Sắp tới là thời điểm diễn ra những kỳ thi học kỳ, thi hết năm, thi cuối cấp, thi Đại học đối với các sỹ tử. Làm gì để có sức khỏe và trí óc minh mẫn cho các em vượt qua những kỳ thi quan trọng này? ThS.BS.Lê Thị Hải-Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng Viện dinh dưỡng Quốc Gia, sẽ cung cấp những bí quyết bổ sung dinh dưỡng cho sĩ tử mùa thi hiệu quả nhất.
Theo BS. Lê Thị Hải, trung bình mỗi ngày, các em cần nạp đủ lượng dinh dưỡng như sau: bạn nam cần 2500 calo/ngày, nữ cần 2000-2300 calo/ngày. Đặc biệt, với những người cân càng nặng thì càng cần nhiều calo hơn. BS nhấn mạnh, với các em, khi mùa thi tới, phải học tập và trí não luôn hoạt động thì càng cần nâng cao lượng dinh dưỡng. Trung bình, bộ não tiêu tốn 400 calo/ngày, tiêu hao 1/5 năng lượng cơ thể.
Nhu cầu năng lượng của các sĩ tử mùa thi cao gấp nhiều lần so với người lớn. Đảm bảo được dinh dưỡng cân bằng sẽ đem lại hiệu quả trong hoạt động trí não cho các em.
Bổ sung dinh dưỡng cân đối từ 4 loại nhóm chất:
Nhóm tinh bột:
Là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Tinh bột có nhiều trong cơm, phở, bánh mì, mì tôm, ngô, khoai, sắn….
Tinh bột cần cung cấp 60% năng lượng hàng ngày tương đương với 400 gram gạo. Như vậy, một ngày có thể ăn hai bữa cơm, mỗi bữa 2 bát, buổi sáng có thể thay bằng phở, mỳ, bún, bánh mỳ.
Nhóm dầu mỡ:
Chiếm khoảng 25% năng lượng hàng ngày, tương đương với 80 gram dầu, mỡ. Nên dùng 50% dầu và 50% mỡ.
Mỡ từ cá béo tốt hơn mỡ động vật. Mỡ gia cầm tốt hơn mỡ gia súc. Dầu thực vật: thường có nhiều axit béo chưa no rất tốt cho tiêu hóa.
Các chất béo không no omega3 và omega6 rất tốt cho trí não có nhiều trong: cá ba sa, cá thu, cá trích, các loại hạt bí đỏ, hướng dương…
Khẩu phần ăn cân đối từ 4 loại nhóm chất
Nhóm đạm:
Chiếm 15% nhu cầu năng lượng của cơ thể. Đạm cung cấp axit-amin để tái tạo tế bào, tạo chất dẫn truyền thần kinh, giúp tăng cường hoạt động trí não.
Đạm có trong thịt, cá, trứng, sữa và các loại hạt. Mỗi ngày cần 200-250 gram thịt cá, đậu phụ và các loại hạt. Cần lưu ý đảm bảo 2 nguồn đạm từ động vật và thực vật.
Nhóm chất vitamin, chất khoáng, chất xơ và chất chống oxi hóa: Nhóm chất này không tạo ra năng lượng nhưng vô cùng cần thiết cho sự sống và các hoạt động của cơ thể, giúp cơ thể có sức đề kháng tốt. Nếu thiết một số chất trong nhóm này có thể làm rối loạn hoạt động của cơ thể, dẫn đến bệnh tật.
Nhóm này có trong các loại rau, củ, quả. Nên ăn khoảng 400-500gam/ngày.
Các khoáng chất đặc biệt cần lưu ý cho các sĩ tử là sắt và iot.
Nếu thiếu sắt sẽ gây tình trạng mệt mỏi, học kém tập trung, dễ buồn ngủ trong giờ học.
Chất sắt có nhiều trong gan, rau ngót, các loại rong, tảo và các loại đậu.
Hoa quả tươi như: cam, bưởi, táo, đu đủ, dưa hấu... sẽ giúp các em dễ hấp thu sắt hơn.
Iot cũng là một khoáng chất không thể thiếu. Nếu thiếu iot, não sẽ hoạt động trì trệ, kém sáng tạo, giảm tiếp thu khi học.
Iot có nhiều trong cá biển, các loại rong, tảo biển và hải sản.
Các thực phẩm nên tránh
Tuy nhiên, có một số thói quen ta thường hay ăn mà không biết rằng nó thực sự có hại cho cơ thể, cho bộ não. Cần tránh các loại thực phẩm sau:
Các sĩ tử không nên quá lạm dụng cà phê
Các chất kích thích:
Nhiều người thường uống trà, cà phê, nước tăng lực hoặc nhai kẹo cao su để tỉnh táo hơn. Do tưởng mùi hương và động tác nhai kẹo cao su giúp ta tỉnh táo nhưng thực tế, chúng chỉ khiến bạn bị phân tán và tạm quên đi cảm giác căng thẳng, mệt mỏi trong chốc lát. Bộ não vốn đã mệt mỏi lại bị bắt hoạt động khiến cơ thể càng mệt mỏi, thiếu minh mẫn, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Chất caffeine có trong các thức uống như cà phê, trà, nước tăng lực…giúp mọi người tỉnh táo bằng cách chống lại đòi hỏi khi ngủ của cơ thể. Chất này còn làm tim đập nhanh, đi tiểu nhiều gây mất nước, mất ngủ, nhức đầu gây hại cho não và ngăn cản quá trình hấp thụ can xi vào cơ thể.
Nem chua rán tuy mang năng lượng ngay cho cơ thể nhưng lại là năng lượng rỗng
Thực phẩm có chứa nhiều chất bột-đường-chất béo:
Các món ăn vặt như: bánh kẹo hoặc các loại bánh tiêu, quẩy, nem chua rán, bánh khoai, bim bim… tuy mang năng lượng ngay cho cơ thể nhưng lại là năng lượng rỗng. Chúng không chứa các thành phần chất khoáng, chất xơ, khi ăn vào gây cảm giác no bụng, dẫn đến bữa ăn chính sẽ không còn cảm giác ngon miệng, sau đó đến bữa phụ lại tiếp tục ăn vặt. Do vậy, cơ thể luôn bị thiếu chất sau một thời gian dài sẽ gây rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể.
Tuy nhiên đây là những món khoái khẩu của học trò. Vì vậy để tránh tình trạng này, các em có thể ăn vặt bằng các thực phẩm sau mà vẫn tốt cho sức khỏe: táo, trứng luộc, trứng vịt lộn, chè đậu đen đậu đỏ, tào phớ, sữa chua, bánh giò, cháo trai….
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!