều triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, nhiễm trùng nấm men tái phát cũng như các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa (đau bụng, đi ngoài, ăn uống khó tiêu...).
2. Hiểm họa khôn lường từ bệnh nấm tiêu hóa
Nấm candida có thể trú ngụ trong ruột và gây nên những tác động xấu đến hệ miễn dịch và đường tiêu hóa, từ đó dẫn đến nấm đường tiêu hóa. Cũng giống như nhiều loại vi khuẩn gây bệnh khác, loại nấm này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong những môi trường thuận lợi như hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ, người già có hệ miễn dịch yếu hay những người mắc các bệnh như AIDS, ung thư, tiểu đường
Hệ thống đường tiêu hóa có vị trí trải dài từ miệng đến hậu môn với nhiều phần khác nhau. Nấm có thể khu trú ở một số địa điểm như thực quản, dạ dày hoặc đại tràng. Chúng cũng có thể tấn công toàn bộ đường tiêu hóa và gây nên nhiều triệu chứng khác nhau. Có ba dạng nhiễm nấm điển hình:
- Nấm thực quản: Bệnh nhân thường có cảm giác khó nuốt và nuốt đau. Bệnh được chẩn đoán dựa vào nội soi đường tiêu hóa thấy những mảng trắng ở thực quản và sự hiện diện của nấm trên những mảng trắng này.
- Nấm dạ dày: Người bệnh thường buồn nôn ói, sình bụng, đau dạ dày hoặc đau bụng nhiều lần sau khi ăn.
- Nấm đường ruột:Người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng bị tiêu chảy, thức ăn không được hấp thụ dẫn đến suy dinh dưỡng, mất nước, ảnh hưởng đến tính mạng. Triệu chứng tiêu chảy khi bị nấm ruột không khác gì so với tiêu chảy do nguyên nhân khác nên dễ gây ra nhầm lẫn. Khi bị nấm đường tiêu hóa, người bệnh có thể có các triệu chứng như ăn không tiêu, giảm cân nhanh, đi tiêu nhiều... Bệnh được chẩn đoán dựa vào việc tìm thấy nấm trong phân qua xét nghiệm.
3. Những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của bệnh
Có nhiều yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và gây bệnh của nấm, tuy nhiên để gây bệnh trên hệ thống tiêu hóa, thì thường có một số yếu tố thuận lợi sau:
- Yếu tố sinh lý: trẻ sơ sinh, người già, phụ nữ có thai...
- Yếu tố bệnh lý: bao gồm các bệnh như: đái đường, suy dinh dưỡng, ung thư, bệnh máu ác tính, nhiễm HIV/AIDS, suy giảm miễn dịch...
- Thuốc: dùng kháng sinh phổ rộng kéo dài diệt hết các vi khuẩn, phá vỡ thế cân bằng sinh thái tại chỗ, tạo điều kiện cho nấm phát triển.
Biểu hiện lâm sàng nghèo nàn, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, trong đó nuốt khó: là triệu chứng hay gặp nhất; sau này khi tình trạng đã nặng lên có thể xuất hiện nuốt đau. Bệnh nhân có thể có cảm giác nghẹn, đau dọc xương ức khi nuốt và nôn ra máu. Ngoài ra có một số yếu tố ít gặp: sốt, sút cân, ỉa lỏng...
4. Nấm tiêu hóa có chữa khỏi được không?
Hiện nay, việc điều trị nấm đường tiêu hóa không quá phức tạp và hoàn toàn có thể chữa khỏi bằng thuốc. Thông thường, khi khám bệnh, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ kê thuốc kháng nấm phổ hẹp như nystatin hay các thuốc kháng nấm nhóm triazole như fluconazole. Thông tin của từng loại thuốc kháng nấm như sau:
Nystatin
Khi bệnh nhẹ, không có sự bội nhiễm nên chọn dùng nystatin. Đây là thuốc kháng nấm chiết từ môi trường nuôi cấy Streptomyces nourseri có phổ kháng nấm hẹp, chủ yếu trên nấm Candida và Crytococcus. Nystatin sẽ liên kết với ergosterol có trong màng tế bào sợi nấm, sau đó làm rối loạn chuyển hóa kali của nấm rồi diệt nấm mà không gây hại cho người. Mặt khác, do nystatin không thấm qua màng ruột, chỉ có tác dụng chữa bệnh ở trong ruột mà không thấm vào để gây độc nên dùng đường ruột có tính an toàn cao.
Ketoconazol
Khi bệnh ở mức vừa, có dấu hiệu bội nhiễm chọn dùng ketoconazol. Ketoconazol là thuốc kháng nấm phổ rộng, kháng Candida nội tạng cũng như kháng các nấm nội tạng khác như Paracoccidioses, Coccidioses, Histoplasma, Blastomyces. Ngoài ra, ketoconazol còn kháng vi khuẩn gram dương (+). Ketocionazol ức chế enzym alphademethylase (enzym tham gia vào tổng hợp ergosterol), ngăn cản sự tổng hợp ergosterol, làm thay đổi lipid của màng tế bào sợi nấm, ức chế chức năng, ức chế sự phát triển của nấm. Dùng liều thấp có tác dụng kìm nấm; dùng liều cao, có tác dụng diệt nấm.
Một vài lưu ý khi dùng: Không được dùng cùng lúc ketoconazol với thuốc trực tiếp trung hòa acid (nabicarbonat hay alluminium hydroxyt trong viên maalox), các thuốc ức chế bơm proton kháng tiết acid (cimetidin, omeprazol) vì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Nếu cần phải dùng phối hợp thì phải dùng ketoconazol trước hoặc sau đó 2-3 giờ mới dùng các thuốc trên. Ketoconazol có thể gây ra buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa...
Fluconazol
Khi bệnh nặng hơn, có tình trạng bội nhiễm nấm nhiều, chọn dùng kháng nấm phổ rộng mạnh fluconazol. Khi dùng thuốc nếu có biểu hiện tróc vảy, hoại tử nhiễm độc da cần báo cho bác sĩ điều trị biết để có hướng xử trí kịp thời.
Thời gian dùng thuốc tùy thuộc vào sự cải thiện bệnh. Cần chú ý, khi khỏi bệnh (lâm sàng) nhưng Candida ở đường ruột vẫn còn (nhưng số lượng ít hơn) chứ không phải đã sạch hẳn.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý nấm là một bệnh lý cơ hội, thường chỉ xảy ra khi có sự suy giảm miễn dịch hoặc sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút; do đó để hạn chế bệnh lý do nấm gây ra, trước hết mỗi chúng ta cần có ý thức trong việc sử dụng thuốc, đặc biệt không được tự ý sử dụng hay lạm dụng các loại thuốc kháng sinh, các loại thuốc gây suy giảm miễn dịch cho cơ thể như corticoid. Mặt khác chúng ta cần có ý thức hơn trong ăn uống, sinh hoạt và lao động để có một cơ thể khỏe mạnh, tránh mắc phải các bệnh mạn tính dễ tạo điều kiện cho bệnh nấm phát triển.
Cách điều trị bệnh nấm thực quản
Bệnh nấm dạ dày có nguy hiểm không?
Tìm hiểu về bệnh nấm thực quản
Tìm hiểu về hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh (SIDS)
1
Lưu ý vàng để phòng tránh hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh
2
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!