Tư vấn trực tiếp: Chia sẻ cách nuôi dạy con của mẹ Nhật Nam

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Chị Phan Hồ Điệp - mẹ Đỗ Nhật Nam - đã chia sẻ nhiều bí quyết về cách dạy con đơn giản nhưng hiệu quả.

Chị Phan Hồ Điệp cho biết, thành công lớn nhất trong việc dạy Nam là con biết yêu thương, tình cảm và biết chia sẻ.

Tranganh27: Kính gửi chị Điệp. Em rất hay đọc những bài chia sẻ của chị về nuôi dạy con. Em rất biết ơn chị vì những chia sẻ quý báu đó. Trong buổi giao lưu này em mong chị chia sẻ về phương pháp tích lũy vốn từ chị đã theo trong quá trình nuôi dạy bé Nam giai đoạn 0-3 tuổi. Ban đầu chị có gặp khó khăn gì không? Em cảm ơn chị thật nhiều. Kính chúc chị và gia đình luôn mạnh khoẻ và hạnh phúc.

Chị Phan Hồ Điệp: Đây là giai đoạn trẻ tích lũy vốn từ rất nhanh. Mình tích lũy vốn từ cho Nam ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Khi mang thai, mình lên lịch trình cụ thể để con lắng nghe âm thanh của mẹ. Mỗi tối mình đọc sách cho con, đọc xong thì mình để sách xuống nói chuyện với con một lúc. Trong công việc hàng ngày mình cũng vẫn nói chuyện với con. Mình vẫn nhớ khi Nam vừa sinh ra, bác sĩ còn bế trong tay, mình nhìn thấy con và đọc bài thơ mình vẫn đọc cho con nghe khi còn mang thai thì Nam im lặng lắng nghe. Đó có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng nó cũng thật kỳ diệu. Hàng ngày, mình luôn dành thời gian để nói chuyện với con. Khi Nam bập bẹ tiếng đầu tiên thì mình cố gắng tập cho con nói thành câu. Trong suốt quá trình Nam còn nhỏ, thì mình cho con chơi trò chơi. Mình bỏ đồ chơi vào trong hộp rồi mô tả đồ vật để Nam gọi tên, hoặc ngược lại. Cách này sẽ giúp con có vốn từ mô tả. Khi cho con ra ngoài mình cũng dạy con cách quan sát đồ vật. Tối về 2 mẹ con cùng nói chuyện về những chuyện đã xảy ra. Có rất nhiều cách để phát triển ngôn ngữ. Quan trọng là sự giao tiếp vui vẻ giữa mẹ và con.

Blue Rose: Tôi có con nhỏ, nhưng cháu chỉ thích các trò chơi như ô tô, ipad. Tôi cũng đã cố gắng mỗi ngày đọc sách cùng con nhưng con vẫn không thích, chị có thể chia sẻ phương pháp của chị được không ạ, vì tôi được biết Nam rất nghiện sách.

Chị Phan Hồ Điệp: Như một sức hấp dẫn tự nhiên, thiết bị công nghệ số luôn thu hút trẻ nhỏ. Nên việc trẻ thích chơi game từ điện thoại, ipad thì đó là điều đương nhiên. Tuy nhiên, là bố mẹ thì mình phải kéo con ra khỏi những trò chơi đó. Với mình, ngay từ nhỏ mình đã hướng con đọc sách ngay từ khi con chưa biết đọc. Có những lúc con cũng thích chơi, chạy nhảy bên ngoài. Mình nghĩ ra cách hóa trang thành các nhân vật cổ tích như con thỏ, con gà,... đeo hình những con vật đấy, giả giọng con vật, tạo tình huống trong nhà như tình huống trong truyện để con thu hút hơn. Khi nào nói chuyện giữa 2 mẹ con, mình gợi con đến một câu chuyện trong sách, xem con có thích hay không, vì sao con thích. Như vậy giúp con thấy được rằng đằng sau những cuốn sách là một cuộc đời. Quan trọng là bố mẹ phải là người yêu sách. Nếu trở về nhà bố mẹ đều cầm điện thoại chơi thì con cũng khó mà yêu thích sách được.

