Những kiểu uống thuốc 'thà không còn hơn'

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Có nhiều trường hợp dùng thuốc tùy tiện, không theo hướng dẫn của bác sĩ nên dẫn đến hậu quả 'thuốc vô tác dụng' thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng.

Việc dùng thuốc để chữa bệnh là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp dùng thuốc tùy tiện, không đúng theo hướng dẫn sử dụng nên dẫn đến hậu quả là 'thuốc vô tác dụng', thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng. Dưới đây là những kiểu uống thuốc không chỉ khiến cho bệnh của bạn mãi không khỏi, mà có thể còn ngày càng nặng hơn.

Kiểu 3 không

Không đúng giờ

Uống thuốc khi nào là tốt nhất có lẽ là câu hỏi lớn của rất nhiều người. Chỉ định uống thuốc vào thời điểm nào đã được các chuyên gia tính toán dựa trên những chu kỳ sinh học của cơ thể sao cho thuốc được hấp thu tốt nhất, tăng hiệu lực, giảm tác dụng phụ. Không được tùy tiện thích uống thuốc lúc nào là uống. Việc uống thuốc không đúng giờ, uống sai thời điểm không chỉ gây ra một số cảm giác khó chịu như chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu mà còn có thể gây ngộ độc nghiêm trọng.

Không đúng liều

Dùng thuốc không đủ liều khiến bệnh không được điều trị dứt điểm, dễ tái phát và dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Còn dùng thuốc quá liều không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh mà thậm chí còn có thể gây tử vong. Với hầu hết các thuốc, nếu dùng đúng liều thì sẽ chữa được bệnh, còn dùng quá liều thì không khác gì nhận vào mình 'án tử'.

Những kiểu uống thuốc 'thà không còn hơn'

Uống thuốc quá liều không khác gì nhận vào mình án tử (Ảnh minh họa: Internet)

Trong một vài trường hợp, khi uống một vài liều thấy đỡ nhiều người đã tự ý dừng uống thuốc. Nếu bạn ngừng thuốc sớm có thể làm tăng nguy cơ tái phát bệnh. Nhiều loại thuốc cần phải uống đủ liều, nhưng một số người bệnh sau khi uống thuốc một thời gian, tự nhận thấy các triệu chứng bệnh đã giảm nhiều liền dừng uống thuốc. Việc này không những khiến bệnh dễ tái phát mà còn gây ra tình trạng kháng thuốc.

Không dùng nước lọc

Một số người có thói quen nuốt chửng thuốc. Điều này có thể làm giảm tác dụng, khả năng hấp thu của thuốc. Bên cạnh đó, một số loại thuốc có bao nang với độ bám dính cao sẽ nằm lại trên thành thực quản. Thời gian thuốc lưu lại thực quản càng lâu thì nguy cơ thuốc có thể làm tổn thương niêm mạc tại đây càng cao.

Những kiểu uống thuốc 'thà không còn hơn'

Uống thuốc với sữa, nước hoa quả... sẽ ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc với cơ thể (Ảnh minh họa: Internet)

Loại nước tốt nhất để uống cùng với thuốc là nước lọc ấm. Nếu uống thuốc với các loại sữa, nước hoa quả, trà, cà phê, rượu,… đều ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc do có sự tương tác với thuốc, thậm chí còn gây ngộ độc. Các loại nước ép sẽ gây ức chế men ảnh hưởng quá trình hấp thụ thuốc. Canxi có trong sữa làm giảm tác dụng các loại thuốc kháng sinh. Sử dụng rượu khi uống thuốc sẽ làm tăng nguy cơ phá hủy gan.

Uống thuốc theo đơn cũ

Dùng lại đơn thuốc của chính mình hay của người khác để tự chữa bệnh có thể làm cho bệnh nhẹ trở thành bệnh nặng. Bởi vì, một đơn thuốc là được chỉ định cho một đối tượng để dùng trong một thời điểm cụ thể. Ngoài ra, tình trạng bệnh hiện tại của bạn có thể đã nặng hơn trước kia nên chỉ dùng thuốc theo đơn cũ sẽ không còn hiệu quả. Hơn nữa, nếu chỉ là triệu chứng tương tự nhưng có thể là bệnh khác, như vậy việc dùng đơn thuốc cũ thậm chí còn khiến tình trạng của bạn nghiêm trọng hơn.

Uống thuốc qua lời đồn đại, truyền miệng

Rất nhiều người có thói quen tự 'đoán bệnh kê đơn' theo những lời đồn đại, truyền miệng của hàng xóm hay những quảng cáo đọc được trên mạng. Nhiều loại cây cỏ chỉ là thuốc thông thường nhưng được thổi vô tội vạ để áp dụng chữa những căn bệnh không phù hợp. Nghe lời đồn chữa bệnh, nhiều khi người bệnh đã bỏ lỡ cơ hội được điều trị bệnh sớm, hiệu quả chữa bệnh không cao. Thậm chí, do dùng không đúng thuốc, bệnh trở nặng hơn. Vì vậy, hãy sáng suốt và đừng tự hại mình về những bài thuốc truyền miệng vô căn cứ.

Phối hợp thuốc không đúng cách

Việc tùy tiện kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau mà không được sự chỉ định của bác sĩ có thể gây ra phản ứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng nếu không cấp cứu kịp thời. Điển hình là việc sử dụng thuốc giảm đau và thuốc chống trầm cảm sẽ làm tăng nhanh nồng độ serotonin - tác nhân gây kích động, làm tăng đột biến nhiệt độ cơ thể, nhịp tim nhanh và thở gấp, có thể gây co giật hay động kinh.

Nghiền, bẻ nhỏ thuốc tùy tiện

Đây là sai lầm mà chúng ta hay mắc phải. Việc nhai hoặc nghiền, bẻ nhỏ một số loại thuốc sẽ phá vỡ cấu trúc giải phóng, làm thay đổi dược động học của thuốc và có thể làm giảm/mất hiệu quả việc điều trị hoặc gây ngộ độc cho người dùng. Một số loại thuốc được bào chế dưới dạng tác dụng chậm, giải phóng dần sai khi vào cơ thể. Vì vậy, nếu bạn nghiền nhỏ, thuốc sẽ cho tác dụng ngay lập tức trong một lần, khiến cơ thể bị ngộ độc thuốc.

Những kiểu uống thuốc 'thà không còn hơn'

Nghiền, bẻ nhỏ thuốc khi uống là sai lầm mà nhiều người mắc phải (Ảnh minh họa: Internet)

Luyện tập ngay sau khi uống thuốc

Vừa uống thuốc xong đã tập thể thao hay tham gia vận động ngay là điều không nên làm. Thông thường thuốc sẽ phát huy tác dụng sau khoảng 30-60 phút và hệ tiêu hóa cần có đủ lượng máu tham gia tuần hoàn để thực hiện quá trình này. Việc vận động ngay sau khi uống thuốc sẽ khiến hệ tiêu hóa không được nhận đủ lượng máu cần thiết, làm giảm hiệu quả khả năng hấp thu thuốc.                                             

Vân Doãn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!