Sau Tết, cảnh báo nguy cơ mắc hội chứng rảnh rỗi và trầm cảm

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Cùng tìm hiểu những hội chứng nghe có vẻ kỳ lạ nhưng thực ra lại rất thường gặp liên quan đến nghỉ lễ dưới đây nhé!

Chúng ta điều biết nghỉ lễ là khoảng thời gian để gác lại công việc và tận hưởng niềm vui bên bạn bè và người thân. Song vì sao có những người lại dễ bị ốm hơn trong những ngày này hoặc sau khi kỳ nghỉ đã kết thúc? Cùng tìm hiểu những hội chứng nghe có vẻ kỳ lạ nhưng thực ra lại rất thường gặp liên quan đến nghỉ lễ dưới đây. 

Hội chứng rảnh rỗi

Tình trạng tiến triển các triệu chứng ốm trong thời gian nghỉ lễ được gọi là hội chứng rảnh rỗi. Hội chứng này xảy ra ở nam giới nhiều hơn ở nữ giới. Các triệu chứng bao gồm đau đầu, mệt mỏi cấp tính, mất ngủ, nôn, buồn nôn, cảm lạnh hoặc cúm, đau cơ, trầm cảm, lo lắng hoặc chỉ đơn giản là cảm thấy không khỏe. Yếu tố nguy cơ được cho là do khối lượng công việc hoặc căng thẳng kết hợp với kiểu cá tính thuộc chủ nghĩa hoàn hảo và đòi hỏi cao. Chính vì vậy hội chứng này thường xảy ra ở những người có trách nhiệm cao, quá đam mê công việc và khó thay đổi từ trạng thái công việc sang trạng thái nghỉ ngơi.

Sau Tết, cảnh báo nguy cơ mắc hội chứng rảnh rỗi và trầm cảm

Hội chứng rảnh rỗi xảy ra ở nam nhiều hơn ở nữ (Ảnh minh họa: Internet)

Esther Sternberg, nhà nghiên cứu tại Viện Y tế Hoa Kỳ đã lý giải nguyên nhân gây ra hội chứng này bằng mối liên hệ giữa tinh thần và cơ thể. Cụ thể, khi căng thẳng, hoóc-môn andrenaline sẽ được tiết ra để mang đến năng lượng và thúc đẩy chức năng miễn dịch trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, cùng lúc cortisol - hoóc-môn chống viêm cũng được sản sinh và gửi tín hiệu cho hệ miễn dịch ngừng hoạt động. Khi một người bớt làm việc, căng thẳng giảm và andrenaline cũng giảm theo, đồng thời gây dư thừa cortisol và làm yếu hệ miễn dịch. Kết quả là người đó dễ bị ốm.

Để ngăn ngừa và khắc phục tình trạng này, ngoài việc thay đổi công việc, thái độ làm việc hoặc thái độ về cuộc sống, chúng ta có thể áp dụng chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý và đầy đủ dinh dưỡng, tránh xa rượu và cà phê. Ngủ từ 7-9 giờ/ngày vì mất ngủ có thể kích thích sản sinh andrenaline. Nếu thay đổi công việc hoặc thái độ đối với công việc không có tác dụng thì hãy thường xuyên tập thể dục vì hoạt động thể chất sẽ làm quá trình chuyển đổi từ công việc sang nghỉ ngơi nhẹ nhàng và từ từ hơn, đồng thời giảm căng thẳng hiệu quả.

Trầm cảm hậu nghỉ lễ

Bạn đã bao giờ cảm thấy chán nản hơn sau khi kỳ nghỉ lễ kết thúc vì phải trở lại với nhịp sống hàng ngày và những thực tại đầy ám ảnh khác? Nếu có thì bạn đang gặp phải hiện tượng trầm cảm hậu nghỉ lễ.

Trầm cảm hậu nghỉ lễ được coi là một dạng phiền muộn về tinh thần hơn là rối loạn vì tác động mà nó gây ra rất ít và thoáng qua. Nhìn chung, hiện tượng này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và nếu kéo dài thì sẽ được xếp vào dạng trầm cảm 'nghiêm trọng'. 

Sau Tết, cảnh báo nguy cơ mắc hội chứng rảnh rỗi và trầm cảm

Nhiều người mắc trầm cảm khi trở lại công việc sau nghỉ lễ (Ảnh minh họa: Internet)

Nguyên nhân gây ra hiện tượng này được cho là do những kỳ vọng không được đáp ứng, những quyết tâm phi thực tế, việc quay trở lại với sự cô đơn và cảm giác tội lỗi vì đã trót vui chơi quá mức.

Các triệu chứng phổ biến gồm đau đầu, khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều, thay đổi về cân nặng và cảm giác thèm ăn, căng thẳng và lo âu, thậm chí là ốm. Khi gặp hiện tượng này, mức hoạt động trong cơ thể bị thay đổi đột ngột và nhanh.

Để vượt qua tình trạng này và trở lại hoạt động bình thường với nhịp sống thường nhật, người mắc có thể áp dụng một số giải pháp như xác định những lợi ích của thời gian hậu nghỉ lễ và bớt khắt khe với chính mình trong việc thực hiện những kế hoạch năm mới. Ngoài ra, nên duy trì sự kết nối với bạn bè và người thân cũng như có chế độ ăn uống lành mạnh, tránh xa những điều gây buồn chán và lên kế hoạch tận hưởng một năm mới đang ở phía trước.

Ngọc Hòa (Avogel, Empowher, Wikihow) 

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!