Tư vấn trực tuyến phần 1

tranmai82@gmail.com: Lúc Nam còn rất nhỏ, chị đã cùng con ghi nhật kí hằng ngày, làm thế nào để khuyến khích con ghi nhật kí thay vì đọc truyện tranh được ạ? Con tôi lớp 4 rồi nhưng chỉ thích đọc truyện tranh, không thích đọc các cuốn sách mang tính văn học, khoa học thường thức.

Chị Phan Hồ Điệp: Truyện tranh rất dễ đọc với trẻ nhỏ. Nhưng mình cũng khuyến khích Nam đọc những sách văn học thiếu nhi. Ngoài ra, mình gợi ý cho Nam viết thêm cho câu chuyện, đặt lại tiêu đề mới. Mỗi lần đi mua sách, mình nói với con ngoài truyện tranh con hãy chọn những quyển sách khác mà mẹ yêu thích.

Tư vấn trực tiếp: Chia sẻ cách nuôi dạy con của mẹ Nhật Nam

Chị Phan Hồ Điệp - mẹ Đỗ Nhật Nam

Nguyễn Viết Hoàn (65 tuổi, Đà Lạt):  Tôi là một giáo viên nghỉ hưu. Tôi có đọc một đoạn chia sẻ về cách dạy con của chị rằng ‘Giai đoạn 2-3 tuổi, vốn danh từ cũng khá nhiều rồi nên mình tập trung dạy các tính từ bằng cách chơi trò chơi miêu tả. Đó là khi chị nói một danh từ, Nam sẽ nói một tính từ miêu tả về sự vật đó’. Cháu tôi năm nay 6 tuổi, chỉ thích chơi các trò chơi như ô tô điện, rô bốt, các trò chơi là những món đồ chơi có thể cầm nắm được, hoặc chơi máy tính. Sao chị có thể thu hút Nam tư duy từ ngữ thay vì chơi đồ chơi như thế?

Chị Phan Hồ Điệp trả lời: Theo cháu, hãy bắt đầu bằng việc những gì con trẻ thích, Ví dụ con thích chơi ô tô, thì có thể khuyến khích trẻ miêu tả ô tô đó. Dần dần, con học được cách miêu tả thì sẽ chuyển sang miêu tả đồ vật khác. Đồng thời cũng khuyến khích con chơi những trò chơi khác để tư duy phong phú.

Linh Linh: Chào chị Phan Hồ Điệp. Tôi rất khâm phục bé Nam khi năm 6 tuổi đã nghiên cứu từ điển Bách khoa toàn thư. Rất nhiều thuật ngữ trong sách hoàn toàn vượt qua khả năng tiếp thu của bé. Chắc hẳn trong quá trình dạy con tư duy, chị đã có những phương pháp giúp con ‘học một biết mười’ để bé Nam có thể lĩnh hội cả ‘một núi’ kiến thức như vậy. Chị có thể chia sẻ thêm không ạ? Tôi xin cảm ơn.

Chị Phan Hồ Điệp: Khi Nam 6 tuổi, Nam đã thích tìm hiểu, khám phá. Nam tự đề nghị mẹ mua cho con quyển bách khoa toàn thư. Mặc dù, Nam chưa hiểu hết tất cả các từ nhưng không nên giới hạn con. Ví dụ một câu chuyện chỉ đọc cho con nghe thôi thì chưa đủ, mình sẽ hỏi con liên hệ đến điều gì trong cuộc sống, em muốn thay đổi cấu trúc hay chi tiết trong truyện hay không... Cách mình hướng con đến những điều sâu hơn thì sẽ giúp con tư duy tốt hơn.

hongha198474@yahoo.com: Chào chị Phan Hồ Điệp. Bé nhà em năm nay 4 tuổi, thích học tiếng Anh nhưng chưa tìm được phương pháp và trung tâm thích hợp. Chị cho em hỏi, chị đã dạy bé Nam học tiếng anh ở độ tuổi mẫu giáo như thế nào? Em cám ơn chị nhiều.

