Những dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh

Nuôi dạy con - 05/17/2024

Những dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh: Trong tháng đầu tiên của cuộc đời, trẻ còn non nớt nên rất dễ bị mắc bệnh.

Trẻ sơ sinh bị bệnh dễ có các diễn biến nặng và nguy cơ tử vong cao hơn trẻ lớn. Vì vậy, hơn ai hết các mẹ cần theo dõi sát và phát hiện các dấu hiệu bất thường ở trẻ sơ sinh và xử trí kịp thời. Các dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh gồm:

1. Trẻ ngừng thở

Để nhận biết trẻ có ngừng thở hay không, khi quan sát lồng ngực trẻ sẽ không thấy phập phồng theo nhịp thở, ghé tai vào mũi ta cũng không nghe thấy hơi thở của trẻ. Da bé không hồng hào mà chuyển sang tím tái hoặc trắng bệch. Những dấu hiệu trên là tình trạng nguy kịch, cần xử trí ngay lập tức để cứu tính mạng trẻ.

Khi trẻ có hiện tượng như vậy, cần thổi ngạt cho trẻ bằng cách đặt bé nằm đầu hơi ngửa sẽ giúp cho đường thở thông thẳng từ khoang miệng đến phổi. Người thổi áp miệng của mình vào toàn bộ phần miệng và mũi trẻ. Nếu không làm như vậy, hơi thổi vào sẽ thoát ra đường mũi trẻ, không vào được đến phổi.Thổi hơi từ miệng của bạn vào miệng và mũi của em bé. Thổi nhẹ (như thổi tắt nến hoặc tắt đèn dầu). Không thổi hơi từ ngực của bạn bởi vì lượng không khí từ miệng của bạn vừa với lượng hơi thở của trẻ. Nếu dùng hơi từ ngực của bạn để thổi, phổi của trẻ có thể bị tổn thương (bị rách). Thổi rất nhẹ nhàng độ 25 lần mỗi phút. Chỉ dừng lại để bạn lấy hơi hoặc khi đứa trẻ bắt đầu tự thở được. Vận chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất ngay sau khi trẻ đã tự thở được.

Nếu sau khi thổi ngạt 10 phút trẻ vẫn chưa tự thở được, cần chuyển ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất càng nhanh càng tốt, vừa đi vừa thổi ngạt cho trẻ. Lưu ý ủ ấm cho trẻ trên đường vận chuyển.

Những dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh

Để nhận biết trẻ có ngừng thở hay không, khi quan sát lồng ngực trẻ sẽ không thấy phập phồng theo nhịp thở (Ảnh minh họa: Internet)

2. Khó thở

Bình thường quan sát lúc trẻ nằm yên, ta thấy trẻ thở đều, lồng ngực phập phồng đều đặn theo nhịp thở. Khi trẻ khó thở sẽ thấy trẻ thở ậm ạch, khó khăn, quan sát sẽ thấy trẻ thở nhanh, thở gấp hoặc lồng ngực trẻ bị rút lõm thành hình quả bầu nậm (khoảng giữa ngực và bụng trẻ lõm khi trẻ hít vào). Khi trẻ khó thở ta thường thấy da trẻ bị tím tái hoặc trắng nhợt.

Khi thấy hiện tượng như vậy, mẹ cần giữ trẻ ấm bằng cách quấn khăn ấm hoặc cho trẻ tiếp xúc da kề da với mẹ. Đặt hoặc bế trẻ cho thân và đầu cao hơn. Nếu trẻ có thể bú được, tiếp tục cho trẻ bú theo nhu cầu.

3. Co cứng hoặc co giật

Khi thấy hiện tượng trẻ bị co cứng hoặc co giật, các mẹ tuyệt đối không giữ chặt chân, tay trẻ. Không cho trẻ bú hoặc ăn, uống khi trẻ đang lên cơn co cứng toàn thân hoặc co giật. Xoay trẻ nằm nghiêng sang một bên để không bị sặc phải các chất nôn.

4. Trẻ bị sốt

Khi trẻ bị sốt, hãy đặt trẻ nằm và cởi bỏ bớt quần áo đang mặc. Nếu trẻ sốt trên 39 độ, cần chườm hạ nhiệt nhanh cho trẻ nhằm tránh biến chứng co giật do sốt cao. Có thể chườm bằng nước mát và lau người bằng nước ấm.

