Người lớn 'bị tăng động' phải chữa trị thế nào?

Sống khỏe mạnh - 05/06/2024

Tập thể dục thường xuyên là cách điều trị đơn giản nhất và cũng hiệu quả nhất để giảm các triệu chứng ADHD.

Đối với người mắc rối loạn tăng động thiếu tập trung (ADHD), bất cứ động thái nào nhằm kiểm soát các triệu chứng đều được coi là điều trị. Song song với sự giúp đỡ của bác sỹ, có rất nhiều cách để người bệnh tự giúp chính mình.

Thuốc chỉ là công cụ, không phải là cách chữa

Không phải bệnh nhân ADHD nào cũng nên dùng thuốc. Loại thuốc này chủ yếu cải thiện sự chú ý và tập trung nhưng lại có rất ít tác dụng đối với triệu chứng hay quên, quản lý thời gian kém, vô tổ chức, hay trì hoãn.

Người lớn 'bị tăng động' phải chữa trị thế nào?

Không phải bệnh nhân ADHD nào cũng nên dùng thuốc (Ảnh minh họa: Internet)

Thuốc điều trị ADHD hiệu quả hơn khi kết hợp với các liệu pháp điều trị khác. Tuy nhiên, hiệu quả và tác dụng phụ của loại thuốc này lên từng người cũng khác nhau. Điều quan trọng là đúng loại thuốc, giám sát chặt chẽ cảm giác của người bệnh và điều chỉnh liều lượng tương ứng. Trường hợp người bệnh muốn ngừng dùng thuốc thì nhất thiết phải trao đổi trước với bác sỹ.

Thường xuyên tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên là cách điều trị đơn giản nhất và cũng hiệu quả nhất để giảm các triệu chứng ADHD và tăng khả năng tập trung, động lực, trí nhớ và tâm trạng. Người bệnh không cần phải đến phòng tập mà chỉ cần 30 phút đi bộ mỗi ngày là đủ. Hãy lựa chọn những hoạt động đem lại sự hứng thú như tham gia đội thể thao, hòa mình vào thiên nhiên như leo núi, chạy đường mòn, đi bộ trong công viên.

Vai trò của giấc ngủ

Rất nhiều người lớn mắc ADHD gặp vấn đề về ngủ như khó ngủ, trằn trọc, dễ tỉnh giấc, khó tỉnh dậy vào sáng hôm sau. Chất lượng giấc ngủ kém làm triệu chứng ADHD nặng hơn. Do đó, một chế độ ngủ đều đặn là điều cần thiết. Một giấc ngủ chất lượng có thể tạo ra sự khác biệt lớn về khả năng tập trung và tâm trạng.

 Giúp người mắc ADHD giảm bệnh đãng trí (Việt hóa bởi Songkhoe.vn)

Ăn uống hợp lý

Điều quan trọng trong ăn uống đối với người mắc ADHD không phải là ăn cái gì mà là ăn như thế nào. Hãy lên kế hoạch và mua những thực phẩm lành mạnh, lên lịch ăn uống đều đặn, luôn chuẩn bị thức ăn trước khi đói, đồ ăn vặt lành mạnh. Cách 3 giờ lại ăn 1 lần, tránh ăn dồn dập. Nạp đủ kẽm, sắt và magiê, có thể dùng vitamin tổng hợp hàng ngày. Nạp thêm protein và carbohydrat phức để giảm tăng động và giúp tỉnh táo hơn. Ngoài ra, axit béo omega-3 có trong cá ngừ, cá hồi, dầu cá cũng có tác dụng cải thiện khả năng tập trung ở người mắc ADHD.

Điều trị hiệu quả bằng kỹ thuật thư giãn

Ngồi thiền và yoga là những kỹ thuật mà nếu tập luyện thường xuyên và lâu dài sẽ giúp tăng khả năng tập trung, giảm bốc đồng, lo lắng và trầm cảm. Thiền làm tăng hoạt động vùng vỏ não trước trán, vùng não chịu trách nhiệm về khả năng tập trung, lên kế hoạch và kiểm soát bốc đồng. Trong khi đó, những kỹ thuật như hít thở sâu, các tư thế và kỹ thuật thư giãn trong yoga giúp rèn luyện sự cân bằng và tĩnh lặng.

Liệu pháp cho người mắc ADHD

Người lớn 'bị tăng động' phải chữa trị thế nào?

Hỗ trợ chuyên môn giúp người mắc ADHD thay đổi thói quen gây ra vấn đề (Ảnh minh họa: Internet)

Hỗ trợ chuyên môn giúp người mắc ADHD đối phó với các triệu chứng và thay đổi thói quen gây ra vấn đề. Một số liệu pháp hướng đến kiểm soát căng thẳng, sự tức giận, hành vi bốc đồng, trong khi những liệu pháp khác dạy người bệnh kỹ năng quản lý thời gian, tiền bạc, khả năng sắp xếp.

Liệu pháp nói chuyện giúp bệnh nhân đối mặt với những cảm xúc như lòng tự trọng thấp, cảm giác xấu hổ, oán giận người chỉ trích mình. Trong khi đó, liệu pháp kết hôn và gia đình hỗ trợ người bệnh, người thân giao tiếp với nhau và giải quyết trên tinh thần xây dựng những vấn đề mà ADHD tạo ra như tranh cãi về tiền bạc, thất hứa, trách nhiệm trong gia đình.

Ngoài ra, liệu pháp nhận thức - hành vi khuyến khích bệnh nhân tự xác định và biến những niềm tin và hành vi tiêu cực thành cái nhìn thực tế và đầy hy vọng, tập trung vào những vấn đề thực tế như tính vô tổ chức, thể hiện trong công việc, kỹ năng quản lý thời gian kém.   

>> Chuyên đề video: Chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ nhỏ
Triệu chứng ADHD ở người lớn khác gì so với trẻ em?
Rối loạn tăng động thiếu tập trung (ADHD): Đâu chỉ có ở trẻ

Ngọc Hòa (Helpguide)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!