Chị Phan Hồ Điệp trả lời: Trong giai đoạn mẫu giáo Nam không học Tiếng Anh, Nam chỉ học trước khi vào lớp 1-3 tháng. Cho trẻ học tiếng Anh trước 5 tuổi rất tốt. Mình sinh Nam ở Nhật, nên mình không cho con học tiếng Anh sớm. Điều quan trọng nhất để Nam học tiếng Anh là em có sự ham mê và thích thú. Nếu trẻ thấy rằng có sự yêu thích, chứ nếu có sự áp lực hay mong đợi quá mức con có thể mệt mỏi.

Khi con học tiếng Anh, nếu con học 10 từ vựng thì mình sẽ tìm một câu chuyện có đủ 10 từ vựng đó cho con. Ngoài ra 2 mẹ con có thể học các bài hát. Mình biết Nam rất thích ăn nên mình thường dạy con trong bếp, quá trình học với con rất nhẹ nhàng và không hề có bất cứ áp lực nào.
Nam cũng chỉ đi học tiếng Anh ở một trung tâm bình thường. Nam nhận ra rằng việc học tiếng Anh, Nam biết được nhiều thứ mới thứ mới. Mình cũng hay giả vờ là học sinh của Nam, muốn đọc câu chuyện hay từ vựng nào sẽ hỏi con, Nam sẽ hướng dẫn cho mẹ.

Tư vấn trực tuyến phần 2

Hoàng Thu: Chị Phan Hồ Điệp ơi, cho em hỏi. Khi vào lớp 1 Nhật Nam đã tự học ở nhà như thế nào? Nam thường đọc sách và tự học tiếng Anh vào thời gian nào? Em cảm ơn chị rất nhiều ạ.

Chị Phan Hồ Điệp trả lời: Nam có một đặc điểm rất tốt là lên kế hoạch, giờ nào làm cái gì thì Nam đều vạch ra. Thường Nam chỉ học tiếng Anh trong khoảng 1 tiếng, sau khi đã học hết bài.

Nguyễn Tuấn Đức (Lò Đúc, Hà Nội): Tôi được biết bé Đỗ Nhật Nam yêu đọc sách từ khi còn rất nhỏ. Con tôi lớp 4. Hễ đi học về là mở ngay ti vi hoặc đọc truyện tranh, nhiều đến nỗi quên ăn, quên ngủ. Đi mua sách, tôi đã hướng con đọc sách các câu hỏi vì sao hoặc sách về danh nhân nhưng bé không chịu. Tôi biết là roi vọt không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Chị có thể cho tôi lời khuyên về cách xử lí như thế nào để không gây ảnh hưởng tâm lí của trẻ ạ?

Chị Phan Hồ Điệp: Mình không bao giờ dùng đến roi vọt dạy Nam. Khi mình dùng roi vọt nghĩa là mình thua cuộc. Quyền lực của bố mẹ không nằm trong roi vọt vì hậu quả tâm lý và tâm lý chống đối sẽ nguy hiểm hơn. Mình đã có 2 lần đánh Nam, giờ khi nghĩ lại mình rất hối hận.Mình nghĩ bố mẹ nào đánh con cũng sẽ có cảm giác như vậy. Nên hiểu, yêu cho roi cho vọt là yêu một cách nghiêm khắc, đúng mực chứ không phải quá nuông chiều, cổ súy con. Hãy chỉ cho con cách làm đúng đắn và phù hợp. Mình thường tự nghĩ các câu chuyện xã hội với các tình huống hấp dẫn để con tự nghĩ ra rằng, nhận vật trong truyện không phải là mình nhưng lại có cách ứng xử của mình trong đó. Từ đó Nam sẽ thay đổi lại suy nghĩ và cách ứng xử.

Bờm: Trẻ con thường thích làm theo ý mình nếu không có sự uốn nắn của bố mẹ. Chị đã sắp xếp thời gian biểu cho Nam như thế nào để Nam có tính kỷ luật cao như vậy? Chị có thể cho biết qua từng giai đoạn được không? Chị đã ứng xử thế nào mỗi khi Nam thích làm theo ý mình?

