Quai bị có khả năng mắc 5 lần trong 2 năm?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Bệnh quai bị thường ít tái phát, có thể khỏi nhanh, không gây biến chứng nếu điều trị đúng cách, kịp thời,…

Quai bị là một bệnh khá phổ biến tại Việt Nam, biểu hiện là nhiễm trùng tuyến nước bọt. Đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ nhỏ, nhưng người lớn cũng không thể coi thường. Tuy hầu hết mọi người chỉ mắc 1 lần trong đời, nhưng quai bị có thể bị nhầm với một số bệnh khác.

Một số điều nên biết về bệnh quai bị

Quai bị do siêu vi trùng paramyxovirus gây ra làm nhiễm trùng các tuyến nước bọt. Bệnh có khả năng lây lan cao qua đường hô hấp nhưng lành tính. Người bệnh có thể tự điều trị tại nhà. Nếu không xảy ra biến chứng, bệnh có thể khỏi sau vài tuần.

Đông xuân là thời điểm dễ xảy ra dịch quai bị. Tại miền Nam, từ tháng 10 đến tháng 6 năm sau là khoảng thời gian bệnh phát triển mạnh. Trẻ em, trẻ vị thành niên là những đối tượng dễ mắc bệnh, tại các nước đang phát triển như Việt Nam đa số người trưởng thành đều từng mắc căn bệnh này.

Quai bị có khả năng mắc 5 lần trong 2 năm?

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc quai bị

Triệu chứng

Thời kỳ ủ bệnh thường từ 6-9 ngày, đôi khi kéo dài đến 2 tuần sau khi người bệnh nhiễm vi-rút. Những biểu hiện ban đầu thường cảm thấy đau vùng mang tai, khó nhai. Sau đó vùng mang tai bị sưng do tuyến nước bọt tại đây bị viêm. Triệu chứng sưng xuất hiện rất nhanh, đêm hôm trước còn bình thường thì sáng hôm sau đã sưng to hai bên.

Đôi khi, người bệnh bị sưng một bên rồi mấy ngày sau mới sưng bên còn lại. Nếu các tuyến nước bọt dưới hàm bị viêm, hai mang tai và vùng dưới hàm cũng bị sưng. Độ tuổi mắc bệnh càng lớn, triệu chứng càng nặng hơn. Đi kèm với sưng là sốt, đau nhức toàn thân.

Thông thường, nếu không có biến chứng, sau khi phát bệnh khoảng một tuần, các triệu chứng sẽ giảm dần. Người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn trong khoảng 10 ngày.

Biến chứng nguy hiểm

Quai bị là một bệnh ít gây biến chứng. Ngay cả khi xảy ra, đa số biến chứng đều lành tính, có thể chữa khỏi, ít khi đe doạ đến tính mạng người bệnh.

Viêm màng não là biến chứng thường gặp nhất. Biểu hiện bằng những cơn đau đầu, nôn ói, mệt mỏi dù vùng mang tai đang giảm sưng. Người bệnh thấy cứng cổ, gập đầu khó, cằm không thể gập xuống ngực.

Quai bị có khả năng mắc 5 lần trong 2 năm?

Quai bị có thể dẫn đến vô sinh ở nam giới

Một biến chứng gây nhiều lo lắng cho bệnh nhân là viêm tinh hoàn ở bệnh nhân nam và viêm buồng trứng ở bệnh nhân nữ. Trong đó, viêm tinh hoàn thường dễ xảy ra hơn viêm buồng trứng. Biến chứng này thường xảy ra với bệnh nhân lớn hơn 7 tuổi, xảy ra khi vùng mang tai giảm sưng. Bệnh nhân nam cảm thấy đau nhiều ở vùng bìu, sốt cao, đau đầu. Nếu không điều trị kịp thời, biến chứng có thể gây vô sinh sau này.

Với bệnh nhân nữ, biến chứng viêm buồng trứng chủ yếu biểu hiện bằng việc đau bụng, phải siêu âm mới xác định được. Khi biến chứng xảy ra, bệnh nhân cần tránh vận động mạnh, đi khám để theo dõi và có biện pháp điều trị đúng đắn, hạn chế được những ảnh hưởng xấu về sau.

Một số biến chứng nguy hiểm nhưng hiếm gặp của bệnh quai bị là viêm tuỵ cấp, viêm cơ tim, viêm não,…

Có thể mắc quai bị nhiều lần?

Có trường hợp một bệnh nhi được bố mẹ cho đi khám, xét nghiệm máu 5 lần trong 2 năm thì đều được các bác sĩ chẩn đoán là quai bị. Nhưng mỗi lần bị, trẻ không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ và rất nhanh khỏi. Điều này khiến bố mẹ vô cùng hoang mang tại sao trẻ lại bị quai bị nhiều lần như vậy trong khi đây là bệnh rất hiếm khi tái nhiễm.

Quai bị có khả năng mắc 5 lần trong 2 năm?

Quai bị rất ít khi tái nhiễm

ThS. Nguyễn Kiên Cường-Y học Dự phòng-Viện Y học dự phòng Quân đội cho biết, bệnh quai bị ít có khả năng tái phát. Một số người bệnh mắc lại các triệu chứng tương tự của quai bị lại nghĩ đó là bệnh quai bị. Trong đó, hai bệnh thường dễ bị nhầm với quai bị là viêm tuyến nước bọt do vi khuẩn và sỏi tuyến nước bọt. 

Đây là những bệnh dễ tái phát, sỏi làm tắc ống tuyến, cản trở việc tiết nước bọt nên gây sưng và phù. Khi sỏi vẫn còn, bệnh sẽ tái phát. Bệnh nhân cần đến bệnh viện để có các biện pháp xác định và điều trị đúng đắn.

Bên cạnh đó, ThS. Cường cũng cho biết, người bệnh nên hạn chế vận động, tiếp xúc người thân, đeo khẩu trang khi nói chuyện. Sát trùng những đồ vật, vị trí có dịch của người bệnh. Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh, nhất là trẻ đi học. Thường xuyên giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ. Dù điều trị ở nhà cũng cần tuân thủ theo đơn điều trị của bác sĩ, tuyệt đối không cho trẻ uống thuốc lạ, có thể dẫn đến hậu quả xấu. Trong điều kiện cho phép, tốt nhất nên tiến hành tiêm vắc-xin.

nh minh họa: Internet

Thanh Nguyên

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!