Sống đẹp: Chuyến hàng cuối cùng

Tâm lý - 05/04/2024

Chúng ta thường có cái nhìn không mấy thiện cảm với những người nghèo, rồi khi có chuyện gì xảy ra, ta đã vội vàng phán xét và đổ lỗi cho họ. Hãy tôn trọng tất cả mọi người, bất kể tình trạng tài chính và xã hội của họ có ra sao. Đọc Sống đẹp: Chuyến hàng cuối cùng để hiểu vì sao lại thế!

Có một cặp đôi giàu có đang chuẩn bị tổ chức một bữa tiệc lớn mừng năm mới. Thế là họ đi mua đồ ở siêu thị, nơi mà mọi thứ đều đắt và giá cả đã được niêm yết. Họ muốn duy trì đẳng cấp của mình nên không ngại trả tiền.

Sau khi mua tất cả những thứ mình cần, họ thuê một người khuân vác để mang hết đống đồ ấy về nhà. Người khuân vác là một người lớn tuổi, trông ông không được khỏe mạnh lắm, quần áo rách rưới và giống như ông không thể kiếm nổi một bữa ăn mỗi ngày.

Họ hỏi ông giá cả khuân đồ thế nào thì ông chỉ muốn 20 đô-la, cái giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường để giao hàng đến nhà cặp đôi ấy. Thế là hai người thuyết phục rồi thương lượng với người khuân vác. Cuối cùng, họ đưa ra giá là 15 đô-la.

Người khuân vác đang rất khó khăn chỉ để kiếm một bữa ăn, vì vậy ông cần bất cứ việc gì có thể kiếm được tiền nên đồng ý.

Cặp đôi đã rất vui khi nghĩ rằng họ đã thương lượng được giá tốt với người khuân vác nghèo. Họ trả trước cho ông 15 đô-la và rời đi sau khi đưa cho người khuân vác địa chỉ của họ để giao hàng.

Họ về nhà chờ.

Một giờ trôi qua. Rồi hai giờ trôi qua, nhưng người khuân vác ấy vẫn chưa mang đồ đến. Người vợ bắt đầu trở nên giận dữ với người chồng: “Em đã luôn nói với anh là không nên tin những người như thế cơ mà, anh không bao giờ nghe em cả. Loại người mà thậm chí còn không đủ tiền để ăn một bữa một ngày mà anh lại đưa ông ta hết những gì mà ta đã mua cho bữa tiệc. Em chắc chắn thay vì mang hàng tới nhà ta, ông ta sẽ biến mất cùng mọi thứ. Chúng ta phải ngay lập tức đến siêu thị điều tra rồi báo cảnh sát”.

Họ cùng nhau đến siêu thị. Trên đường đi, họ lại thấy một người khuân vác khác. Họ chặn anh ta lại để điều tra về ông lão thì thấy anh đang giữ đồ của hai người trong xe đẩy của anh!

Người vợ giận dữ hỏi anh: “Lão trộm già nua ấy đâu?! Đây là đồ của chúng tôi và đáng lý ra ông ta phải giao chúng chứ! Có vẻ như những tên trộm nghèo nàn như các người có ý định trộm đồ của chúng tôi rồi đem chúng đi bán có đúng không?!”.

Người giao hàng ấy đáp: “Xin bà hãy bình tĩnh lại. Ông lão nghèo khổ ấy đã bị bệnh từ tháng trước rồi. Ông thậm chí không thể kiếm đủ tiền để ăn một bữa trong ngày. Ông đã cố mang đồ đến nhà hai người, nhưng vì đói, vì ốm, ông ấy không đủ sức để đi nữa dưới ánh nắng gay gắt buổi trưa. Ông ấy đã qua đời. Trước khi mất, ông đã đưa tôi 15 đô-la. Lời nói cuối cùng của ông là: “Tôi đã chấp nhận chở chuyến hàng này, hãy cầm lấy nó rồi giao đến nơi hộ tôi”.

“Thưa bà, ông đã rất đói, ông rất nghèo, nhưng ông thật thà. Tôi chỉ đang trên đường hoàn tất chuyến giao hàng cuối cùng của ông”, anh nói.

Khi nghe được chuyện này, người chồng đã rơi nước mắt, còn người vợ lại cảm thấy nhục nhã, bà không còn đủ can đảm để nhìn vào mắt chồng nữa.

Ý nghĩa câu chuyện: Chúng ta luôn kì kèo bớt một thêm hai với người nghèo, khi đi chợ, khi mua hàng ở những người bán hàng rong, trong khi đó ta sẵn sàng trả cho một bữa ăn đắt tiền ở nhà hàng sang trọng, mua những món đồ đắt tiền ở những cửa hàng, siêu thị mà chẳng bao giờ được phép trả giá, nhưng lại không một lời phàn nàn. Chúng ta thường có cái nhìn không mấy thiện cảm với những người nghèo, rồi khi có chuyện gì xảy ra, chả cần biết diễn biến ra sao, ta đã vội vàng phán xét và đổ lỗi cho họ. Hãy tôn trọng tất cả mọi người, bất kể tình trạng tài chính và xã hội của họ có ra sao. Đừng phán xét ai đó khi bạn chưa rõ mọi chuyện. Hãy biết thông cảm cho người khác và thôi kì kèo với những người nghèo khổ, với những người buôn gánh bán bưng!

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Sống đẹp: Sự hy sinh của mẹ
  • Sống đẹp: Con mua một giờ của cha được không?
  • Sống đẹp: Đừng bỏ cha mẹ lại phía sau

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!