Chị Phan Hồ Điệp: Từng giai đoạn dạy con thì có sự khác biệt. Để rèn cho Nam tính kỷ luật, thì bản thân mình phải là người tôn trọng về thời gian, Ví dụ thời gian nào làm việc cùng Nam thì mình phải cố gắng thu xếp làm với con. Ví dụ 7h thì đọc sách thì mình sẽ duy trì khung giờ đó, trừ hôm mình ốm thì bố sẽ làm thay. Vì thế sẽ tạo cho con tính kỷ luật cao, cứ đến giờ đó thì làm việc đó. Hay như đặt ra quy tắc trong gia đình thì cả 3 người trong gia đình cùng đặt ra chứ không phải là bố mẹ áp đặt. Mỗi khi con đạt được kỷ luật thì con sẽ được thưởng một cái gì đó. Không nhất thiết phải đặt áp đặt cho con.

Tư vấn trực tuyến phần 3

Bống Bang: Tôi được biết Nguyễn Nhật Nam là đứa trẻ sống rất tình cảm. Tôi được biếtnăm lớp 3, cô giáo của Nam vô tình đọc được một mẩu giấy trong hộp bút với nội dung: ‘Bố ơi, bố đừng ốm nữa. Bố nằm viện con buồn lắm. Bố nhanh về nhà nhé.’ Hay gần đây, Nam có làm một bài thơ rất xúc động tặng mẹ lúc mẹ ốm. Ngoài sự ngưỡng mộ trước khả năng làm thơ của bé, tôi thực sự khâm phục cách bé nói lời yêu thương với ba mẹ. Chị đã dạy Nam như thế nào để Nam thể hiện tình cảm rất thật như vậy? Chị có thể chia sẻ được không?

Chị Phan Hồ Điệp trả lời: Rất cám ơn chia sẻ của bạn vì phải là người yêu thương Nam thì bạn mới nhớ được những chi tiết như vậy. Nam là người có chỉ số EQ tốt vì Nam biết thể hiện cảm xúc, tình cảm với mọi việc. Trong cuộc sống mình luôn coi Nam như một người bạn thực sự, hướng con đến những điều tốt đẹp. Tất nhiên cũng phải dạy con những mặt trái của cuộc sống nhưng luôn hướng con đến những tình cảm tốt đẹp. Mình cũng không bao giờ ngại thể hiện tình cảm với con. Nhà mình luôn duy trì mỗi ngày sinh nhật của thành viên trong gia đình là một dịp quan trọng, mọi người viết lời chúc cho con. Ví dụ trước khi mình đi công tác, mình viết lời dặn cho bố con hoặc khi con ốm, mình viết nhật ký để con hiểu tâm trạng của mẹ. Ví dụ khi mình bận không ăn sáng được thì Nam đều luôn chạy mang bánh ngọt nhét vào túi cho mẹ. Hoặc mình viết lời nhắn rồi con bất ngờ đọc được con sẽ rất xúc động. Mình luôn dạy con vạn vật hữu linh, nên con có cái nhìn khá nhân văn. Có lần Nam bị chẩn đoán nhầm là bị bệnh bạch cầu phải nằm trong bệnh viện. Vì vậy khi con ra viện, con luôn nghĩ đến việc chia sẻ với cộng đồng, với các bạn nhỏ.

Ngô Hà Lê, Nam Định: Thưa chị Phan Hồ Điệp, tôi được biết Nhật Nam là một đứa trẻ có tính tự lập cao. Tôi từng được nghe một câu chuyện rằng hồi cậu bé Nam mới 5 tuổi, bố mẹ bận cả ngày, chị đã chuẩn bị thức ăn cho Nam trước, đến bữa, Nam tự chuẩn bị bát ăn cơm và cho thức ăn ra, ăn ngon lành. Bố mẹ tối về thấy nhà cửa vẫn tươm tất, và Nam đã ngủ say. Chị có thể chia sẻ bí quyết bằng cách nào chị có thể dạy Nam tự lo cho bản thân khi còn rất nhỏ như thế ạ? Em cảm ơn chị và chúc gia đình chị luôn hạnh phúc.

