Thực hư về thuốc giảm cân

Sống khỏe mạnh - 03/29/2024

Không cần tìm từ khóa, mà chỉ cần mở các trang mạng xã hội, như zalo, facebook, thì hàng loạt các loại thực phẩm chức năng (TPCN) giảm cân dạng viên, bột, cao, sâm, nước, trà... với tác dụng có thể giúp giảm 5-7kg tại nhà trong 1 tuần đến 10 ngày.

Dù quảng cáo là như vậy, nhưng thực hư tác dụng của những loại thực phẩm này thế nào rất khó kiểm chứng.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y dược TP.HCM), khác với dược phẩm muốn lưu hành phải được chứng thực khoa học là có tác dụng trị bệnh thật sự và tương đối an toàn, còn TPCN thì không có yêu cầu khắt khe như thế, chỉ cần nhà sản xuất công bố chất lượng của sản phẩm, mà vì lợi ích của người tiêu dùng, trên nhãn, bao bì của TPCN bắt buộc phải ghi rõ: “Đây không phải là thuốc và không được dùng để thay thế thuốc chữa bệnh”.

Cũng chính vì thế mà các loại TPCN khá dễ dàng được lưu hành. Nhưng cần lưu ý thêm, trong thị trường chế phẩm giảm cân nói riêng và TPCN nói chung hiện nay có sự lẫn lộn thật giả rất khó lường. Thậm chí một số sản phẩm đã bị cấm sử dụng do gây hại cho sức khỏe nhưng cho đến nay vẫn còn trôi nổi trên thị trường.

Trên thế giới, nhiều nước đã cảnh báo nhiều loại TPCN giảm cân gọi là thảo dược nhưng có chứa thuốc chống béo phì, thuộc loại nguy hiểm đã bị cấm (như fenfluramine, sibutramine, phenolphtalein) hoặc chứa thuốc Đông y có thể gây tai biến là ma hoàng (ephedra) và yêu cầu người tiêu dùng phải hết sức thận trọng xem xét kỹ tác dụng giảm cảm giác đói, gây chán ăn như thế nào, có thể thuộc loại nguy hiểm như đã nêu.

Một số thuốc trước đây rất được ưa chuộng dùng làm thuốc giảm cân chống béo phì, nhưng sau đó tỏ ra độc hại, đã bị cấm không được sử dụng nữa. Đó là nhóm “dược phẩm chống mập do gây chán ăn” như phenmetrazin (obesitol), phentermin (mirapront), isomeride, anorex, ponderal...

Các thuốc này ngoài tính kích thích (làm mất ngủ) còn thêm tác dụng gây chán ăn, được dùng làm thuốc chống béo phì. Dùng thuốc ăn không được ngủ không được, đương nhiên sẽ làm giảm cân nhưng rất tác hại vì gây nghiện (giống như ma túy do là các dẫn chất của thuốc kích thích amphetamin) và hại tim mạch.

Mặc dù vậy, hiện nay vẫn có chế phẩm trộn chất cấm để có tác dụng giảm cân. Chẳng hạn như thuốc tiêm giảm cân chứa chất phosphatidylcholin được quảng cáo là có tác dụng phân hủy tế bào mỡ. Nhưng nếu chất này dùng đường tiêm chỉ có nguy cơ chuốc lấy sự nguy hại chứ không có tác dụng làm “tan mỡ” hay giảm cân, chống béo phì.

Đã không ít người vì muốn giảm cân nhanh chóng, dễ dàng nên sẵn sàng bỏ ra bạc triệu mua, sử dụng các chế phẩm mà rốt lại “tiền mất tật mang”.

Nhiều người không nhận được kết quả như mong muốn: cân nặng không giảm hoặc giảm cân nhưng đi tiêu nhiều do có chứa thuốc xổ hoặc có loại thuốc giảm cân chứa đại hoàng hay phan tả diệp. Những loại này khiến người sử dụng mệt mỏi và sau khi ngưng sử dụng TPCN giảm cân thì cân nặng tăng trở lại như cũ, thậm chí là tăng nhiều hơn.

Theo PGS. Đức, ngoại trừ một số trường hợp bị béo phì do bệnh (rối loạn chuyển hóa, nội tiết...) cần phải khám chữa bệnh mới cải thiện được. Còn đa số thừa cân béo phì là do có sự mất cân bằng 2 yếu tố trong cuộc sống: yếu tố dinh dưỡng và yếu tố vận động thể lực.

Do đó, một người béo phì, muốn giảm cân phải đồng thời tác động đến 2 yếu tố: Chế độ dinh dưỡng thích hợp (ăn kiêng) và chế độ tập luyện thể dục thích hợp (thậm chí là tập luyện cật lực). Nếu không tác động đến 2 yếu tố này mà chỉ dùng chế phẩm nào đó để giảm cân “thần tốc” là quảng cáo thất thiệt hoàn toàn không đáng tin cậy.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!