Chườm nước mát:Áp dụng khi trời nóng, trẻ không bị rét run, mẹ cần cởi bỏ bớt quần áo trên người trẻ, đặt nằm ngửa, dang rộng hai chân, hai tay. Nhúng khăn vào chậu nước, vắt vừa phải để lại một ít nước. Dùng khăn đắp vào vùng trán, bẹn và nách. Cứ cách 5 phút lại dỡ khăn ra, nhúng nước, vắt vừa phải rồi lại đắp lên người một lần.Theo dõi nhiệt độ 15 phút một lần, ngừng chườm khi nhiệt độ xuống dưới 38,5 độ.

Lau người bằng nước ấm: Áp dụng khi trời lạnh, trẻ bị rét run. Mẹ cần cởi bỏ bớt quần áo trên người trẻ, đặt nằm ngửa, dang rộng hai chân, hai tay. Nhúng 1 khăn vào chậu nước ấm. Dùng một khăn tẩm nước ấm lau người cho trẻ. Chú ý lau những chỗ có nhiều nếp gấp như cổ, bẹn, nách. Cứ cách 5 phút lại lau lại một lần. Theo dõi nhiệt độ 15 phút một lần, ngừng chườm khi nhiệt độ xuống dưới 38,5 độ. Sau khi chườm, dùng chiếc khăn còn lại lau khô người bà mẹ (hoặc trẻ) trước khi mặc lại quần áo.

5. Trẻ bị hạ thân nhiệt (da rất lạnh, thân nhiệt dưới 36ºC)

Cần ủ ấm cho trẻ bằng phương pháp da kề da. Để cho da của trẻ luôn được tiếp xúc trực tiếp với da của bà mẹ hoặc người bế trẻ, hơi ấm từ cơ thể bà mẹ hoặc người bế trẻ sẽ truyền qua da để sưởi ấm cho trẻ.

Thực hiện phương pháp da kề da bằng cách để trẻ ở trần, chỉ quấn một tã mỏng, tốt nhất là tã giấy (đóng bỉm). Mẹ mặc một áo rộng, nếu có đai quấn ngang thắt lưng càng tốt. Đặt trẻ nằm trong lòng mẹ, bên trong áo, giữa hai bầu vú, cho trẻ bú bất cứ lúc nào trẻ muốn. Nếu trời lạnh, có thể quấn thêm chăn ở bên ngoài áo của mẹ.
Ủ ấm cho trẻ bằng phương pháp da kề da đơn giản, không tốn kém.Trẻ được sưởi ấm thường xuyên bằng nhiệt độ thích hợp, trẻ được ở gần bên mẹ suốt ngày nên có thể cho trẻ bú bất cứ lúc nào trẻ muốn bú. Đặc biệt thích hợp cho việc nuôi trẻ nhẹ cân, non tháng hoặc khi cần vận chuyển trẻ sơ sinh.

Nếu vì một lý do nào đó, bà mẹ không thực hiện được phương pháp da kề da thì bố đứa trẻ hặc bất cứ người thân nào cũng có thể thay thế bà mẹ để ủ ấm bằng phương pháp này cho trẻ trên đường vận chuyển. Nếu trẻ bị khó thở, đặt hoặc bế trẻ cho thân và đầu cao hơn; Nếu trẻ có thể bú được, tiếp tục cho trẻ bú theo nhu cầu. Nếu trẻ không bú được, vắt sữa mẹ ra cốc cho trẻ ăn bằng thìa.

Những dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh

Cần ủ ấm cho trẻ bằng phương pháp da kề da khi trẻ bị hạ thân nhiệt (Ảnh minh họa: Internet)

6. Trẻ bị nôn trớ liên tục

Bình thường trẻ sơ sinh có thể bị trớ, nhất là sau khi ăn no. Tuy nhiên, nếu trẻ bị nôn, trớ liên tục, nhất là khi nôn vọt thành tia thì đó là dấu hiệu nguy hiểm cần được cấp cứu kịp thời.

Khi có hiện tượng như vậy, bà mẹ cần dùng miệng hút sạch chất dịch trong miệng, mũi trẻ ngay sau khi trẻ nôn trớ (có thể dùng ngón tay quấn khăn sạch luồn vào miệng trẻ để lau sạch). Đặt hoặc bế trẻ nằm nghiêng đầu sang một bên để tránh hít phải chất dịch khi trẻ nôn, trớ. Lưu ý trong và ngay sau khi trẻ nôn, trớ không nên cho trẻ bú hoặc ăn, uống.

Tóm lại phải đưa trẻ sơ sinh đến cơ sở y tế ngay khi gặp những dấu hiệu nguy hiểm sau:

• Ngừng thở

• Khó thở (thở nhanh trên 60 lần/phút)

• Co cứng hoặc co giật

• Sốt cao

• Hạ nhiệt độ (sờ thấy da trẻ lạnh)

• Trẻ bị nôn, trớ liên tục.

T.T

(Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế kiểm duyệt)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!