Chị Phan Hồ Điệp: Mình đã dạy cho con tất cả kỹ năng tự lập đơn giản nhất, điều này không thể dạy trong một sớm một chiều. Mình không bao giờ làm giúp con bất cứ việc gì, mình sẽ cố gắng gợi ý cho con cách làm. Mình cho con ngủ riêng từ rất sớm, cho con tự ăn. Những việc nếu con có thể tự làm thì để cho con làm. Hồi con mới 4 tuổi, mình giao cho con 1 số tiền, để con vào cửa hàng 1 mình và con làm sao mua được nhiều món đồ nhất cho mẹ. Như vậy con sẽ phải suy nghĩ. Mình cũng luôn để ý đến mong muốn của con. Ví dụ con muốn tự tắm, dù con tắm chưa sạch nhưng mình chấp nhận tắm lại cho con,  vì đó là điều con muốn. Nam là một cậu bé khá vụng về, thường xuyên là rơi vỡ đồ nhưng mình chấp nhận điều đó vì nó sẽ dạy cho con nhiều thứ.

Và chị có thể chia sẻ thêm những  kĩ năng tự lập đó đã được Nam áp dụng khi đi du học như thế nào ạ?

Chị Phan Hồ Điệp: Nam rất tự lập trong việc học, từ việc học gì, thi gì. Nam cũng có khả năng hòa nhập rất nhanh. Khi Nam học xa nhà, mỗi lần nói chuyện với mẹ Nam đều vào trong nhà tắm để tập cười để mẹ thấy tự nhiên, mẹ không lo lắng. Điều đó cho thấy bản lĩnh của con. Sự khác biệt về văn hóa, lối sống có thể Nam vẫn mắc sai lầm nhưng các cô chú rất bao dung giúp đỡ Nam để Nam thích nghi.

Trần Mai Linh (Phú Thọ): Nam có đầy sự tự tin, bản lĩnh mà ở tuổi của Nam hiếm có đứa trẻ nào có được. Nam học được sự tự tin, bản lĩnh đó như thế nào? Em thấy ở Việt Nam, trẻ thường không tự tin như trẻ nước ngoài có phải do môi trường và văn hóa? Chị đã khắc phục điều đó thể nào để có được Nhật Nam như ngày hôm nay?

Chị Phan Hồ Điệp trả lời: Cảm ơn lời ưu ái của bạn dành cho Nam. Để có được sự tự tin thì cần rất nhiều thứ. Trước hết là tôn trọng ý kiến của Nam, để con nói ra suy nghĩ, ý kiến của mình. Trong nhà mình, ngoài việc mình đóng giả là học trò của Nam, mình còn tổ chức các buổi hội thảo, trong đó Nam là diễn giả, bố mẹ sẽ lắng nghe rồi đóng góp nhận xét. Như vậy Nam sẽ có khả năng nói trước đám đông tốt hơn. Nhiều khi đi ra ngoài, con không vui vẻ, không hợp tác. Khi về mình sẽ trò chuyện với con để con thấy rằng nếu con cố gắng hơn một chút là sẽ được khen ngợi. Mình cũng không bao giờ nói rằng con làm thế là không được. Mình chỉ nói nếu là mẹ thì mẹ sẽ làm thế này, hoặc nếu con ở tình huống khác con sẽ làm thế nào. Ngoài ra, tự Nam cũng tham gia nhiều cuộc thi đòi hỏi đứng trước đông người xem, để tích lũy sự tự tin cho Nam. Mình nói với Nam là trên đời bất cứ ai cũng có lỗi lầm, không ai là hoàn hảo nên Nam sẽ tự biết để cố gắng và không ngần ngại để thể hiện mình.

Tư vấn trực tuyến phần 4

Đỗ Mỹ Linh (TP. Hồ Chí Minh): Tôi năm nay 40 tuổi, con gái tôi cũng đang bước vào tuổi dậy thì. Tôi đã vỡ ra rất nhiều điều từ cuốn sách ‘Bố mẹ đã cưa đổ tớ’. Chị có gặp khó khăn gì trong việc giáo dục giới tính cho Nam không?

Chị Phan Hồ Điệp: Đây là một câu hỏi rất thú vị, là trăn trở của rất nhiều bố mẹ. Đối với mình cũng gặp những khó khăn nhất định trong việc dạy giới tính cho con. Người Á Đông thường có tâm lý né tránh vấn đề này. Khi Nam mới học lớp 1, lớp 2 mình đã dạy con về vấn đề này. Mình dẫn con đi dạo vào ban đêm và nói chuyện với con về vấn đề này, về sự khác biệt giữa nam và nữ, sự thay đổi khi ở tuổi dạy thì... Ngày đấy mình đã thách thức Nam làm một phần mềm về công nghệ. Khi đó Nam sẽ phải tự tìm hiểu thông tin để chuyển tải thông tin lên phần mềm. Ngay cả bây giờ mình cũng không ngại hỏi con có bạn gái nào trong lớp thân không, thay đổi ở cơ thể. Nam cũng trả lời rất tự nhiên. 2 mẹ con không ngại nói về những vấn đề nhạy cảm, tế nhị. Khi cho con đi học xa nhà mà không có sự trang bị kiến thức về giới tính thì đây thực sự là một thách thức rất lớn.

Nguyễn Thị Mai Trang (Bắc Giang): Chào chị Phan Hồ Điệp. Tôi rất nể phục chị trong việc dạy bé Nam, đặc biệt là giáo dục giới tính. Con trai tôi năm nay 12 tuổi. Con tôi bắt đầu ít tâm sự với tôi hơn khi chuẩn bị bước sang tuổi dậy thì và cũng bắt đầu có những tò mò về cơ thể. Tôi đã không chú ý đến việc giáo dục giới tính cho con trong năm tháng tuổi thơ. Bây giờ tôi phải mở lời với con như thế nào? Mong được chị tư vấn giúp. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Chị Phan Hồ Điệp: Mình nghĩ là 12 tuổi là lứa tuổi thách thức đối với nhiều ông bố bà mẹ. Ở giai đoạn này, con có thể không thích đi chơi với bố mẹ nữa, bố mẹ không còn là thần tượng của con nữa. Bạn có thể nói chuyện với con theo một cách khác, nghĩ về những chủ đề con quan tâm. Ví dụ độ tuổi này con quan tâm về bạn khác phái, bạn có thể hỏi về các bạn cùng lớp của con. Rồi sau đó mới chuyển sang các việc về giới tính, ngay cả chuyện tìm hiểu về sự thay đổi cơ thể. Hãy lắng nghe con thích gì, thần tượng ngôi sao nào đó, mình tìm hiểu xem vì sao con lại thích thần tượng đó, từ đó sẽ nói chuyện với con dễ dàng hơn.

Nguyễn Đình Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu): Con tôi thường hay tức giận khi không vừa ý, có thể vứt đồ, ăn vạ, tôi đã cố gắng từ nhẹ nhàng đến nặng lời nhưng thái độ của con vẫn không cải thiện, tôi đôi khi cảm thấy bế tắc trong dạy con quá. Tôi biết chị rất khéo léo trong cách thưởng phạt con. Khi Nam chưa ngoan, chị đã khen chê, thưởng phạt như thế nào để Nam biết nhận lỗi mà không tỏ thái độ tự ái hay tức giận?Em cảm ơn chị nhiều.

Chị Phan Hồ Điệp trả lời: Đây là băn khoăn của rất nhiều ông bố bà mẹ, điều mình mong muốn con không thực hiện. Khi trẻ tức giận, điều mình nên làm là nên tảng lờ, để trẻ tự nguôi cơn giân. Sau đó mình dùng các câu chuyện xã hội, trong đó mình lồng bạn nhỏ vào tình huống rồi hỏi con nên làm thế nào,. Mình thường phạt rất rõ ràng, ví dụ như ôm, thơm con, dẫn con đi nhà sách, thậm chí đi tắm mưa vì trẻ nhỏ thích vậy. Khi phạt thì mình phải thế hiện nét mặt nghiêm khắc, mình bắt con ngồi vào một góc ‘buồn’ chỉ có cái đồng hồ, mình đưa cho con thêm 1 cây bút để con viết lại. Sau đó mình sẽ nói chuyện với con để hỏi cảm xúc của con thế nào. Nguyên tắc của mình là không lấy một cơn tức giận này để chấn áp cơn giận khác. Nam cũng không phải là em bé quá ngỗ ngược nên mình cũng không chắc lời khuyên nào sẽ phù hợp với từng đứa trẻ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!